Không ít chuyên gia giáo dục và tâm lý phản đối việc đào tạo trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ. Họ cho rằng khối lượng thông tin mà ta chủ động nạp cho trẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thần kinh của trẻ, và bởi vậy tốt nhất là cứ để trẻ tự tiếp cận mọi thứ một cách tự nhiên. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều ý kiến trái ngược.
Họ cho rằng sai lầm lớn nhất của chúng ta trong giáo dục con trẻ là đã hoán đổi thời điểm cần dạy dỗ chúng một cách nghiêm khắc với thời điểm cần để chúng được tự do phát triển. Cụ thể là muốn trẻ lớn lên vừa thông thạo vài ngoại ngữ, vừa giỏi bơi lội, vừa kéo violon điêu luyện thì cần phải cho chúng tiếp cận với tất cả ngay từ khi chưa đầy ba tuổi. Còn khi trẻ đã lớn hơn thì lại phải tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, không ép chúng theo đuổi những gì mà chúng không thích.
Dừng ảnh hưởng của phụ huynh đối với trẻ khi chúng đã qua tuổi mầm non
Dạy con cũng như uốn cây. Muốn cây có hình dáng ra sao thì phải uốn cành từ lúc còn non, chờ lúc cành đã cứng mới uốn thì chỉ có… gẫy.
Đừng coi thường những ý nguyện “con nít” của trẻ, bằng không bạn sẽ gieo cho con mối hoài nghi về khả năng của mình suốt cuộc đời. Ngược lại, hãy truyền cho con niềm tin và trao cho con nhiều sự lựa chọn rồi để con tự chọn lấy “món” hợp với “khẩu vị” của mình nhất.
Không nựng con bằng giọng điệu đả đớt
Sự ngọng nghịu, đả đớt có thể hằn sâu vào tâm trí của con và trở thành chiếc barie cản trở con nắm bắt ngôn ngữ một cách chuẩn xác. Không quá bảo bọc nhưng đừng bỏ mặc con. Chăm lo quá mức có thể biến con thành “gà tồ”, nhưng để con phát triển như cỏ dại thì còn tệ hơn. Những đứa trẻ được sống trong sự quan tâm lớn lên thường lạc quan, nhân hậu và điềm tĩnh hơn.
Hành vi nào của trẻ cũng có căn nguyên riêng
Ví như vì ghen tị với sự quan tâm của cha mẹ dành cho em bé, đứa con lớn có thể cố tình… tè dầm và điều mà cha mẹ cần làm là phải loại bỏ căn nguyên ấy (quan tâm hơn đến con) chứ không phải là tìm cách trấn áp hành vi của con.
Không áp đặt con phải làm gì, không được làm gì
Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào, phải đánh răng… Nếu trẻ làm theo thì bảo “Ui, con ngoan quá”, những trẻ cá tính không làm theo thì lại bảo con hư. Trẻ không làm theo thì bị phạt, mắng. Trong khi đó, những trẻ đối phó mới là trẻ khôn.
Tăng cường khen ngợi, hạn chế mắng mỏ
Tất nhiên là cũng có lúc phải đe nẹt, nhưng sẽ tốt hơn nếu ta thuyết phục hoặc cho bé được lựa chọn. Chẳng hạn nếu bé toan xé tờ báo mà mẹ chưa kịp đọc, thay vì giằng lại tờ báo và đánh vào tay bé khiến bé “ức chế”, mẹ có thể đổi cho bé tờ báo cũ để bé tha hồ xé (xin nói thêm: xé giấy cũng là một “bài tập” để bé rèn luyện đôi tay nhỏ).
Nêu gương bằng hành động
Khuyên nhủ bao giờ cũng dễ tiếp thu hơn cấm đoán. Nhưng hiệu quả hơn cả khuyên nhủ là hành động của chính cha mẹ. Con trẻ ưa bắt chước những gì chúng nhìn thấy hơn là những lời nói suông. Vì thế hãy nêu gương tốt cho con trong mọi việc.
Chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết
Trước mỗi tình huống cha mẹ hãy tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không can thiệp? Nếu chúng ta can thiệp một cách không cần thiết thì vô tình chúng ta đã làm mất đi cơ hội để trẻ rút kinh nghiệm từ hành động của con. Bằng cách để cho các hậu quả xảy ra, cha mẹ còn tránh được việc gây tổn hại đến quan hệ của cha mẹ cằn nhằn nhắc nhở trẻ quá nhiều. Hãy để con tự tìm ra giải pháp và biết việc cần ghi nhớ quan trọng thế nào.
Rút lui khi có xung đột
Nếu trẻ nắn gân cha mẹ bằng cách hờn dỗi, cáu giận, hay nói năng vô lễ, cách tốt nhất là hãy rời khỏi chỗ đó hoặc nói với trẻ rằng cha mẹ ở phòng cạnh nếu con muốn làm lại. Không nên tỏ thái độ bực tức hay thất bại khi đi khỏi. Nếu cha mẹ cảm thấy không thể bỏ đi hay kiềm chế được thì hãy ngồi yên và đếm từ 1 đến 10 để hạ hỏa!