Nguyễn An Ninh và người vợ "Cùng anh đi suốt cuộc đời"

07:16, Thứ ba 04/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Ông dành trọn cuộc đời của mình để tìm đường giải phóng đất nước. Đồng hành bên ông chính là người vợ đã quyết hi sinh cuộc sống giàu sang để gắn cuộc đời mình trong hành trình đầy gian nan, khổ cực ấyhellip;

Nguyễn Anh Ninh là một trong những chí sĩ, những nhà cách mạng lớn đầu thế kỷ XX. Ông đã dành trọn cuộc đời của mình để tìm lấy con đường giải phóng đất nước. Đồng hành bên ông chính là người vợ đã quyết định hi sinh cuộc sống giàu sang của mình để gắn cuộc đời mình trong hành trinh đầy gian nan, khổ cực ấy…


Nhà cách mạng 5 lần tù đày

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay là tỉnh Long An. Cha ông là Nguyễn An Khương, người ở Quán Tre, huyện Hóc Môn. Nguyễn An Khương là một nhà văn có tinh thần yêu nước, tinh thông Hán học cũng như chữ Quốc ngữ.

Chú ruột của Nguyễn An Ninh là ông Nguyễn An Cư, cũng là một nhà văn, một Đông y sĩ nổi tiếng. Cả cha và chú của Nguyễn An Ninh đều được nhiều người trong nước quý trọng. Nguyễn An Ninh theo học ở trường Taberd, Collège Mỹ Tho rồi Trường Chasseloup Laubat, nay là trường THPT Lê Quý Đôn ở Sài Gòn.

Năm 1915, khi mới 15 tuổi, Nguyễn An Ninh đã được nhận làm biên tập cho tờ Courrier Saigonnais. Năm sau, nhờ tốt nghiệp trung học với bằng ưu nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược và được miễn chuẩn bằng tú tài.

Tuy nhiên, học được nửa năm, Nguyễn An Ninh quyết định chuyển sang học luật. Năm 1918, Nguyễn An Ninh sang Paris, Pháp để tiếp tục học luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông đã hoàn thành chương trình học tập và được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc.

Trong thời gian ở Paris, Nguyễn An Ninh liên hệ với những chí sĩ đương thời như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc. Hoạt động của năm người đã tạo được uy tín với kiều bào tại Pháp nên còn được gọi là nhóm “Ngũ Long”.

Ngày 5/10/1922, Nguyễn An Ninh về nước. Lần đầu tiên, Nguyễn An Ninh ra mắt công chúng Nam Kỳ tại Hội khuyến học Nam Kỳ số 34 đường Aviateur Garros, nay là đường Thủ Khoa Huân vào lúc 20 giờ ngày 25/1/1923 với một bài diễn thuyết có tên là “Chung đúc học thức cho dân An Nam” để kêu gọi người dân Việt hãy mau “noi theo cái học thức Pháp, đặng mở mang trí dân, rộng tư tưởng của dân, làm cho giòng giống tráng kiện, mau thoát cái ách nô lệ.

Bằng cứ theo nẻo hoạn đồ, lấy việc làm quan là mục đích của việc học thì hỡi ơi! Sau này giòng giống sẽ yếu ớt, ắt có ngày kia rút vô rừng mà ở!”. Đến ngày 22/2/1923, Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ hai với ý định hoàn thành bằng Tiến sĩ Luật nhưng ông chỉ lưu lại hơn nửa năm rồi trở về nước.

Vợ chồng ông Nguyễn An Ninh và bà Nguyễn Thị Sáu.
Vợ chồng ông Nguyễn An Ninh và bà Nguyễn Thị Sáu.

Trong nước, ông dịch 5 chương đầu cuốn “Khế ước xã hội” của nhằm truyền bá tư tưởng “Người ta sinh ra tự do. Nhà nước là một tổ chức cai trị theo khế ước xã hội. Vì thế nó phải phục tùng ý chí của toàn dân”.

Vào đêm 15 tháng 10 năm 1923, Nguyễn An Ninh lại xuất hiện trên diễn đàn với đề tài “Cao vọng của thanh niên An Nam”. Ông cho rằng “cứ suy tôn Khổng Tử, khó cho ta tiến bước được,… tự do không phải là một vật gì mà ta có thể chuyền tay, có thể cho hay bán. Ai cũng có thể tự do được. Thanh niên ngày nay, không ai cấm chúng ta phác họa ước mơ và cao vọng”.

Và sau đó ông còn đả kích thực dân Pháp “khai thác bóc lột đến tận xương tủy cả Đông Dương”. Thống đốc Cognacq mấy lần gọi ông đến đe dọa và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.

Tuy nhiên, những việc đe dọa của thực dân Pháp không hề làm giảm đi ý chí muốn giải phóng đất nước và dân tộc của Nguyễn An Ninh. Sau khi tổ chức các buổi diễn thuyết, Nguyễn An Ninh đã tổ chức tờ báo “Tiếng chuông rè” để công kích chính sách thực dân Pháp, đề cao các nhà cách mạng, làm cho người đọc tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc và truyền bá những tư tưởng tự do.

Số đầu tiên của tờ báo ra ngày 10/12/1923. Không chỉ những ông làm chủ bút, viết bài, xếp chữ, tự tay chăm sóc tờ báo về mọi mặt, Nguyễn An Ninh còn tự tay ôm báo đi rao bán. Để đàn áp tờ báo, chính quyền thực dân đã cấm các nhà in và bưu điện không được in ấn, phát hành hay vận chuyển tờ báo.

Ai dám đi bán báo, đọc báo đều bị theo dõi, thậm chí nếu là công chức sẽ bị sa thải. Do chính sách quá khắc nghiệt của chính quyền thực dân nên tờ “Tiếng chuông rè” chỉ ra được 19 số báo thì bị đình bản vào ngày 14/7/1924.

Vào ngày 10/1/1925, Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ ba. Trong thời gian ở Pháp, ông đã viết tác phẩm “Nước Pháp ở Đông Dương” để thể hiện tinh thần chống thực dân, yêu cầu các quyền tự do cơ dân chủ cơ bản, sơ đẳng của một con người. Ngoài ra, ông còn diễn thuyết tại Khách sạn Hội Bác học, Paris với nội dung “Tinh thần dân chủ của nước Việt Nam".

Một thời gian sau đó, Nguyễn An Ninh và Phan Chu Trinh cùng về nước. Cuối năm 1925, sau khi tờ “Tiếng chuông rè” được xuất bản lại, Nguyễn Anh Ninh lại tiếp tục viết bài cho tờ báo. Cũng từ thời điểm này, quan điểm chủ nghĩa Max Lenin của “Tiếng chuông rè” cũng rõ nét hơn.

Vào ngày 21/3/1926, Nguyễn An Ninh diễn thuyết trước ba ngàn người nghe, kêu gọi chống chủ nghĩa thực dân. Ba hôm sau, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt kết án 18 tháng tù, nhưng chỉ bị giam 10 tháng thì được “ân xá”.

Sau khi ra tù, ông đã sáng lập ra Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ông còn phối hợp với các cán bộ của Hội Việt Nam Cách Mệnh Thanh Niên trong vận động quần chúng và phát triển tổ chức của hội.

Tiếp đó, Nguyễn An Ninh lại qua Pháp. Ở Pháp lần này, Nguyễn An Ninh giao lưu với nhiều nhà yêu nước khác. Ngày 6/1/1928, Nguyễn An Ninh về nước và được đồng bào đón tiếp nồng nhiệt. Ông sáng tác vở tuồng hát Hai Bà Trưng để cổ xúy tinh thần yêu nước.

Vở tuồng được in thành bốn ngàn quyển và chỉ để dành tặng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi vở tuồng chưa kịp diễn thì đã bị cấm. Cuối năm 1928, Nguyễn An Ninh bị bắt lần thứ hai. Lần này, chính quyền thực dân Pháp dựng lên vụ “Hội kín Nguyễn An Ninh” để bắt mấy trăm người ủng hộ ông.

Ông bị kết án và giam giữ 3 năm. Thế nhưng, việc thực dân Pháp cầm tù không thể khiến cho tinh thần yêu nước của Nguyễn An Ninh suy giảm. Nên sau khi ra tù, Nguyễn An Ninh lại tiếp tục viết cho tờ “Trung Lập” và “Tranh Đấu”. Do hoạt động quá tích cực nên đến tháng 4 năm 1936, Nguyễn An Ninh lại bị bắt về tội “phá rối trị an”.

Ông tuyệt thực phản đối và nhờ quần chúng đấu tranh dữ dội đòi thả ông nên Pháp buộc lòng phải trả tự do cho ông vào tháng 11 cùng năm. Song, tiếp đó, đến tháng 7/1937, Pháp lại bắt giam ông và giam cho đến tháng 1 năm 1939.

Ra khỏi tù, Nguyễn An Ninh hoạt động với những người đồng chí trong nhóm Dân Chúng. Ông tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình đòi các quyền tự do dân chủ. Sau đó, Nguyễn An Ninh còn ra ứng cử vào Hội đồng Quản hạt.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra ở Châu Âu. Ở Đông Dương, chính quyền Pháp liền tuyên bố thiết quân luật, ráo riết truy lùng, bắt bớ, sát hại các nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng.

Ngày 5/10/1939, Nguyễn An Ninh lại bị bắt lần thứ năm. Đây cũng là lần cuối cùng Nguyễn An Ninh bị bắt. Bởi sau đó, ông nhận án 5 năm tù lưu đày ở Côn Đảo.

Trên đảo, do bị hành hạ, bị đói khát triền miên nên ông kiệt sức dần. Nguyễn An Ninh mất trong tù vào ngày 14/8/1943. Trước khi mất, ông đã viết bài thơ của mình với những câu thơ thể hiện đậm nét khí chất khẳng khái của mình:

“Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi.

Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai”

Nhận xét về Nguyễn An Ninh, rất nhiều học giả đã dành cho ông những lời tốt đẹp nhất. Giáo sư Nguyễn Văn Giàu đã viết: “Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông. Ở đất Sài Gòn mà mặc bà ba, đi guốc, bán báo Chuông rè của mình viết.

Hình ảnh đó tự nó đủ gây cảm tình sâu sắc với đồng bào... Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi... Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn ở diễn đàn, bén nhọn trên cột báo, không chút sợ Tây, tà, vào tù như về quê, con người ấy đồng thời là một người trầm tư, mặc tưởng...”.

Trong khi đó, tiến sĩ sử học Pháp Daniel Héméry lại viết: “Nguyễn An Ninh là người có ảnh hưởng lớn đến trí thức miền Nam Việt Nam trong những năm 1920 - 1940, người đã thức tỉnh cả một thế hệ”. Những nhà cách mạng lớn của nước ta sau này cũng đã viết về Nguyễn An Ninh:

“Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước vĩ đại, là một trí thức tầm cỡ” ( Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh); “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì Tổ quốc và dân tộc, cho đến hơi thở cuối cùng.

Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng, cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử” (Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Để tưởng nhớ đến những công lao mà Nguyễn An Ninh đã cống hiến cho dân tộc, ngày 18/11/2000, nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh đã được khởi công xây dựng. Nhà tưởng niệm được khánh thành vào ngày 15/9/2002. Nhà tưởng niệm nằm ở phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12 với diện tích khoảng 3000m².

Ngày 1/8/1980, Nguyễn An Ninh đã được nhà nước Việt Nam truy nhận là Liệt sĩ. Ngoài ra, để ghi nhớ công lao của Nguyễn An Ninh với sự nghiệp giải phóng dân tộc, ở các thành phố lớn như Hà Nội, t phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...đều có những trường học và đường phố mang tên ông.

Người vợ “Cùng anh đi suốt cuộc đời”

Trong cuộc đời của mình, Nguyễn An Ninh có hai người vợ. Tuy nhiên, người thường được nhắc đến với những đóng góp và hi sinh lớn lao cho cuộc đời cách mạng của ông thì chính là người vợ thứ hai, bà Trương Thị Sáu – người còn được gọi là “Cô Sáu Cầu Ông Lãnh”.

Bà là người phụ nữ đảm đang, bản lĩnh, có chí tự lập để thoát khỏi cảnh nghèo, làm chủ một tiệm may nổi tiếng ở Sài Gòn thời ấy. Trước khi gặp bà Trương Thị Sáu, Nguyễn An Ninh đã một lần kết hôn.

Giữa năm 1920, Nguyễn An Ninh đã hoàn tất chương trình cử nhân luật. Ông định báo tin cho gia đình sẽ ở lại để làm luận án tiến sĩ thì cha ông đánh dây thép sang bảo về gấp để lấy vợ. Việc cưới vợ cho Nguyễn An Ninh là do cô của ông, bà Nguyễn Thị Xuyên sắp đặt.

Bố Nguyễn An Ninh, ông Khương không muốn Nguyễn An Ninh lập gia đình sớm nhưng nghe lời người chị thuyết phục, ông cũng xiêu lòng bởi lý do: “Sợ thằng Ninh lấy vợ đầm rồi ở bển luôn”. Cô của ba tôi đã lớn tuổi nhưng nhất định không lấy chồng.

Cô vốn rất thương Nguyễn An Ninh nên mai mối ông với cô gái con điền chủ ở Sóc Trăng, tên Emilie. Cô này đi học ở Sài Gòn, nói tiếng Tây, quý phái. Chiều theo ý của cô mình nên Nguyễn An Ninh lấy Emilie. Đám hỏi xong, Nguyễn An Ninh và Emilie mới có dịp chuyện trò nhiều.

Lúc này ba tôi nhận ra giữa hai người có cách biệt quá lớn về quan điểm sống, về lý tưởng. Emilie luôn kỳ vọng vào Ninh rằng khi trở thành tiến sĩ luật sẽ ngồi ở ghế cao nhất của tòa án. Tuy nhiên, khi thống đốc Nam Kỳ gửi thư mời Nguyễn An Ninh làm quan tòa thì ông không nhận.

Emilie không hài lòng về quyết định của Nguyễn An Ninh. Cô không vui bởi lẽ cô đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa ở đô thị để về vùng Hóc Môn nhưng chồng đã bỏ không học tiếp tiến sĩ lại còn từ chối làm quan tòa. Emilie bỏ về Sóc Trăng. Hai người ly dị nhau đúng ba tháng sau ngày cưới.

Khoảng thời gian sau đó, Nguyễn An Ninh thường ra ruộng chơi với đám trẻ chăn trâu, hướng dẫn bọn trẻ thổi sáo, làm diều rồi mắc võng nằm ngoài đồng cả ngày. Vì thế không ít người bảo Ninh học nhiều quá hóa điên, có vợ đẹp thế mà... Đã học luật bên Tây mà từ chối làm quan, lại trở về nhà quấn quýt với đám mục đồng.

Một năm sau ly hôn, ông Huỳnh Tấn Kiệt, chồng bà Nguyễn Thị Phòng, em bạn dì ruột với Nguyễn An Ninh giới thiệu cho anh Ninh một người phụ nữ. Bà là thợ may nổi tiếng ở khu vực Cầu Ông Lãnh, tên Trương Thị Sáu.

Chừng một năm quen với “cô Sáu Cầu Ông Lãnh” thì ông Ninh đề cập chuyện hỏi cưới với hai điều kiện. Thứ nhất là cô Sáu không nghĩ đến chuyện buôn bán làm giàu. Thứ hai là phải về Trung Chánh, Mỹ Hòa ở.

Ngưỡng mộ Nguyễn An Ninh, bà Trương Thị Sáu đã từ chối lời cầu hôn của những người quyền thế và giàu có để ông. Không nhưng thế, sau khi lấy Nguyễn An Ninh, bà Trương Thị Sáu còn chấp nhận bỏ dở con đường kinh doanh để về vùng quê Trung Chánh, xã Mỹ Hòa, Hóc Môn sinh sống với gia đình Nguyễn An Ninh.

Trước khi cô Sáu về nhà chồng ở Trung Chánh, cô đã bán cửa tiệm may, vải vóc và máy móc với số tiền khoảng 10 ngàn đồng, vàng và hột xoàn. Cũng từ số tiền này mà cô có điều kiện giúp chồng và các anh em thân hữu hoạt động.

Ngày mới về làm dâu, cô Sáu vẫn thường mặc áo dài nhung đen, cổ và tay đeo nhiều dây chuyền và hột xoàn, chân lúc nào cũng mang đôi hài thêu. Không ít người tỏ ra khó chịu về cách ăn mặc của cô Sáu, thậm chí còn hỏi thẳng Nguyễn An Nình rằng có phải cô Sáu có phải người của Pháp cài vào để theo dõi không.

Ông Ninh chỉ cười nhẹ không đáp. Tuy nhiên, sau này, bố của Nguyễn An Ninh nói chuyện với cô Sáu. Cô Sáu hiểu nên đã cất hết tư trang và thay đổi cách ăn mặc cho giống người trong làng.

