Nên làm gì khi bị bệnh viêm miệng?

07:25, Thứ hai 29/01/2018

( PHUNUTODAY ) - Đối với những người khi phát hiện mắc bệnh viêm miệng thì người dùng nên làm gì? Các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin qua bài viết dưới đây nhé!

Làm thế nào để biết mình bị viêm loét hay có tổn thương vùng miệng?

Những dấu hiệu sau có thể nhận biết được vết loét hay tổn thương ở miệng:

Các vết loét ở miệng là những vết sưng trắng nhỏ hoặc những vết loét có viền đỏ. Các vết loét trắng thường không lây nhiễm, nhưng thường dễ bị nhầm lẫn với loét mụn rộp do virus Herpes gây ra. Nên nhớ rằng các vết loét chỉ xảy ra bên trong miệng, còn loét mụn rộp thường xảy ra cả bên ngoài miệng. Các vết loét có thể tái đi tái lại, có thể nhỏ hoặc lớn hoặc dạng chùm như Herpes (nhóm hoặc cụm).

Các vết loét miệng phổ biến và thường tái phát. Mặc dù không rõ nguyên nhân chính xác, nhưng một số chuyên gia cho rằng có thể do liên quan đến vi khuẩn, virus, hoặc vấn đề của hệ miễn dịch. Các yếu tố nguy cơ gồm có căng thẳng (stress), chấn thương, dị ứng, hút thuốc, thiếu sắt hay vitamin, vấn đề di truyền.

Loét mụn rộp còn được gọi là sốt vỉ hay herpes simplex là một nhóm có biểu hiện đau, có những cụm loét mụn rộp xung quanh môi, có khi ở dưới mũi hoặc quanh cằm. Nguyên nhân thường là do virus nhóm Herpes và có khả năng lây nhiễm cao. Sự nhiễm virus nguyên phát thường xảy ra ở trẻ nhỏ, có khi không có triệu chứng, và có thể nhầm lẫn với cảm lạnh hay cúm. Một khi bị nhiễm, virus tồn tại trong cơ thể và thỉnh thooảng gây những đợt tái phát. Tuy nhiên ở đa số người thì virus tồn tại ở dạng không hoạt động.

132.nen-lam-gi-khi-bi-viem-mieng-phunutoday.vn
 

Bạch sản có biểu hiện là một mảng dày, màu trắng ở mặt trong của má, nướu hay lưỡi. Bệnh thường liên quan tới hút thuốc, các hình thức dùng thuốc lá khác, ngoài ra còn có hàm giả không khít sát, răng bị gãy, cắn má. Ước tính có khoảng 5% bạch sản tiến triển thành ung thư nên nha sĩ có thể phải lấy mẫu mô để kiểm tra. Bạch sản thường hết sau khi ngưng dùng thuốc lá.

Nhiễm nấm Candida — nấm miệng — là bệnh do nhiễm nấm men Candida albicans, biểu hiện là những mảng mịn màu trắng-vàng hay đỏ trên các bề mặt ẩm ướt trong miệng. Có thể bị đau phần mô bên dưới vết tổn thương. Nấm miệng thường gặp ở những người mang hàm giả, trẻ sơ sinh, những đối tượng bị suy giảm sức khỏe do bệnh tật và những người có vấn đề về hệ miễn dịch. Những người bị khô miệng, người đang được điều trị kháng sinh hay mới vừa được điều trị kháng sinh cũng dễ bị nhiễm nấm.

Bạn làm gì khi bị viêm loét miệng?

Nói chung, viêm loét miệng thường tự khỏi sau một đến hai tuần mà không để lại một di chứng nào. Tuy vậy, trong một số trường hợp, bạn cũng cần phải sử dụng một số liệu pháp như súc miệng hoặc bôi một số thuốc có chứa steroid như dexamethasone để giảm viêm nhiễm phù nề tại ổ loét. Thuốc kháng sinh như tetracycline làm giảm đau, giảm viêm, làm mau lành vết loét nhưng hiện nay ít được dùng, đặc biệt ở trẻ em. Các loại thuốc kem có chứa benzocaine, amlexanox, fluocinonide hiện đang được ưa chuộng giúp giảm đau và mau lành vết loét. 

Bạn cũng có thể uống các thuốc như prednisolon, colchicine (thuốc điều trị bệnh gút) hoặc cimetidine (thuốc điều trị dạ dày) để giảm đau và kháng viêm trong các trường hợp viêm loét miệng nặng và lâu lành. Trong một số trường hợp, các thuốc làm khô, se ổ loét như nitrate bạc cũng có thể được sử dụng để giúp giảm đau và mau lành vết loét. Nếu ổ loét gây đau nhiều, cho bệnh nhân uống thêm giảm đau (paracetamol), vitamin C, vitamin PP. Ăn lỏng, tránh các chất kích thích như ớt, hạt tiêu… gây đau ổ loét.

Dự phòng áp - tơ miệng được không?

Do cơ chế gây tổn thương chưa rõ nên việc dự phòng viêm loét miệng chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ như không ăn quá nhiều các thức ăn gây kích thích khoang miệng (ớt, hạt tiêu, dấm…). Việc cung cấp một chế độ ăn đầy đủ các loại vitamin (C, B1, B6, B12, PP…) và các yếu tố vi lượng như kẽm, đồng…cũng rất quan trọng vì đây là các yếu tố không thể thiếu đảm bảo cho da và niêm mạc khỏe mạnh, không bị tổn thương.

Thay đổi thói quen nói chuyện nhiều trong khi ăn để tránh cắn phải lưỡi hoặc niêm mạc má. Lựa chọn bàn chải răng thích hợp và làm vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng phương pháp để lợi không bị viêm loét. Cuối cùng, việc thay đổi các thói quen có hại như hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn uống không đủ chất, thức đêm nhiều, làm việc quá sức cũng như tránh các căng thẳng, các stress về mặt tâm lý, tạo một sự hài hòa, thoải mái trong cuộc sống cũng sẽ giúp bạn tránh được những phiền hà do viêm loét miệng gây ra.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc