Cúm A bùng phát, có thể gây tử vong nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách

( PHUNUTODAY ) - Trẻ bị mắc cúm A có thể bị sốt cao, co giật, mệt lả kèm theo suy hô hấp, suy phủ tạng dẫn đến tử vong.

Những ngày qua, số bệnh nhân nhiễm cúm A đến thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, BV Nhiệt đới Trung ương và một số bệnh viện khác ở Hà Nội tăng cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm là một bệnh lành tính. Tuy nhiên, những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai nhiễm cúm có thể dẫn tới các biến chứng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Nếu bệnh nhân nhiễm cúm A không được điều trị đúng cách sẽ dẫn gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

cum-a-01

Khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện ban đầu như sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ngạt mũi, ho và chảy nước mũi.

Trẻ nhỏ có thể có thêm các triệu chứng đau tai, đau họng, sưng hạch hoặc tiêu chảy, nôn mửa.

Sau 5 ngày, các triệu chứng thường biết mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Sau 1-2 tuần, các triệu chứng bệnh có thể biến mất hoàn toàn.

Thông thường, trẻ mắc cúm mùa thường tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần nhập viện điều trị, chủ yếu dùng paracetamol để hạ sốt tại nhà.

Các loại thuốc khác cần phải có sự chỉ định của nhân viên y tế mới được sử dụng.

Biện pháp dự phòng hiệu quả nhất hiện nay là tiêm phòng vắc xin cúm mùa.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể và ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn