Ngành nghề hot mới ‘du nhập’ vào Việt Nam, mức lương không dưới 10 triệu/tháng

( PHUNUTODAY ) - Nhiều năm trở lại đây, ngành nghề này đã rất hot nhưng vẫn chưa nhiều người chưa hiểu cụ thể về tính chất công việc, mức lương,… của nghề này.

M&A được viết tắt từ hai từ tiếng Anh là Merger (Sáp nhập) và Acquisition (Mua lại). Đây là hoạt động thu mua hoặc sáp nhập giữa hai hay nhiều doanh nghiệp khác nhau nhằm mục đích nắm giữ quyền kiểm soát, sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó và mở rộng thị phần cũng như quy mô của doanh nghiệp hiện tại để đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn, giảm các chi phí phát sinh, tận dụng các công nghệ được chuyển giao... Hai doanh nghiệp sáp nhập và liên kết với nhau vì lợi ích chung, đôi bên cùng có lợi.

Theo thống kê trong 20 năm qua cho thấy, Việt Nam có hơn 4 nghìn thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỉ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A. Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút được dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường.

Trong tương lai, ngành nghề này được kỳ vọng tiếp tục phát triển. Dự báo giá trị M&A tại Việt Nam có thể đạt được mốc 7 tỉ USD vào cuối năm. Trong đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp,… vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong giai đoạn sắp tới. Chính vì vậy mà nhóm ngành nghề tư vấn M&A hay môi giới M&A đã ra đời.

Người tư vấn giúp khách hàng nắm rõ được những kiến thức cần thiết giúp hoạt động M&A diễn ra thành công, đưa ra báo cáo tổng quát, giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu,… đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư. Họ xem xét triển vọng của ngành dựa trên tốc độ tăng trưởng, đối thủ cạnh tranh và thị phần, đồng thời đánh giá các công ty dựa trên báo cáo tài chính của họ. Từ đó giúp các nhà đầu tư quyết định cuối cùng về việc mua bán và sáp nhập.

Một môi giới M&A có nhiệm vụ là làm phong phú thêm mối quan hệ của khách hàng và nhân viên với công ty sau khi sáp nhập hoặc mua lại. Họ tham gia vào toàn bộ quá trình chuyển giao giữa hai doanh nghiệp và xác định các công ty mục tiêu, kiểm tra các giao dịch (giá cả, định hướng, chính sách và văn hóa của công ty mục tiêu), tiến hành đánh giá mục tiêu, thực hiện định giá và thẩm định, đồng thời hoàn thành việc tích hợp hai đơn vị.

Do nhóm ngành M&A đang rất khát nhân lực nên mức lương của tư vấn viên M&A và môi giới M&A đều thuộc dạng khủng. Trên thế giới, mức lương trung bình đối với các M&A cấp độ đầu vào từ 67.000$ đến 92.000$.

Tại Việt Nam, các công ty lớn thường xuyên tuyển dụng ứng viên đáp ứng yêu cầu cho phòng ban/bộ phận M&A của doanh nghiệp mình. Với yêu cầu chuyên môn cao và khối lượng công việc khá nhiều, mức lương được đề xuất của các nhóm ngành này rơi vào 13 triệu – 15 triệu đồng, chưa bao gồm hoa hồng hoặc trợ cấp.

Để trở thành một chuyên viên M&A, nhà môi giới M&A hay tư vấn viên M&A, bạn cần có nền tảng kiến thức liên quan tới pháp lý, quản trị kinh doanh và kiến thức về kỹ thuật định giá. Người làm ngành M&A cũng không ngừng cập nhật về bối cảnh kinh doanh toàn cầu vì nhóm ngành này không chỉ giới hạn ở đấu trường trong nước mà còn diễn ra xuyên biên giới những năm gần đây.

Ở Việt Nam hiện chưa có trường đại học nào có ngành học M&A nhưng có nhiều khóa học đào tạo nghiệp vụ M&A tại các tổ chức, doanh nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, chuyên viên M&A cần là người có nền tảng kiến thức pháp lý nên các sinh viên luật kinh doanh, luật doanh nghiệp, luật thương mại, luật dân sự đều có thể đảm nhiệm vị trí này.

Theo:  xevathethao.vn copy link