Lương giáo viên cao nhất có thể lên tới 18 triệu đồng
Những ngày qua, thông tin Chính phủ sẽ trình phương án đề xuất nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (tăng khoảng 20,8%)… khiến giáo viên vui mừng.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang được thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, là 1,49 triệu đồng. Hệ số lương khởi điểm của giáo viên tiểu học, THCS, THPT đều là 2,34 (trước đây, hệ số lương cơ bản của giáo viên tiểu học chỉ là 1,86).
Dù lương khởi điểm của giáo viên đã tăng so với thời điểm năm 2020 trở về trước, nhưng thực tế tổng thu nhập của giáo viên mới ra trường sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì chỉ còn nhận được khoảng 4,2 triệu đồng. Mức lương này, theo ý kiến của giáo viên thì không đủ sống.
Nếu chính sách nâng mức lương cơ sở khu vực công lên 1,8 triệu đồng được Quốc hội thông qua và thời điểm thực hiện từ tháng 7.2023, sẽ giúp thu nhập của giáo viên tăng lên đáng kể.
Cụ thể, với giáo viên mầm non mới vào ngành được xếp hạng III có hệ số lương 2,1, phụ cấp ưu đãi 35%, lương khởi điểm sẽ khoảng 5,1 triệu đồng/tháng – chưa trừ các khoản tiền bảo hiểm và một số loại phí khác phải đóng (hiện nay lương khởi điểm của giáo viên mầm non vào khoảng 4,2 triệu đồng).
Với giáo viên mầm non hạng I, hệ số lương cao nhất 6,38, sau khi cộng thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, sẽ nhận được khoảng 15 triệu mỗi tháng.
Đối với giáo viên tiểu học, Trung học cơ sở, THPT, nếu được xếp hạng III (hệ số lương 2,34) thì sẽ nhận mức lương khởi điểm khoảng 5,5 triệu đồng mỗi tháng; giáo viên hạng I (hệ số lương 6,78), sau khi cộng thêm các khoản tiền phụ cấp, có thể nhận được trên 18 triệu mỗi tháng.
Với giáo viên công tác tại các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các thầy cô sẽ nhận thêm phụ cấp ưu đãi 70%, phụ cấp thu hút 70%.
Tiếp tục đề xuất chính sách để giáo viên sống được bằng lương
Tăng lương là mong mỏi lâu nay của hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước. Đây cũng là lời hứa của 4 đời bộ trưởng với giáo viên và được các tư lệnh ngành kiên trì theo đuổi trong suốt 15 năm qua, với cùng một mục tiêu: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Mục tiêu này được quy định rõ trong Nghị quyết TƯ2 khóa VIII, năm 1996, về định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ban hành năm 2013.
Tăng lương để giúp giáo viên “sống được bằng lương”, chưa nói đến việc trở thành “động lực” hay giúp “nâng cao chất lượng cuộc sống” của nhà giáo… là việc làm cần thiết để giúp thầy cô phần nào yên tâm công tác, cũng là hiện thực hóa các Nghị quyết của của Đảng.
Thời gian qua do áp lực công việc, lương không đủ sống, nhiều giáo viên đã bỏ việc. Các địa phương diễn ra tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên nhưng khó khăn trong việc thu hút nguồn tuyển. Vì thế, tăng lương cơ sở là việc làm quan trọng lúc này.
Ngoài ra, để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành, theo Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ sẽ tiếp tục kiên trì đề xuất “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới. Theo đó, lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc, đặc thù nghề nghiệp, tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.