Người dân cẩn trọng với những bẫy lừa đảo dịp cuối năm

( PHUNUTODAY ) - Các chiêu thức lừa đảo đang ngày càng tinh vi vì vậy người dân cần luôn cảnh giác. Đặc biệt là vào dịp cuối năm thì càng cần chú ý hơn.

Cuối năm nay, một số nơi xảy ra tình trạng nhiều lao động mất việc. Trong thời điểm Tết cận kề, người thất nghiệp vẫn phải gắng xoay xở đủ cách để tìm nguồn thu nhập mới. Lợi dụng tình hình này, những kẻ lừa đảo đã sử dụng nhiều chiêu trò đưa họ vào bẫy.

Soi túi tiền người thất nghiệp

Điểm chung là các cá nhân, tổ chức có hành vi lừa đảo người lao động thường đăng tin tuyển dụng nhưng không có địa chỉ mà chỉ để lại số điện thoại, đăng mạng xã hội hoặc nhắn tin. Yêu cầu tuyển dụng khá dễ dàng như: không cần kinh nghiệm, không cần thử việc, không cần trình độ... - đánh trúng tâm lý của người đang nôn nóng tìm việc.

Không mô tả công việc cụ thể, phía "tuyển dụng" chủ yếu tập trung soi... túi tiền người cần việc. Hầu hết các đối tượng lừa đảo đều yêu cầu người lao động đặt cọc trước khi nhận việc hoặc thu tiền khi họ tham gia tuyển dụng với danh nghĩa "tiền hồ sơ", "tiền bảo đảm không bỏ việc", "phí tuyển dụng"...

Bên cạnh đó, một số "công ty" còn yêu cầu người lao động nộp phí mở tài khoản trả lương; yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với app trả lương. Việc liên kết này dẫn tới nguy cơ người lao động bị lộ thông tin, đánh cắp dữ liệu về tài khoản ngân hàng.

Theo điều 17 Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Như vậy, việc tuyển dụng lao động thời vụ dịp Tết với yêu cầu họ phải đóng tiền đặt cọc trước khi vào làm việc là hành vi bị nghiêm cấm.

Còn về yêu cầu nộp phí mở tài khoản trả lương, nếu người sử dụng lao động trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì phải trả các loại phí liên quan việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. Nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương là sai.

3 kiểu lừa đảo trên không gian mạng

Thực tế cho thấy hoạt động của những kẻ lừa đảo trên không gian mạng có thể chia thành 3 kiểu. Đó là lợi dụng lòng tham, lợi dụng lòng tin và lợi dụng sự sợ hãi của người dân.

Ngoài thủ đoạn yêu cầu người lao động "ứng tiền trước", chiêu trò lợi dụng lòng tham bao gồm các kiểu lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng cũng khá phổ biến. Các đối tượng mạo danh nhân viên sàn điện tử tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán đơn hàng nhằm "tăng tương tác, tăng doanh số" để "nhận hoa hồng". Kỳ thực, người nhận việc phải đóng một số tiền, thậm chí chuyển tiền từ chính tài khoản ngân hàng của mình để "thanh toán hộ" rồi bị mất.

Kiểu lừa đảo nữa là kêu gọi tham gia đầu tư, mua bán, giao dịch các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa, sàn đầu tư ngoại hối... Sau đó, những kẻ này đánh sập sàn, ôm tiền và cắt liên lạc.

Lừa đảo bằng việc lợi dụng sự sợ hãi của nạn nhân như giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... để dọa bắt bớ; lừa phạt vi phạm hành chính về giao thông, nợ cước viễn thông, nợ tiền điện... cũng là một trong những chiêu thức tội phạm dùng phổ biến.

Tóm lại, các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng cuối năm, hợp tác online, hăm dọa người yếu bóng vía... là hành vi vi phạm pháp luật, gây hệ lụy khôn lường tới cá nhân nạn nhân và an ninh trật tự toàn xã hội.

Để chủ động tránh các bẫy lừa đảo nêu trên, bên cạnh việc kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng, người dân nói chung, người lao động nói riêng cần tự trang bị sức "đề kháng" cho chính mình. Trong đó, cần hết sức cảnh giác và nâng cao kiến thức về pháp luật, lao động, việc làm. Từ đó, ai cũng có thể nhận biết đâu là những "nhà tuyển dụng" thật, đâu là lừa đảo.

Theo:  xevathethao.vn copy link