Nam bệnh nhân mắc Whitmore do vết thương hoại tử khi bị cọc tre nhọn đâm

( PHUNUTODAY ) - Bệnh nhân là nam giới, 53 tuổi ở Hòa Bình, trong lúc đi làm đồng đã bị cọc tre nhọn ở bờ ruộng đâm vào bàn chân. Vết thương sâu, rộng, tạo đường hầm, sau đó nhiễm khuẩn và hoại tử.

Theo đó, sau khi bị chấn thương, nam bệnh nhân  tự điều trị ở nhà 1 tuần bằng kháng sinh nhưng bệnh tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng suy đa phủ tạng, với biểu hiện hôn mê sâu, suy hô hấp phải thở bằng máy, huyệt áp không đo được phải dùng nhiều thuốc co mạch để nâng huyết áp, suy gan cấp, suy thận cấp, vết thương vùng chân trái nhiễm khuẩn, nhiều mủ và tổ chức hoại tử.

Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ đã đã kịp thời cấp cứu để đảm bảo chức năng hô hấp, nâng huyết áp và các chỉ số sinh tồn khác. Khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực-Chống độc và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn-Vi sinh đã hội chẩn, thống nhất nghĩ nhiều đến suy đa tạng do Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).

Bệnh nhân được bác sĩ theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân 53 tuổi mắc căn bệnh Whitmore (Ảnh Tiền Phong)

Bệnh nhân được bác sĩ theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân 53 tuổi mắc căn bệnh Whitmore (Ảnh Tiền Phong)

Cùng với lấy bệnh phẩm (máu và mủ vết thương) nuôi cấy tìm vi khuẩn, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh phối hợp phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị Whitmore. Bên cạnh đó, bệnh nhân được hô hấp nhân tạo bằng máy thở, lọc máu liên tục để đảo thải các cytokine, điều chỉnh rối loạn nước-điện giải và toan-kiểm, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch và chăm sóc toàn diện.

Ngày hôm sau, các bác sĩ phân lập được vi khuẩn gây bệnh Whitmore trên bệnh phẩm máu và mủ vết thương. Hiện tại, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng nhưng các tạng suy đã có dấu hiệu cải thiện, đã giảm được liều thuộc co mạch mà vẫn duy trì huyết áp trong giới hạn cho phép.

Bệnh Whitmore từng xuất hiện ở một số địa phương trên cả nước cách đây một năm và được cho là "vi khuẩn ăn thịt người". Tuy nhiên, trên thực tế không phải vậy. Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vaccine dự phòng). Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Theo đó, bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, người mắc bệnh Whitmore có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... Vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau như nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân(nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link