Ngai vàng duy nhất còn lại của Việt Nam: Qua 13 đời vua vẫn chưa một lần dịch chuyển

21:46, Thứ sáu 15/12/2023

( PHUNUTODAY ) - Ngai vàng thể hiện cho quyền lực thời quân chủ. Ngai vua triều Nguyễn chính là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn.

Triều Nguyễn (1802-1945) là triều đại cuối cùng cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn đến ngày nay. Ngai cao 101cm, rộng 72cm, dài 87cm. Phần đế dài 118cm, rộng 90cm, cao 20cm.

Ngai vàng được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hoà, nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch. Điện Thái hoà cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình (lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần,…)

Dưới thời vua Khải Định (1916-1925), ngai vàng được trùng tu kĩ càng. Nhà vua cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chất liệu chuyển từ gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo.

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết hiện nay ngai vua triều Nguyễn được gìn giữ trong Điện Thái Hoà, thuộc khu vực Đại nội của Kinh thành Huế.

Tháng 1 năm 2016, ngai vàng được xếp hạng bảo vật quốc gia, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, mỹ thuật đặc sắc.

Triều Nguyễn tồn tài suốt 143 năm, có tất cả 13 đời vua đã ngồi trên ngai vàng này. Ngai vàng được hoàn thành dưới thời vua Gia Long – vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại cũng đã ngồi lên chiếc ngai vàng này và là người cuối cùng ngồi lên nó. Vua Tự Đức có thời gian ngồi ngai vàng lâu nhất với 36 năm, từ 1847-1883.

Đáng chú ý nhất là câu chuyện 4 tháng thay 3 vua của nhà Nguyễn. Sự việc xảy ra sau khi vua Tự Đức qua đời. Do Tự Đức không có con nối dõi nên vua nhận 3 người cháu làm con nuôi. Dục Đức là người được chọn để truyền ngôi. Lúc đó, Dục Đức – vị vua thứ 5 của triều Nguyễn lên ngôi nhưng chỉ tại vị được 3 ngày thì bị các quan đại thần đề nghị phế bỏ vì tội “sửa di chiếu do vua Tự Đức để lại”. Dục Đức sau đó đã bị bỏ đói đến chết trong ngục tối.

Sau Dục Đức, vua Hiệp Hoà lên ngôi cung chỉ giữ ngai được 4 tháng và bị xử tử theo lệ cung đình vì duyệt tờ biểu trừ khử hai quan quyền thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.

Hoàng tử Ưng Đăng sau đó kế thừa ngôi báu khi mới 15 tuổi, lấy hiệu là Kiến Phúc. Tuy nhiên, tâm trạng lo sợ do chứng kiến hai cái chết liên tiếp khiến vị vua này lâm bệnh rồi băng hà chỉ sau 8 tháng.

Một chi tiết nữa cũng rất đặc biệt là trong 143 năm tồn tài của nhà Nguyễn, chiếc ngai vàng tại Điện Thái Hoà chưa bao giờ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì: “Có giai đoạn ngai vàng đẫm máu trong những cuộc tranh giành ngôi vua, như 4 tháng thay 3 vua nhưng không ai dịch chuyển chiếc ngai vàng đi nơi khác”.

Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, từ xưa người Huế không bao giờ dám lấy một viên ngói hay gạch ở Hoàng cung về để sử dụng. Khi triều Nguyễn chấm dứt cho đến giai đoạn đất nước bị chia cắt, không ai dám phạm thượng tự ý ngồi lên ngai vàng hay xâm phạm bất cứ thứ gì.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy