Trước Tết Nguyên đán, các gia đình sẽ thực hiện nghi thức mới ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Do đó, khi hết Tết, cần thực hiện lễ hóa vàng để tiễn ông bà, tổ tiên về âm cảnh. Vào ngày này, con cháu sẽ làm mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên, thực hiện nghi thức lễ cúng và đốt tiền vàng.
Trước đây, lễ hóa vàng thường được thực hiện vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết. Tuy nhiên, ngày nay, tùy theo vùng miền, địa phương và điều kiện gia đình, lễ hóa vàng có thể được thực hiện từ mùng 3 đến mùng 10. Cá biệt cũng có nhà hóa vàng sớm từ ngày mùng 2 Tết.
Ngày đẹp hóa vàng Tết Quý Mão
Theo các chuyên gia phong thủy, ngày hóa vàng không cố định mà tùy theo điều kiện của gia đình để chọn ngày tổ chức cho thuận tiện. Nhiều nhà sẽ thực hiện lễ hóa vàng vào khoảng mùng 3 hoặc mùng 4 Tết.
Trong tháng Giêng năm Quý Mão 2023 có 4 ngày đẹp để gia chủ thực hiện nghi lễ hóa vàng. Nếu quan tâm đến việc chọn ngày đẹp, giờ đẹp hóa vàng, gia chủ có thể tham khảo các thông tin sau đây:
- Mùng 3 Tết, ngày 3/1 âm lịch (tức thứ Ba, ngày 24/1 dương lịch): Giờ Quý Mão (5h-7h), giờ Bính Ngọ (11h-13h), giờ Mậu Thân (15h-17h), giờ Kỷ Dậu (17h-19h).
- Mùng 4 Tết, ngày 4/1 âm lịch (tức thứ Tư, ngày 25/1 dương lịch): Giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).
- Mùng 5 Tết, ngày 5/1 âm lịch (tức thứ Năm, ngày 26/1 dương lịch): Giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Tuất (19h-21h).
- Mùng 8 Tết, ngày 8/1 âm lịch (tức Chủ Nhật, ngày 29/1 dương lịch): Giờ Thìn (7h-9h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).
Mâm cỗ cúng hóa vàng Tết Quý Mão 2023
Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng hóa vàng cũng tùy vào hoàn cảnh gia đình, văn hóa địa phương và không quá câu nệ, không bắt buộc phải bày mâm cao cỗ đầy nhưng vẫn phải thực hiện một cách trang nghiêm.
Lễ vật dâng cúng thường có hương, hoa, nước, trái cây, trầu cau, rượu, đèn nến, bánh kẹo, mâm cỗ...
Mâm cỗ cung hóa vàng có thể là cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món đặc trưng của ngày Tết. Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu con gà trống, bát canh, đĩa xào, giò...
Trong lễ hóa vàng, người dân thường đốt vàng mã vì nghĩ rằng "trần sao âm vậy", cần biếu tiền bạc để các cụ chi tiêu trong năm mới. Ngày nay, việc đốt vàng mã được khuyến cáo nên hạn chế tối đa dể tránh lãng phí, giảm nguy cơ hỏa hoạn và không làm ảnh hưởng tới môi trường.
Bài cúng trong lễ hóa vàng ngày Tết
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
- Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, Chư vị Tôn thần
- Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
- Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mùng... tháng Giêng năm …………………
Chúng con là: ……………………………tuổi……………… Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh. Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.