Tuy quen buôn bán nhưng bà Sáu sớm thích nghi với việc nhà nông. Thời gian Nguyễn An Ninh đi Pháp để đón Phan Chu Trinh về nước, cô Sáu ở nhà làm đất trồng đủ loại cây ăn trái. Nào là xoài, trầu, cau, ổi, riêng xoài lên đến 250 gốc cho trái sum sê.

Ngoài trồng cây, cô Sáu còn nuôi gà, ngựa đua, bò. Chỉ sau một thời gian ngắn, hai bàn tay của cô Sáu đã chai cứng, đen cháy. Ngày lo trồng trọt, chăn nuôi, đêm đến người bầu bạn duy nhất của cô Sáu là vợ của ông Nguyễn An Hải - con trai của mẹ kế ông Nguyễn An Ninh.

Vợ ông Hai kém hơn cô Sáu ít tuổi. Đêm đến, ai ngủ buồng đó. Trước khi ngủ, hai người hùn hộp que diêm nối sợi chỉ dài để chơi trò nói chuyện điện thoại cho khuây khỏa. Khi Nguyễn An Ninh trở về nước, cô Sáu cũng trà trộn vào dòng người đi đón chồng.

Tay bắt mặt mừng với anh em nhưng mắt ông Ninh cứ dõi theo đám đông tụ họp để tìm vợ. Từ xa, cô Sáu chạy đến, nói: “Tôi đây nè”. Ông Ninh nắm chặt tay vợ rồi đưa lên hôn tới tấp những chỗ chai sần. Trước đám đông, cô Sáu phải nhắc khéo để chồng kiềm chế cảm xúc.

Sau sáu tháng xa cách, đêm ấy vợ chồng tâm sự với nhau đến gần sáng. Ông Ninh bàn với cha cất một căn nhà nhỏ trên mảnh đất của gia đình ở phía bên kia đường cho vợ thoải mái hơn. Được ra riêng nhưng hàng ngày cô Sáu phải sang chăm sóc vườn và phụng dưỡng cha chồng.

Cô Sáu là một mẫu người dâu thảo ngoan hiền được ông Khương ưng bụng lắm. Một đêm nọ, ông Khương bị tai biến, cấm khẩu. Bà Nữ gọi con dâu chạy sang. Thấy cô Sáu, ông Khương ra dấu bảo mang giấy viết lại cho ông. Ông gắng gượng viết toa thuốc và sai đích thân con dâu đi mua về sắc cho ông uống. Hôm sau, ông Khương nói được bình thường.

Về làm vợ Nguyễn An Ninh, bà Trương Thị Sáu đã cùng chồng dấn thân vào con đường hiểm nguy của những người hoạt động yêu nước vì lý tưởng độc lập, tự do và dân chủ.

Không những tự nguyện bán một phần tài sản để giúp chồng có điều kiện hoạt động, không những phải lăn lộn với nhiều nghề khác nhau như trồng cây, may áo, buôn vải, làm đại lý thuốc đông y, nấu dầu cù là, lập gánh hát... để vừa nuôi năm đứa con ăn học, vừa đóng góp cho phong trào.

Nhà bà là nơi đón tiếp và chăm sóc Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền vừa từ Pháp trở về, cũng là chỗ hội họp, tá túc, nghỉ chân trên bước đường hoạt động của các nhà cách mạng khác.

Ngoài ra, bà Trương Thị Sáu đã phải chịu rất nhiều nỗi đau khi gắn cuộc đời mình với cuộc đời của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh với quyết tâm hi sinh mọi thứ cho con đường giải phóng dân tộc đầy chông gai của người mình yêu thương.

Bà Trương Thị Sáu đã từng chứng kiến cảnh chồng bị bắt giải lên xe cây, cảnh ông tuyệt thực đến thập tử nhất sinh, bà còn phải đối phó với những thủ đoạn mua chuộc hèn hạ của kẻ thù. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đã không làm thay đổi được tấm lòng kiên trinh của bà Trương Thị Sáu dành cho Nguyễn An Ninh.

Cuốn hồi ký “Cùng anh đi suốt cuộc đời” của bà Nguyễn Thị Sáu chính là minh chứng rõ nhất cho tâm sự của người phụ nữ đã hi sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp của chồng.

  • Hùng Hoàng

[links()]
 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc