Bị sốt hai ngày liền, không hiểu với lý do gì, từ khi được bác sỹ đến nhà thăm khám thì bệnh tật của em Nguyễn Thị Nương (17 tuổi, Yên Thái, Tiền Yên, Hoài Đức) trở nên nguy kịch. Bệnh nhân Nương nhanh chóng được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi.
Bí ẩn cái chết ở bệnh viện Hoài Đức
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân về cái chết của cô nữ sinh lớp 12 mà người dân huyện Hoài Đức mấy ngày qua cho là bất thường, PV đã liên hệ làm việc với bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, nơi "nổi tiếng" bởi vụ việc "nhân bản" phiếu xét nghiệm huyết học vừa xảy ra không lâu. Được biết, đây là nơi nữ sinh Nguyễn Thị Nương đã trút hơi thở cuối cùng.
Trạm y tế xã Tiền Yên, Hoài Đức nơi bác sỹ Vân công tác. |
Trao đổi với PV, ông Đoàn Minh Trường - Phó giám đốc bệnh viện, kể lại: "Tôi là người trực tiếp chứng kiến từ đầu đến cuối việc cháu Nương cấp cứu ở đây đến khi gia đình xin cho cháu về nhà. Khi đó, vào khoảng 7h45, ngày 31/10, nữ sinh này được đưa vào bệnh viện bằng xe của người nhà bệnh nhân thuê ở ngoài trong trạng thái toàn thân tím tái, vật vã, kích thích. Bằng các nghiệp vụ khẩn cấp, chúng tôi đã tiến hành cấp cứu cho nạn nhân. Tuy nhiên, lúc này, cháu Nương đã ở trong tình trạng mạch không, huyết áp không. Tính mạng hết sức nguy hiểm".
Cũng theo ông Trường, lúc này, nạn nhân đã có dấu hiệu ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn tiến hành cấp cứu hồi sinh tim, phổi cho nạn nhân trong vòng một giờ đồng hồ. Sau này, thấy kết quả không ổn, bác sỹ đã thông báo cho người nhà biết hiện trạng của bệnh nhân là không thể cứu chữa được. “Một lúc sau, gia đình anh Khải (bố cháu Nương) đã xin các bác sỹ, bệnh viện cho cháu Nương về nhà. Trên đường cho cháu Nương từ bệnh viện về nhà, chúng tôi vẫn cắm ống thở cho cháu. Khi mọi chuyện đã xong xuôi, y tá đi cùng mới rút ống thở để cháu được mất ở nhà”, bác sỹ Trường chia sẻ.
Một điều lạ là, khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân dẫn đến cháu Nguyễn Thị Nương tử vong, ông Đoàn Minh Trường cho rằng: "Khi bệnh nhân vào đây trong tình trạng nguy kịch, chúng tôi ngay lập tức làm cấp cứu hồi sinh tim, phổi cho cháu chứ không kịp làm các xét nghiệm để chẩn đoán cháu bị bệnh gì. Tôi nghe người thân của cháu Nương nói rằng, huyết áp của cháu Nương trước khi chuyển lên bệnh viện còn có 40 thôi. Cháu được chuyển từ nhà lên bệnh viện chứ không phải từ trạm y tế xã. Trước đó, bệnh nhân cũng bị sốt hai ngày ở nhà. Tôi cũng biết, người nhà đã mời bác sỹ ở địa phương đến cắm truyền nâng huyết áp cho bệnh nhân". Tiếp đó, PV yêu cầu bệnh viện cung cấp hồ sơ nhập viện, bệnh án của cháu Nguyễn Thị Nương, ông Trường cho rằng, quá vội trong công tác cấp cứu nên chưa kịp làm những thủ tục này. Hơn nữa, cháu Nương chỉ có hơn 1 tiếng cấp cứu ở bệnh viện, sau đó người nhà xin được về nhà.
Chết bất thường, người nhà chỉ biết đổ tội cho số phận!?
Sau khi tiếp nhận thông tin từ bác sỹ Trường, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, chúng tôi đặt ra nhiều nghi vấn liên quan đến cái chết của bệnh nhân Nương. Để làm rõ hơn về nguyên nhân cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Nương, đặc biệt triệu chứng sốt, mới đổ bệnh hai ngày, nhưng khi chuyển đến bệnh viện đa khoa Hoài Đức thì toàn thân tím tái. Nghi vấn có sai sót từ việc chẩn đoán sai bệnh, điều trị ban đầu không đúng bệnh, ẩu là nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân Nương...
Chúng tôi hướng thẳng về xã Tiền Yên, sau nhiều lần hỏi thăm, cũng đến được ngôi nhà của bệnh nhân Nương từng sinh sống trong tình thương yêu ngập tràn của bố mẹ. Đón chúng tôi là ánh mắt buồn thảm của anh Nguyễn Văn Khải (cha của bệnh nhân Nương). Nhìn vào anh, chúng tôi hiểu rằng những ngày qua anh đã chịu đựng một sự mất mát quá lớn. Không dám hỏi anh nhiều, bởi chúng tôi hiểu rằng, để anh nhắc lại những chuyện mới vài hôm qua về đứa con thân yêu của mình là như một lần cứa vào tâm can. Cũng như anh Khải, chị Nguyễn Thị Nhung vợ của anh đã đổ bệnh, suy sụp thực sự trước sự ra đi đột ngột của con gái.
Bác sỹ Trường, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội. |
Biết chúng tôi đến nhà, chị Nhung cũng cố gượng dậy để tiếp chuyện. Trong cuộc trò chuyện với vợ chồng anh Khải, chúng tôi hiểu rằng, vợ chồng anh Khải không thể hiểu tại sao con gái anh chị lại chết một cách đột ngột như vậy. Lời thỉnh cầu trong tuyệt vọng của vợ chồng anh Khải với chúng tôi cho thấy, cần phải tìm được nguyên nhân về cái chết của cháu Nương để anh chị tránh rơi vào trạng thái đổ lỗi cho số phận hẩm hiu. "Các anh, số phận cháu nó ngắn ngủi nên cháu nó mới chết. Giờ, nhắc lại còn được gì", chị Nhung nức nở khóc.
Chúng tôi hiểu rằng, trạng thái tâm lý của vợ chồng anh Khải giờ cần sự tĩnh tâm nên đã không có ý định khai thác thêm thông tin gì. Và chúng tôi cũng hiểu rằng, yêu cầu bố mẹ kể chuyện về cái chết của con gái mình là như khoét sâu thêm vào nỗi đau của anh chị. Nhưng khác với anh chị Khải, khi nhận định về sự ra đi đột ngột của bệnh nhân Nương, chúng tôi cho rằng, con gái của anh chị chết không phải do số phận như chị Nhung, mẹ của bệnh nhân Nương nghĩ. Triệu chứng của con gái chị qua lời kể của bác sỹ Trường là một triệu chứng y khoa và hoàn toàn giải thích được cặn kẽ nếu đầy đủ thông tin.
Sự thật đang bị che đậy?
Trong quá trình tác nghiệp vụ việc về cái chết của bệnh nhân Nương, chúng tôi không chỉ gặp khó khăn trong việc khai thác thông tin sâu từ phía gia đình nạn nhân, vì họ cho rằng Nương chết do số đen đủi, mà với bác sỹ tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân cũng trở nên khó khăn. Qua thông tin sơ bộ, bác sỹ Vân - ở trạm y tế xã, là người tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân Nương và cũng là người đã tiến hành khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân Nương. Cũng chính vị bác sỹ này sau đó đã chủ động đưa Nương lên bệnh viện đa khoa Hoài Đức cấp cứu. Tuy nhiên, dù ra trạm y tế xã Tiền Yên hay về nhà riêng, chúng tôi vẫn không thể gặp gỡ, trao đổi được với bác sỹ Vân để tìm hiểu thông tin.
Liên lạc với bác sỹ Vân không được, chúng tôi đã tìm cách để liên hệ với ông Nguyễn Doãn Tất, Trưởng trạm y tế xã Tiền Yên. Khi chúng tôi hỏi nhân viên y tế tại trạm y tế xã Tiền Yên thì họ cho rằng ông Tất đi họp. Cũng như “dấu vết” của bác sỹ Vân, ông Tất đột ngột "mất tích" khó hiểu. Khi tìm đến nhà và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng Liên, vợ của ông Tất, chúng tôi một lần nữa gọi điện cho ông Tất nhưng ông không cầm máy, trong khi đó bà Liên gọi thì ông lại bắt máy, nghe. Rõ ràng, cán bộ y tế xã Tiền Yên đang cố tình không tiếp xúc với PV nhằm che đậy thông tin gì đó. Buổi chiều, chúng tôi lên trung tâm Y tế huyện Hoài Đức và kết quả cũng là các lãnh đạo đi họp hết, không có ai ở nhà. Việc tác nghiệp rất khó khăn, khiến chúng tôi càng nghi ngờ về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Nương.
Những nghi vấn cần làm rõ
Trong quá trình xác minh mà PV có nhận được thông tin cho rằng, bệnh nhân Nương trước đây có tiền sử bị bệnh suyễn. Và, theo như một số người, bệnh nhân Nương sốt cao là do bệnh suyễn tái phát. Trong khi đó một thông tin lại cho rằng, khi đến khám chữa bệnh cho bệnh nhân Nương, bác sỹ Vân đã truyền nước nhằm hạ sốt. Nhưng cũng có thông tin cho rằng, bệnh nhân Nương có tiền sử bị tim, nhưng lại có thông tin bệnh nhân Nương vốn là người bình thường.
Qua thu thập thông tin, chúng tôi nghi ngờ rằng, do bệnh nhân Nương bị suyễn, viêm phổi dẫn tới sốt cao, dịch tràn phổi. Khi truyền nước vào cơ thể, khiến dịch phổi nhanh chóng tràn phổi, khiến phổi không thể hoạt động dẫn tới cơ thể thiếu ô xi, toàn thân bầm tím và tử vong. Cũng liên quan đến cái chết của bệnh nhân Nương, nhiều thông tin cho rằng do bệnh nhân bị H5N1. Tuy nhiên theo ông Dinh, Trưởng thôn Yên Thái thì từ trước đến nay, thôn Yên Thái chưa hề có dịch hô hấp cấp, H5N1 nên khả năng cháu Nương nhiễm phải căn bệnh này như một số người đồn đoán là không chính xác.