Nghịch lý nông dân Việt Nam siêu lãng phí

06:55, Thứ hai 23/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong khi người nông dân lao đao vì lãng phí quá lớn của mình như vậy thì các doanh nghiệp Nhà nước lại có thể chỉ trong nháy mắt đã tiết kiệm được cả ngàn tỷ đồng.

Trong khi bàn về việc chống lãng phí, người ta chỉ hay nghĩ đến các đối tượng như doanh nghiệp Nhà nước, các vị lãnh đạo quan chức lãng phí tiền của người dân thì quả thật họ đã bỏ qua một lực lượng lãng phí không nhỏ ở nước ta đó chính là người nông dân.

Mọi người đừng vội bật cười và gạt người nông dân đi vì cho rằng họ không có gì để lãng phí, trên thực tế, nông dân Việt Nam đang lãng phí vô cùng lớn mồ hôi nước mắt của bản thân mình.

Thử nghĩ mà xem, những người phải hàng ngày lao động vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà thành quả họ nhận lại được là những gì? Chỉ toàn là những nông sản có giá trị thấp, giá lúa xuất khẩu thấp, rau quả cũng chẳng thu được bao nhiêu lợi nhuận.

Nông dân Việt Nam đang lãng phí quá nhiều mồ hôi nước mắt của mình

Quả thực, chưa khi nào giá lúa lại xuống thấp như hiện nay. Gần đây, người ta đau xót khi ví von rằng phải 3 kg thóc mới mua được 1 kg ốc bươu vàng. Cái loài vật là kẻ thù của nhà nông ấy lại được xem như loài có giá hơn cả cây lúa 4 tháng trời mới được thu hoạch. Tổng cục Thống kê đã chỉ ra rằng trong số người nghèo ở Việt Nam có đến 83% là nông dân.

Rõ ràng là phí phạm mồ hôi nước mắt khi quanh năm thức khuya dậy sớm chăm lo cho ruộng lúa, nương rau để rồi đầu vụ lúa đi vay từ giống đến phân bón, thuốc trừ sâu, chờ tới ngày hái quả thì lại phải chứng kiến thành quả về không khi bị doanh nghiệp, thương nhân ép giá, phải bán sớm nông sản giá rẻ để trả nợ.

Theo ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đã có những tính toán cụ thể, chi tiết về chi phí, lợi nhuận của người làm ruộng. Lấy số liệu cụ thể ở khu vực ĐBSH cho thấy: Nếu tính bình quân 1 hộ có 3,72 khẩu, trong đó có khoảng 1,7 lao động (tính trung bình) và mỗi hộ được giao khoảng 5,5 sào ruộng làm đất 2 lúa và trong đó có 30% đất có thể làm được vụ 3 (màu), thì tổng thu nhập của mỗi hộ/năm chỉ đạt khoảng hơn 22 triệu đồng.

Trừ tổng chi phí khoảng 48% (chi phí thuê công làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ thủy lợi, công gặt tuốt lúa), thu nhập thực của hộ ND chỉ còn gần 13 triệu đồng/năm. Như vậy, bình quân 1 lao động/hộ chỉ có giá trị ngày công (lãi) khoảng 45.000 đồng/công (tính thời gian làm việc 24 công/tháng), đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị ngày công của vùng. Những con số ấy cũng phản ánh sự lãng phí vô cùng lớn mồ hôi nước mắt của người nông dân khi lao động vất vả mà kết quả chẳng được là bao.

Trong khi người nông dân lao đao vì lãng phí quá lớn của mình như vậy thì các doanh nghiệp Nhà nước lại có thể chỉ trong nháy mắt đã tiết kiệm được cả ngàn tỷ đồng.

Vneconomy trích báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2013, hoàn thành ngày 9/9 vừa qua cho biết, năm 2013 có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết kiệm chi phí quản lý với tổng số tiền 11.816 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi phí quản lý là 1.192 tỷ đồng, tiết kiệm các chi phí khác là 9.904 tỷ đồng.

Ở báo cáo năm 2012 được nhắc đến như một điển hình về tiêu cực, năm nay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đăng ký tiết kiệm hơn 110 tỷ đồng, thực hiện hơn 109 tỷ đồng…

Kết quả, 6 tháng đầu năm, 21 tập đoàn, tổng công ty đã tiết kiệm được 3.125 tỷ đồng, theo báo cáo của chính các doanh nghiệp này. Doanh nghiệp duy nhất vượt kế hoạch là Tập đoàn Bảo Việt, đăng ký 150 tỷ đồng, ước thực hiện được 163 tỷ đồng. Vừa vặn về đích là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước với hơn 11 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp còn lại mức độ thực hiện cũng rất khác nhau. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đăng ký 2.290 tỷ đồng, thực hiện 1.482 tỷ đồng. Đặc biệt, ở báo cáo năm 2012 được nhắc đến như một điển hình về tiêu cực, năm nay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đăng ký tiết kiệm hơn 110 tỷ đồng, thực hiện hơn 109 tỷ đồng…

Tại kỳ họp cuối năm 2012 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo tổng số tiền tiết kiệm do tiết giảm chi phí năm 2012 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đăng ký là 12.548 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã thực hiện là 4.433 tỷ đồng.

Đấy, đã không chống lãng phí thì thôi, một khi đã đăng ký tiết kiệm thì các doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước cho kết quả ra trò, chỉ 6 tháng đâu năm mà lọc ra được hàng ngàn tỷ đồng tiết kiệm, mà vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra đâu nhé. Nếu nhích người thêm chút nữa, doanh nghiệp nhà nước lại tiết kiệm được nhiều hơn.

Người ta sẽ vò đầu bứt tai do cái sự lạ lùng, trái ngược hoàn toàn với nhận định của một vị đại biểu quốc hội rằng "Dân nghèo thì lấy gì mà lãng phí". Tuy nhiên, nếu xét kỹ vấn đề, dễ thấy được sự hợp lý đáng ngạc nhiên, vì dân nghèo chẳng có gì để lãng phí ngoài sức lao động nên họ cứ mặc sức mà lãng phí trong khi doanh nghiệp thì có quá nhiều "năng lực" nên chống lãng phí được tiền tỷ cũng là chuyện dễ như ăn kẹo.

Thế nhưng câu hỏi các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước hoạt động thế nào để có những sự lãng phí trị giá hàng ngàn tỷ (để chống lãng phí theo đăng ký)  và mấy ngàn tỷ đó có phải là tất cả sự lãng phí ở các đơn vị này không thì vẫn chưa được ai đặt ra? Mà hỏi khó thể biết trả lời làm sao? Lập thành tích chống lãng phí là đáng tuyên dương lắm rồi.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: