Người mẹ Tây mang tên Trái tim Việt Nam

06:10, Thứ bảy 06/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Cô chẳng hề bận tâm về những gì mình đã hi sinh, chỉ biết rằng bữa cơm sẽ ngon hơn khi có người cùng ăn, hạnh phúc sẽ được nhân đôi khi được sẻ chia. Đó mới chính là những điều cô cần cho cuộc sống của mình.

“Đất nước Việt Nam là nơi từng lưu giữ bước chân rất nhiều người nước ngoài ở lại. Có thể họ đã biết tới đất nước tươi đẹp này từ trước, cũng có thể đó chỉ là lần đầu tiên họ đặt chân tới nơi này. Nhưng có một điểm chung đó là, ở nơi đây họ tìm được điều mà cuộc đời họ đang cần, tìm thấy được ý nghĩa của cuộc đời này. Cô gái trẻ Aline Rebeaud là một người trong số đó…
[links()]
Người phụ nữ có cái tên của lòng nhân hậu

Aline Rebeaud là một cái tên không xa lạ với những người làm từ thiện ở TP HCM nói riêng cũng như các tổ chức trong và ngoài nước nói chung. Câu chuyện của cô đã trở thành một câu chuyện đẹp như cổ tích, được nhiều người yêu mến trao tay nhau như đoá hoa đẹp đẽ của cuộc đời - câu chuyện về cô gái trẻ quyết định ở lại Việt Nam để làm Mẹ.

Aline Rebeaud vốn là học viên trường Mỹ thuật Thuỵ Sỹ. Cô không chỉ là người đam mê mà còn rất có duyên với nghệ thuật. Từ năm 16 tuổi, tranh của Aline Rebeaud vẽ đã bán được rất nhiều. Cô hoàn toàn có khả năng trở thành một hoạ sỹ có tương lai sáng lạn.

Chính cô cũng từng có những giây phút nghĩ lại rằng, nếu cô không tới Việt Nam, có lẽ giờ cô sẽ là một hoạ sỹ đơn thuần, say mê những nét bút, thỉnh thoảng sẽ đi tới một vùng đất mới để tìm kiếm cảm hứng.

Aline Rebeaud là một cái tên không xa lạ với những người làm từ thiện ở TP HCM
Tim Aline Rebeaud là một cái tên không hề xa lạ với những người làm từ thiện ở TP HCM và nhiều nước trên thế giới.

Đó sẽ là một vùng đất giống như đất nước Việt Nam, khi ngày đầu cô tới nơi đây với một mục đích duy nhất: khám phá và tìm cảm hứng sáng tác. Nhưng ngày đó, như một định mệnh, đã giữ chân cô lại đây và mang thật nhiều ý nghĩa đến cuộc sống của cô cũng như những người trong ngôi nhà mang tên “May Mắn” mà cô gắn bó.

Chuyện Aline Rebeaud quyết định ở lại Việt Nam xảy ra rất tình cờ như điều mà số phận đã sắp sẵn. Hôm đó, khi trên đường trở về khách sạn mình và một số người bạn ở TP HCM thuê nghỉ, Aline Rebeaud bắt gặp một cậu bé đang khóc cạnh một đống rác trong một con hẻm.

Cậu bé đã bước vào tuổi thiếu niên nhưng nhỏ bé, đen đúa và yếu ớt. Lúc đó đã khá muộn, không biết tiếng Việt, Aline ra hiệu cho cậu bé đi theo mình về tới khách sạn và cho cậu bé ăn một tô mỳ.

Tuy vậy, lúc ấy cô chẳng biết giúp gì hơn vì nhân viên khách sạn không đồng ý cho cậu bé lang thang ở lại qua đêm. Cô đành phải chia tay cậu bé dù lòng nhiều ngổn ngang. Aline Rebeaud đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cậu nhóc ấy xuất hiện ở bên ngoài khách sạn khi cô bước ra đường vào sáng sớm hôm sau.

Cậu đã đợi sẵn cô ở bên ngoài từ lúc nào. Khi ấy, cô hiểu ra rằng cậu bé không có nơi nào để đi. Cô gái trẻ đã dắt tay cậu bé tới nhiều nơi để tìm một tổ chức có thể nuôi dưỡng, chăm lo cho cậu bé. Nhưng tất cả những nơi cô tìm đến đều trả lời bằng cái lắc đầu, bởi cậu bé đã quá lớn trong khi những đứa trẻ bất hạnh cần nơi giúp đỡ chưa bao giờ ít đi.

Sau nhiều cố gắng không thành, Aline Rebeaud đã quyết định thuê một ngôi nhà nhỏ để cậu bé có nơi ở. Ấy thế nhưng chi phí để thuê một ngôi nhà không phải là ít. Chính vì thế “tiện thể”, Aline Rebeaud quyết định nhận thêm 4 em nữa về sống cũng như tìm cách giúp đỡ cuộc sống của các em.

Cô chẳng hề bận tâm về những gì mình đã hi sinh, chỉ biết rằng bữa cơm sẽ ngon hơn khi có người cùng ăn, hạnh phúc sẽ được nhân đôi khi được sẻ chia.
Tim Aline Rebeaud bên một em nhỏ trong chuyến làm từ thiện của mình.

Không phải tới khi trưởng thành Aline Rebeaud mới biết tới Việt Nam. Ngày còn nhỏ, dù không thể nhớ rõ tất cả nhưng cô được ba mẹ kể lại rằng, khi lên 5-6 tuổi, có một lần cô được mẹ dẫn tới thư viện. Ngoảnh đi, ngoảnh lại mẹ đã không nhìn thấy con gái đâu cả.

Tìm mãi trong thư viện, cuối cùng, mẹ đã tìm thấy cô ngồi thu lu dưới đất và say sưa xem một quyển sách. Đó chính là một quyển sách có hình ảnh con người Việt Nam. Khi còn nhỏ, Aline Rebeaud đã là một cô gái giàu tình yêu thương.

Cô rất yêu thương các loài vật. Đặc biệt em trai của cô là một người khuyết tật – một người bị điếc nên là một người chị, cô dành nhiều thời gian chăm sóc em, học ngôn ngữ ra dấu. Ba mẹ cô chia tay từ khi cô mới 10 tuổi.

Mẹ cô là nghệ sĩ nên thường xuyên vắng mặt tại nhà. Chính những điều này đã giúp ích rất nhiều, cũng như là một lý do khiến cô xây dựng “ngôi nhà May Mắn” dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn và bị bệnh tật tại Việt Nam, với sự cảm động sâu sắc từ trái tim của mình.

Trong lần tới thăm một trung tâm của những người vô gia cư, Aline Rebeaud đã chứng kiến một trường hợp đứa trẻ khoảng mười mấy tuổi nằm thoi thóp vì bệnh tim. Cô hỏi tại sao không đưa em đi chữa trị, thì được nhận câu trả lời rằng họ không có tiền để chữa, mà có chữa thì cũng khó thể qua khỏi.

Aline Rebeaud thấy không thể để đứa trẻ cứ nằm đó và chờ chết, cô đưa em đi tới bệnh viện mong chữa trị được căn bệnh. Ngoài dự đoán của cô, bệnh của em quá nặng nên đến bệnh viện nào họ cũng từ chối.

Tìm mãi, tìm mãi, cuối cùng cô cũng tìm được bệnh viện nhận chăm sóc em. Suốt 3 tháng sau đó, những người trong bệnh viện đều quen với việc “một cô Tây” lo đồ ăn, túc trực chăm sóc cho một bệnh nhân nhỏ tuổi.

Bệnh của em nặng nên sau 3 tháng điều trị, sức khoẻ của em đã được vực dậy và được chuyển lên Bệnh viện tim mạch để điều trị chuyên sâu. Ngày ra viện, mọi người cảm động đặt cho cô một cái tên: Cô Tim.

Nhiều người vẫn quen với cái tên Tim Aline Rebeaud từ đó, và nghĩ rằng Tim là tên tiếng nước ngoài vốn dĩ có trong tên của cô. Nhưng Tim là cái tên Việt Nam trong từ “trái tim” mà mọi người dành tặng cho trái tim nhân hậu của cô gái Thuỵ Sỹ ấy.

