1. Công dụng của tỏi
Tỏi thường được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Theo một nghiên cứu của Đại học Maryland (Mỹ), một người trưởng thành khỏe mạnh có thể tiêu thụ đến 4 tép tỏi mỗi ngày. Với nhiều thành phần dược liệu tự nhiên, tỏi có thể tăng cường chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Trị cảm cúm thông thường
Bổ sung tỏi hàng ngày giúp cơ thể chống lại cơn cảm lạnh thông thường. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Advances In Therapy, việc bổ sung tỏi mỗi ngày giúp cung cấp nhiều allicin, làm giảm đến 63% nguy cơ bị cảm cúm. Đặc biệt điều này có thể làm giảm hơn 70% thời gian bị cảm, như từ 5 ngày có thể giảm xuống còn 1,5 ngày.
Tính chất kháng khuẩn của tỏi rất mạnh, nó thậm chí có thể giúp điều trị đau họng khi bị cảm cúm. Nó cũng có thể giúp bạn giảm ho và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Trị mụn trứng cá
Ít người biết rằng tỏi là một trong những dược phẩm điều trị mụn tại chỗ tự nhiên có hiệu quả cao. Hợp chất hữu cơ allicin trong tỏi có khả năng cản trở sự hoạt động của các gốc tự do và tiêu diệt vi khuẩn. Ở dạng phân hủy, allicin chuyển hóa thành axit sulfenic, tạo phản ứng nhanh với các gốc tự do, giúp phòng ngừa sẹo mụn, các bệnh ngoài da và dị ứng.
Giảm huyết áp
Ăn tỏi mỗi ngày giúp cơ thể duy trì mức huyết áp ổn định. Các loại hoạt chất trong tỏi có khả năng làm giảm huyết áp tương tự như các loại thuốc chuyên dùng khác. Theo ước tính đăng trên tạp chí Khoa học về dược phẩm Pakistan, khoảng 600-1.500 mg chiết xuất tỏi mang lại hiệu quả trong 24 tuần như loại thuốc Atenolol mà người cao huyết áp thường sử dụng.
Phòng chống ung thư
Một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa ăn tỏi hàng ngày với việc chống lại ung thư dạ dày và đại trực tràng. Các hợp chất alli giúp làm chậm hoặc ngừng sự phát triển các tế bào ung thư trên cơ thể. Theo Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ, tỏi có thể làm giảm tỷ lệ các khối u ung thư.
2. Những nhóm người hạn chế ăn tỏi:
Người mắc bệnh gan
Tỏi có tính nóng, vị cay nếu ăn nhiều tỏi sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, đường ruột cũng như ức chế tiết dịch vị. Việc này gây ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn, khiến triệu chứng viêm gan ngày càng trở nặng.
Ngoài ra, các thành phần của tỏi làm giảm tế bào máu đỏ và hemoglobin trong máu, dẫn đến thiếu máu gây bất lợi cho việc điều trị viêm gan.
Người bị tiêu chảy
Người bị viêm đường ruột hoặc tiêu chảy không nên ăn tỏi vì dễ làm tăng acid uric niêm mạc ruột, gây phù nề khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Đang uống thuốc
Nếu đang uống thuốc theo đơn, không nên sử dụng tỏi mà chưa có ý kiến của bác sĩ, bởi nó có chứa các chất làm giảm tác dụng.
Người có bệnh lý về mắt
Trong tỏi có thành phần gây kích thích màng nhầy và mô kết mạc của mắt nên những người thị lực yếu hoặc mắc các bệnh lý về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc… nên hạn chế ăn tỏi.
Huyết áp thấp
Tỏi có thể làm giảm huyết áp, dẫn đến tình trạng tụt huyết áp gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Người đang uống thuốc chống đông máu
Tỏi có đặc tính chống đông tự nhiên và điều trị hiệu quả các vấn đề về lưu thông. Vì vậy, nếu đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu, bạn không nên ăn tỏi vì có thể dẫn đến chảy máu nhiều hơn.