Cặp vợ cô Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thanh Toàn, cùng 61 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang cũng may mắn sinh thêm một quý tử ở tuổi xưa nay hiếm. Cô Nguyệt cho biết, cô từng làm giáo viên tiểu học, chồng là bộ đội nghỉ mất sức. Gia đình từng có 2 cô con gái, dù muốn thêm con nhưng hoàn cảnh công tác không cho.
Đến năm 2010, cô con gái lớn lấy chồng quê Thanh Hoá. Đến năm 2011, gia đình nhận được tin sét đánh, cô con gái út giỏi giang sau chuyến công tác Thái Lan phát hiện bị ung thư máu giai đoạn cuối và qua đời gần 1 năm sau đó.
Thương nhớ con, sau khi về hưu, cô Nguyệt bàn với chồng sẽ xuống Hà Nội thụ tinh nhân tạo để có thêm con vì không chịu nổi cảnh 2 vợ chồng già lủi thủi, cô quạnh.
“Từ 2012, chúng tôi đã đi 3-4 BV lớn tại phía Bắc để khám, có nơi còn ăn nằm 2-3 ngày liền, đề đạt nguyện vọng muốn sinh thêm nhưng chỗ nào cũng từ chối với lý do tuổi quá cao. Họ cũng khuyên nên từ bỏ ý định vì nếu mang thai sẽ dễ mắc tim mạch, huyết áp cao rất nguy hiểm”, cô Nguyệt kể lại.
Dù khó khăn nhưng 2 vợ chồng không từ bỏ. Đến năm 2015, vợ chồng cô Nguyệt tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội coi như cơ hội cuối của mình. Số tiền hơn 100 triệu dành dụm từ thời trẻ đặt trọn vào đây.
“Ban đầu các BS cũng dè chừng, không muốn mạo hiểm nhưng khi biết hoàn cảnh và thấy chúng tôi vô cùng khát con, BS Lê Thị Hiền đã nhận lời giúp”, cô Nguyệt nhớ lại.
May mắn, các kết quả kiểm tra tốt. BS chỉ định biện pháp ICSI, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, chuyển 5 phôi. Do tuổi cao, quá trình mang thai của cô Nguyệt cũng hết sức gian nan. Khi 3 tuần tuổi, thai doạ sẩy, cô Nguyệt phải nằm BV 6 tuần, sau đó liên tiếp tiêm giữ thai 3 tháng và hạn chế đi lại suốt thai kỳ.
“Cũng lạ, ai mang thai cũng nghén nhưng tôi không thấy gì, ăn khoẻ, ngủ tốt, tăng được 6kg. Đến ngày khi thai 37 tuần, tôi sinh mổ tại BV Phụ sản Bắc Giang khi sang tuổi 60, con trai nặng 2,6kg”, cô Nguyệt chia sẻ.
Các chuyên gia cảnh báo về những nguy cơ khi sinh con muộn như sau:
Dễ gặp các vấn đề về rụng trứng
Khi tuổi càng lớn thì một số vấn đề liên quan đến sự rụng trứng như tắc nghẽn ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung… càng phổ biến hơn. Chính những vấn đề này sẽ ngăn cản quá trình thụ thai của mẹ.
Nguy cơ bị tật bẩm sinh cao
Theo các chuyên gia, xác suất trẻ bị dị tật bẩm sinh là 1/30 với phụ nữ mang bầu sau tuổi 45. Trong khi đó, với những bà mẹ ở tuổi 30 chỉ là 1/1000. Điều này có nghĩa là cơ hội để có một đứa con khỏe mạnh càng cao khi bạn mang bầu ở tuổi còn trẻ.
Nguy cơ sảy thai và sinh non
Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng tỷ lệ bà mẹ bị sảy thai, sinh non cũng tăng lên theo độ tuổi người mẹ mang thai.
Sinh nở khó khăn
Không chỉ khó thụ thai, những bà mẹ mang thai ở tuổi ngoài 35 còn phải đối mặt với quá trình chuyển dạ, sinh nở khó khăn hơn.