Trên thực tế, mỗi lần tăng phí hay đề xuất một loại phí mới, những lý do được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng đưa ra là so sánh với khung giá trên thế giới và trong khu vực, mức phí ở Việt Nam còn quá thấp.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh còn thẳng thắn thể hiện sự sốt ruột về việc thu phí ở Việt Nam trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10: “Đường xá phải thu phí cao lên, ta chỉ thu dăm mười nghìn thì không thể đáp ứng được. Trung Quốc thu một trăm hai trăm nghìn thì mới làm được. Rồi dịch vụ công trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục lúc thế này lúc thế kia thì rất là khó khăn. Đề án đổi mới giáo dục vừa được Trung ương thông qua rất hay nhưng giải pháp về nguồn lực để thực hiện là không có mà chỉ đưa ra yêu cầu”.
Bộ trưởng Vinh cũng nhấn mạnh “vấn đề chính là xã hội hóa cần được tính toán chỗ nào nên chỗ nào không nhưng cứ xã hội hóa là ta không đồng ý. Ví dụ giáo dục mầm non trước đây tư thục rất nhiều, đùng cái lại quay lại bao cấp gần như toàn bộ, cái đó chưa phải là đúng. Cho nên đây là cái ngập ngừng, chúng ta bao cấp còn nặng nề. Cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được”.
Người Việt đang phải gánh quá nhiều loại thuế phí (ảnh minh họa) |
Thế nhưng, có một thực tế mà dường như nhiều người đã bỏ qua đó là ở Việt Nam hiện nay đang có quá nhiều loại thuế phí đè gánh nặng lên đôi vai người dân.
Theo TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), cho biết hiện nay có đến 432 khoản phí và lệ phí đang được triển khai thu trên cả nước. Cụ thể, có 357 khoản phí và 75 khoản lệ phí; trong số này có 393 khoản thuộc thẩm quyền quyết định của trung ương, còn lại phân cấp cho địa phương.
TS Long còn cho biết thêm Việt Nam nằm trong số những nước có mức thu thuế và phí rất cao so với khu vực. Trung bình trong 5 năm qua, tỷ lệ thu thuế, phí tính trên GDP (không kể dầu thô) của Việt Nam là hơn 20%, trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan chừng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1%...
“Việc thu phí và lệ phí đang bị lạm dụng, diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống của người dân, từ các loại phí dịch vụ chung cư cho tới phí chồng phí trong giao thông, y tế, giáo dục. Đáng nói là tình trạng “phép vua thua lệ làng” rất phổ biến trong thu phí. Như ở khu công nghiệp Mỹ Tho và cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang), công ty quản lý tự quy định mức phí bến bãi để thu tiền các phương tiện vận tải trung chuyển hàng hóa hoặc đậu lại qua đêm ở khu vực này”, TS Long nói.
Dẫn báo cáo của Bộ NN-PTNT, TS Long cho biết hiện nông dân phải gánh đến 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí theo quy định của nhà nước và 38 khoản đóng góp xã hội khác. Ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định, một hộ nông dân bình quân mỗi năm phải đóng từ 250.000 - 800.000 đồng cho các khoản. Nhiều khoản chính quyền địa phương kêu gọi đóng góp tự nguyện nhưng thật ra là không đóng không được.
Với 432 khoản phí và lệ phí đang được triển khai thu trên cả nước, dường như người dân đang phải oằn mình chịu các loại phí.
Và câu hỏi được dư luận đặt ra là gánh 432 loại phí và lệ phí như vậy thì đã đủ chứng tỏ lòng yêu nước?