Đời sống) – Dẫu biết Quốc hội còn phải bàn thảo nhiều vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng, nhưng mong các đại biểu hãy lưu tâm bàn thảo cả vấn đề thuế phí và thực phẩm bẩn độc hiện nay - ông Hội viết.
[links()]
Thưa Quốc hội!
Là một công dân, qua những người đại diện của mình, tôi mong muốn đưa được những tiếng nói, mong muốn của mình tới Quốc hội, Chính phủ. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra với chương trình gần như kín lịch với các vấn đề quan trọng của đất nước, từ Hiến pháp tới các Bộ luật, luật, dự thảo luật, nhiều vấn đề nóng khác cũng có thể sẽ được đề cập tới như quản lý thị trường vàng, dự án bauxite Tây Nguyên, giá xăng dầu… có hai vấn đề nóng cả năm qua gây bức xúc không chỉ cho riêng tôi mà còn nhiều người khác nữa, tuy có thể là nhỏ, nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe của từng người dân, đó là thuế phí và an toàn thực phẩm. Xem qua chương trình nghị sự, tôi không thấy Quốc hội nhắc gì tới hai vấn đề này.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 2, 3 lần nhưng bệnh viện vẫn chưa có gì cải thiện, thậm chí tình hình còn trầm trọng hơn. |
Về thuế và phí, điện hình như mặt hàng xăng dầu, theo Nghị định 84, một lít xăng hiện đang chịu 4 loại thuế và 3 loại chi phí. Tổng 7 loại thuế và phí này chiếm khoảng 9.000 đồng/lít xăng, tương ứng 39% giá bán một lít xăng. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp 860 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nhìn cơ cấu giá thành có thể thấy doanh nghiệp và nhà nước đang chia nhau hơn 7.000 đồng/lít xăng.
Đấy là chưa kể thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay đang được áp dụng cơ chế không cố định, lên xuống theo quyết định của Bộ Tài chính. Như mới đây, khi giá xăng dầu thế giới giảm, Bộ này không điều chỉnh giảm giá bán mà lại điều chỉnh tăng thuế thêm 2% cho tất cả mặt hàng xăng, dầu.
Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, người thất nghiệp tăng, lương người lao động thì bàn mãi vẫn chưa tăng, thậm chí Chính phủ còn xin hoãn, hoặc ít nhất là giảm tỷ lệ tăng, trong khi Quốc hội lại muốn tăng lương và rất nhiều cuộc hội bài giữa Quốc hội và Chính phủ về chủ đề tăng lương đã diễn ra. Trong khi theo báo cáo của Chính phủ, với rất nhiều tín hiệu khả quan rằng, thu ngân sách năm qua tiếp tục tăng, nhưng Chính phủ vẫn tìm mãi không thấy đâu nguồn để tăng lương, vì đi liền với tăng thu là tăng chi, và dù kinh tế khó khăn, chi ngân sách của nước ta vẫn “tăng đều”. Và câu chuyện ứng trước một vài phần ngân sách của năm sau chi cho năm trước đã không còn là chuyện lạ.
Rồi chúng ta nói rằng chúng ta khoan sức dân, đưa ra một so sánh đơn giản, trong khi sản xuất giảm, việc làm giảm, hàng hóa tiêu thụ giảm, doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng, doanh nghiệp thành lập mới giảm… thì thu ngân sách lại tăng, vậy chủ trương khoan sức dân thế nào đây.
Rồi thì viện phí tăng gấp đôi, ba lần so với trước, trong khi chất lượng dịch vụ, bác sĩ không đổi, tình trạng quá tải bệnh viện thậm chí còn trầm trọng hơn, bệnh nhân vào viện với hy vọng sống thì lại chết nhiều hơn vì tắc trách, vô cảm của bác sĩ… hay vì bác sĩ bận đếm phong bì, quà cảm ơn của bệnh nhân theo cái sự cho phép của Bộ trưởng nên quên mất bệnh nhân?
Mọi thứ đang khó khăn, xăng dầu tăng giá liên tục, hệ thống vận tải hàng hóa lâu nay được xem là yếu của chúng ta lại tiếp tục phải gánh thêm phí bảo trì đường bộ. Thời phong kiến mọi thứ đều nghèo nàn chỉ có đò để sang sông thì phải trả thuế đò, giờ ta hiện đại hơn có cầu thì để được đi lại phải trả phí cầu đường. Phí bảo trì đã thu, 3 tháng có hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng tai nạn vì đường xấu vẫn diễn ra, làm nhiều người chết, còn tai nạn giao thông làm hàng chục người chết và bị thương mỗi tháng.
Nộp phí bảo trì rồi nhưng vẫn chưa được đi đâu nhé, vì còn hàng loạt các trạm thu phí BOT hoạt động song song với phí bảo trì, nhưng vẫn không phải là “phí chồng phí”. Sao cái sự đi lại khó khăn quá. Nên Quốc hội cần xem xét điều này để đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân, chứ không thể nói “muốn đi đường đẹp thì phải mấ phí” như cách nói của lãnh đạo ngành Giao thông được.
Rồi thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng người dân phải bỏ vài đồng cho vào quỹ này, những việc sử dụng quỹ thế nào, còn nhiều hay ít thì người dân không được biết. Để tới mức chi quỹ để doanh nghiệp lãi lớn từ giá thế giới giảm và trích quỹ nhiều, rồi đột ngột hết quỹ, giá trong nước tăng khi thế giới đang giảm. Cơ quan nhà nước toàn chơi những nhiêu bất ngờ vì tránh đầu cơ, găm hàng kiểu này thì hỏi sao tỷ lệ đột quỵ ở nước ta đang ngày càng tăng, gần 15% dân số mắc các chứng bệnh liên quan tới rối loạn thần kinh.
Tôi chỉ điểm sơ sơ vài cái thuế, phí vậy thôi, chứ kể hết biết tới bao giờ.
Vấn đề thứ hai xin kiến nghị Quốc hội quan tâm để bàn hướng giải quyết, là tình trạng thực phẩm bẩn độc, cơ quan quản lý thế nào mà cứ loay hoay cả năm trời với con gà, con cá thải loại nhập lậu từ Trung Quốc vẫn không quản được, làm ngành chăn nuôi trong nước điêu đứng. Người tiêu dùng thì kêu chán rồi, giờ ung thư mọc ở cổ không kêu được nữa, lại phải dài cổ nuốt hết gà thải tới rau cỏ, hoa quả thừa dư lượng thuốc trừ sâu, giệt cỏ, chất bảo quản, ủ, ướp, vân vân và vân vân.
Rồi thì sản xuất trong nước cũng dùng đủ thứ hóa chất độc hại để làm ra hàng hóa bán cho dân ta dùng, không biết có phải vì để tạo điều kiện cho danh nghiệp vượt qua khủng hoảng hay không mà tình trạng đó không được xử lý triệt để, lâu lâu ra quân bắt bớ một vài vụ rồi đâu lại vào đấy, vấn đề này cũng rất mong các đại biểu Quốc hội lưu tâm cho.
Ai lại cứ nghe hoài mấy cái câu lực lượng thiếu và yếu, đối tượng phạm tội hám lợi nhuận nên liều lĩnh, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhưng nên nhớ, các cơ quan, đơn vị của chúng ta hầu như đơn vị nào cuối năm cũng có giấy khen đơn vị tiên tiến, xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…
Tôi xin mạo muội gửi tới các đại biểu Quốc hội một vài vấn đề “nóng” thời gian qua mà tôi quan tâm, hy vọng các đại biểu có thể đưa ra Quốc hội để bàn thảo, truy xét, tiến tới bãi bỏ những cái chưa hợp lý, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai sót trong ngành mình quản lý, để sai lầm không còn tái phạm nữa.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe!
Thân ái!
- Nguyễn Văn Hội (Hà Đông, Hà Nội)