Bữa cơm sẽ ngon hơn khi được chia sẻ

Khi nghe tin con gái quyết định ở lại Việt Nam, ba của cô đã rất ngạc nhiên, thậm chí nghĩ rằng đó là một quyết định “hơi khùng khùng”. Thế nhưng, sau này khi biết và hiểu những việc con gái đang làm, ông rất tự hào về cô.

Một nghệ sĩ dùng tài năng của mình để cống hiến cho cuộc đời, cho con người những tác phẩm. Tim Aline Rebeaud là một nghệ sĩ thực thụ hơn cả, khi mang tài năng của mình để thay đổi số phận của nhiều người bất hạnh.

“Ngôi nhà May Mắn” của cô ngày một rộng hơn để có thể giúp thêm được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Hồi mới đầu thành lập, chưa có nhân viên, một mình Tim Aline Rebeaud vừa làm cha mẹ, vừa làm cô giáo, vừa là người kiếm tiền thu nhập để nuôi dưỡng gia đình, vừa là một y tá chăm sóc sức khoẻ cho những người bị bệnh.

Sau này cô tìm cách liên lạc với các bác sĩ và những tấm lòng hảo tâm ở Châu Âu, cũng như có thêm những sự giúp sức của các nhân viên tại ngôi nhà May Mắn.

Những thành viên tới ngôi nhà của cô hầu như 90% là không biết chữ. Cô chú trọng việc dạy chữ cho họ. Những người có đủ sức khoẻ thì được tới trường, những người bị bệnh, bị liệt thì được học tại Trung tâm Chắp cánh được mở ra ngay tại trung tâm.

Không chỉ học về lý thuyết, các thành viên trong gia đình được học những kỹ năng để sau này có thể tự mình xây dựng một cuộc sống của bản thân. Trong trung tâm có 4 phòng học: phòng vẽ, phòng học may, phòng học mỹ nghệ, phòng học tin học.

Mỗi ngày, nhìn thấy các thành viên trong gia đình đầy nghị lực trong cuộc sống, Tim Aline Rebeaud như thấy lựa chọn của mình thật sự đúng đắn.

Trường hợp của cô gái có tên Liên bị bệnh lao cột sống, suốt 9 năm phải nằm sấp, khi tới “ngôi nhà May Mắn”, cô được chăm sóc, được học nghề may. Điều kỳ diệu hơn nữa, ở nơi đây cô gặp được người chồng thân yêu của mình và cả hai đã tự nuôi sống được bản thân và tự trả tiền thuê lại 1 căn hộ nhỏ để phục vụ cho cuộc sống trong chính “ngôi nhà May Mắn”.

Hay như Đỗ Minh Tâm, chàng trai từng đi nghĩa vụ ở Trường Sa, trong một lần đốn cây bị tai nạn gãy đốt sống cổ, dẫn tới liệt 4 chi. Trong suốt 4, 5 năm anh đã không làm gì, chỉ nghĩ tới cái chết. Anh thổ lộ, đối với người tàn tật điều đau khổ nhất là ý nghĩ mình trở nên vô dụng, là gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Tim Aline Rebeaud hiểu, đối với những người sống bằng nghề lao động chân tay khi mất đi khả năng làm việc, tâm lý của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chàng trai Minh Tâm đến với “ngôi nhà May Mắn”, được điều trị về tâm lý và điều thần kỳ là anh có thể vẽ những bức tranh rất đẹp bằng cách ngậm và điều khiển cây bút bằng miệng của mình.

Những bức tranh của anh cũng bắt đầu được bán và tạo nên thu nhập cho bản thân. Còn nhiều, nhiều trường hợp sống đầy nghị lực nữa như Lâm, bị liệt nhưng say mê viết sách. Tất cả những thành viên ấy trong gia đình đã tạo nên hạnh phúc cho Tim Aline Rebeaud.

Có người nói rằng, Tim đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc của bản thân mình cho những hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Cô chẳng hề bận tâm về những gì mình đã hi sinh, chỉ biết rằng bữa cơm sẽ ngon hơn khi có người cùng ăn, hạnh phúc sẽ được nhân đôi khi được sẻ chia.

Đó mới chính là những điều cô cần cho cuộc sống ý nghĩa của bản thân mình.

  • Việt Sỹ
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc