Phước báu là quan niệm đặc thù của Đông Phương. Đối với Tây Phương thì chỉ có gia tài, sự nghiệp, di sản để lại cho con cháu chứ không có chuyện phước báu hay phước đức. Quan niệm “phước báu hay phước đức” đã trở thành gần như đời sống tâm linh, gắn chặt với lối suy nghĩ và cuộc sống của con người Việt Nam. Người Việt Nam ta ai cũng mong cầu phước đức, lo vun trồng phước đức và rất sợ vô phúc.
Có câu chuyện như sau:
Chuyện kể rằng có một người thanh niên nọ vừa mới tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Thế là với sự tự tin của tuổi trẻ, cộng thêm một chút hiếu thắng, người đã cùng với các bạn mình thành lập nên một công ty.
Thời gian đầu, công ty làm ăn tốt đẹp, thế nhưng, khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, công ty của người đã bị phá sản. Khi ấy, người ngẫm nghĩ có lẽ do mình còn thiếu kinh nghiệm nên mới ra nông nổi như vậy, do đó, người đã nộp đơn xin việc làm với mong muốn vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm để sau này khi cơ hội đến, người sẽ lại có thể lập ra một công ty khác.
Và cơ hội ấy cũng dần tìm đến với người, một lần nữa, người lại cùng các bạn mình lập nên một công ty. Những tưởng với tài năng, và kinh nghiệm, người sẽ thể điều hành công ty hoạt động một cách thuận buồm xuôi gió, nhưng nào ngờ, vỏ quýt dầy có móng tay nhọn, vẫn có người khác gian xảo hơn người, đã lừa công ty người đến mức phá sản.
Buồn bã, chán nản, người một mình bước đi một cách thẩn thờ trên bãi biển vào giữa đêm khuya thinh vắng. Đang bước đi như thế, bỗng dưng, người vấp phải một chiếc túi, làm văng ra mấy hòn đá. Khi ấy, người ngồi xuống, và vừa quẳng mấy hòn đá ra mặt biển, vừa than thân trách phận một cách não nề, mỗi một hòn đá quẳng ra là một lời oán trách cuộc đời sao mà đối xử bất công với người.
Người cứ than ngắn thở dài như thế cho đến khi bình minh lên. Khi này, đang cầm hòn đá sau cùng trên tay, định quẳng đi, nhưng trông thoáng chốc, người nhận ra đây là một hòn đá quý, có giá trị rất lớn trên thị trường. Vậy là, trong giây phút đầy ngỡ ngàng đó, người đã ôm mặt mà kêu lên: "Trời ơi, thì ra đây là những hòn đá quý, vậy mà mình đã quẳng hết số đá đó ra ngoài biển cả".
Người vậy là chẳng thể hưởng được phước báu ấy. Thật đúng là người thiếu phước thì ngay cả khi cơ hội kề cạnh vẫn chẳng thể nhận ra, và tận dụng được. Do đó, chúng ta cần nên tự ước lượng phước báu của bản thân mình trước khi quyết định làm một điều gì đó, bởi thành công không chỉ phụ thuộc vào tài năng, kinh nghiệm, đạo đức, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào phước báu mà chúng ta đã gieo trồng từ các kiếp sống trước.
Người trồng cây cảnh người chơi. Ta trồng cây phúc để đời cháu con.
Khi chúc tụng nhau người ta chúc Phúc, Lộc, Thọ. Có Lộc, có Thọ mà vô Phúc thì cũng vất đi. Làm quan lớn, giàu có, quyền thế nhưng vợ con chết hết, cô quả cô độc thì cũng là vô phúc.
Khi gia đình gặp tai nạn khốn khó hoặc con cái bất hiếu chúng ta nói “Nhà vô phúc”
Đang giàu có, quyền thế (bây giờ gọi là đại gia, đại tư bản) bỗng nhiên bị truy tố ra tòa, kết án có khi tịch thu gia sản, tử hình người, người đời nói “phước đức hết rồi”.
Nhà giàu có sang trọng quyền thế, con gái con trai hư hỏng, phá nát của cải của cha mẹ, gây tiếng xấu cho gia đình …người đời gọi đó là nhà vô phúc.
Con cái không đến nỗi nghèo đói, đuổi mẹ già ra ngoài đường sống như một kẻ ăn mày, người đời gọi đó là “bà mẹ bạc phước”.