Loại quả xưa bị xem ‘vô giá trị’ nay ‘lột xác’ ngoạn mục trở thành đặc sản ‘hái ra tiền’

13:00, Thứ bảy 08/06/2024

( PHUNUTODAY ) - Không chỉ được chế biến thành các món ăn mang đậm hương vị núi rừng độc đáo, loại quả dài cả mét này còn được sử dụng trong y học để làm thuốc chữa bệnh, do đó giá trị của nó cũng rất cao.

Lợi ích của quả núc nác

Quả núc nác, một đặc sản độc đáo của vùng núi Tây Bắc, có thể chưa được nhiều người biết đến. Loại cây rừng này thường mọc ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc và được đồng bào Thái nơi đây sử dụng rộng rãi. Không chỉ là một vị thuốc dân gian với nhiều công dụng, quả núc nác còn được chế biến thành những món ăn đặc sản hấp dẫn.

Tại khu vực này, quả núc nác được gọi là "lịn ấng ca" hay "mák ấng ca". Hình dáng của quả núc nác tương tự quả phượng nhưng thân dẹt và cong hơn. Quả có chiều dài từ 40 – 80 cm và rộng 5 – 7 cm, thường đậu vào mùa mưa. Từ quả núc nác, đồng bào Thái Tây Bắc đã sáng tạo ra nhiều món ăn vừa dân dã, vừa thơm ngon và lạ miệng.

Từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, tức là mùa mưa ở Tây Bắc, bà con thường lên rừng thu hoạch quả núc nác. Sau khi mang về, họ đem đốt trên than củi cho lớp ngoài hơi cháy phồng đều, rồi dùng dao gọt bỏ phần cháy xém, rửa sạch và thái ngang thành từng miếng nhỏ bằng ngón tay. Quả núc nác thường được ăn kèm với lá chát, lá lốt, lá gừng và chấm chẳm chéo - một loại nước chấm đặc trưng của người Thái, tạo nên hương vị độc đáo. Vị hơi đắng của quả núc nác hòa quyện với vị ngọt chát của lá gém và nồng cay của chẳm chéo khiến ai đã từng thưởng thức khó mà quên.

Từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, tức là mùa mưa ở Tây Bắc, bà con thường lên rừng thu hoạch quả núc nác

Từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, tức là mùa mưa ở Tây Bắc, bà con thường lên rừng thu hoạch quả núc nác

Trước đây, quả núc nác ít được biết đến và chủ yếu dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, theo những người bán hàng ở Tây Bắc, việc đưa loại quả này ra chợ đã thu hút nhiều người ưa thích và sử dụng. Do nhu cầu tăng cao, hiện nay, ngoài việc lên rừng hái quả, bà con người Thái Tây Bắc còn trồng cây núc nác tại vườn nhà. Cây núc nác dễ trồng, chịu hạn và chịu nóng tốt, nên ngoài việc phục vụ bữa ăn gia đình, bà con còn bán quả núc nác với giá từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày bán được từ 30-50 quả.

Khi mùa quả núc nác đến, du khách đến Tây Bắc sẽ dễ dàng bắt gặp loại quả này bày bán tràn ngập tại các khu chợ. Quả núc nác có thể ăn kèm với mắm tôm, chanh, muối, ớt,... Vị đắng của quả khi kết hợp với các gia vị khác tạo nên hương vị độc đáo khó quên.

Chị Chu Thị Thắng, một người chuyên thu mua quả núc nác tại Buôn Đôn, Đắk Lắk, cho biết núc nác là quả của một loại cây rừng cao hàng chục mét, với trái dài và dẹp như trái phượng vĩ. "Khi có khách đặt, tôi sẽ nhắn các bác đi hái. Có người chỉ cần hái một buổi sáng đã kiếm được cả triệu đồng vì loại quả này to, nặng khoảng 200 gram/quả, có quả dài cả mét. Tôi mua về, chọn những quả bánh tẻ rồi giao cho các mối. Họ sẽ bán lẻ tại các chợ thị trấn hoặc trên chợ mạng với giá 10.000 đồng/quả, hoặc có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng mỗi kg," chị Thắng chia sẻ.

Khi mùa quả núc nác đến, du khách đến Tây Bắc sẽ dễ dàng bắt gặp loại quả này bày bán tràn ngập tại các khu chợ

Khi mùa quả núc nác đến, du khách đến Tây Bắc sẽ dễ dàng bắt gặp loại quả này bày bán tràn ngập tại các khu chợ

Gợi ý thuốc dân gian từ quả núc nác

Lương y Nguyễn Văn Sáu đã chia sẻ về những công dụng của quả núc nác. Theo ông, núc nác, còn được biết đến như Nam hoàng bá trong Đông y, là một loại cây thường mọc hoang và được trồng tại các vườn thuốc Nam. Hoa và quả của cây thường được thu hái vào mùa hạ, trong khi lá có thể thu hoạch quanh năm.

Quả núc nác chứa nhiều thành phần dinh dưỡng bao gồm nước, protein, glucid, chất xơ, tro, caroten và vitamin C. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, vỏ cây núc nác có chứa một hỗn hợp flavonoid, trong đó hai chất chính là baicalein và oroxylin, có tác dụng chống choáng phản vệ và chống viêm dị ứng rõ rệt. Ngoài ra, núc nác còn được sử dụng để chế ra thuốc điều trị các bệnh như vẩy nến và hen phế quản ở trẻ em.

Theo y học cổ truyền, quả núc nác có vị đắng và tính mát, đóng vai trò quan trọng trong việc làm mát gan, nhuận phế, thanh nhiệt và tiêu viêm. Quả này thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý như vàng da, viêm da, ngứa khô sần da, viêm họng, ho khản tiếng, đau dạ dày, cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh ở trẻ em như ban trái và sởi.

Theo y học cổ truyền, quả núc nác có vị đắng và tính mát, đóng vai trò quan trọng trong việc làm mát gan, nhuận phế, thanh nhiệt và tiêu viêm

Theo y học cổ truyền, quả núc nác có vị đắng và tính mát, đóng vai trò quan trọng trong việc làm mát gan, nhuận phế, thanh nhiệt và tiêu viêm

Dưới đây là một số phương pháp dùng núc nác để chữa bệnh

- Chữa miệng lở loét: Sử dụng bạch cương tàm (sao cho đến khi đứt tơ, khử hỏa độc) và vỏ núc nác (tẩm mật, nướng khô, khử hỏa độc). Sau đó tán thành bột để bôi vào miệng và lưỡi.

- Chữa thương hàn: Kết hợp đại hoàng, hoàng liên và vỏ núc nác theo tỷ lệ bằng nhau, tán thành bột, chưng thành bánh và làm viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 20-30 viên cùng với nước.

- Chữa phế nhiệt, ho khan viêm khí quản, khàn tiếng: Theo kinh nghiệm dân gian, dùng hạt núc nác từ 3-4g, sắc nước uống.

- Chữa đau dạ dày: Hạt núc nác sấy khô, tán thành bột, mỗi ngày dùng 4-6g.

- Chữa thống phong: Lấy 20g vỏ núc nác, 20g diệp hạ châu, và ngưu tất, sắc nước uống thường xuyên.

- Chữa sốt nóng, đau mắt: Sử dụng 40g vỏ núc nác, 40g tri mẫu, 320g thục địa, 160g sơn thù, 160g sơn dược, 120g phục linh, 120g đơn bì, và 120g trạch tả. Tán các vị thành bột và làm thành viên.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy
Từ khóa: dac san