Đối tượng nào thường mắc bệnh thương hàn
Phần lớn người mắc bệnh thương hàn thường sống trong điều kiện môi trường kém, ô nhiễm, nhiễm độc và vi khuẩn. Do đó chất lượng vệ sinh ăn uống, sinh hoạt thấp dẫn đến các nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh nhiễm trùng khác. Ngoài ra, bạn cũng có khả năng mắc thương hàn nếu tiếp xúc gần với những người nhiễm bệnh khác.
Hơn nữa, trẻ em nhỏ, người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu thường dễ mắc thương hàn. Tỉ lệ người mắc bệnh thương hàn ở những nước kém phát triển thường cao hơn nhiều so với những nước phát triển.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh thương hàn?
Bạn sẽ có nguy cơ mắc thương hàn cao nếu bạn:
Đi đến hoặc làm việc ở những nơi hoặc khu vực đang có dịch thương hàn;
Làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc tiếp xúc với vi khuẩn salmonella;
Tiếp xúc gần với những người mắc bệnh thương hàn;
Có hệ miễn dịch yếu do điều trị bằng thuốc như corticosteroids hoặc bệnh HIV/AIDS;
Uống nước nhiễm bẩn có chứa khuẩn salmonella.
Ngoài ra, bệnh thương hàn có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh hiện vẫn là vấn đề sức khỏe toàn cầu với 16-33 triệu trường hợp mới mắc mỗi năm, trong đó tử vong 216.000-600.000 trường hợp và tỷ lệ mắc hàng năm 0,5% dân số toàn cầu (ước tính của WHO). Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc hàng năm dao động từ 198/100.000 người dân (Việt Nam) đến 980/100.000 người dân (Ấn Độ) trong vòng 5 năm qua. Ở Việt Nam, bệnh gặp nhiều ở các tỉnh phía Nam, lẻ tẻ xảy ra các vụ dịch ở một số tỉnh miền Bắc như Sơn La, Lai Châu.
Bệnh có tính chất theo mùa, với đỉnh điểm là những tháng nóng, khô trong năm, do mầm bệnh tập trung trong nước, không bị hoà loãng do mưa. Có những vùng bệnh hay xảy ra trong mùa mưa do lũ lụt phá vỡ hệ thống cấp thoát nước., khiến vi khuẩn có điều kiện lan tràn theo nước ngập lụt.
Salmonella typhi chỉ gây nhiễm cho người. Nguồn truyền nhiễm chính là phân, ít gặp hơn là nước tiểu người mang trực khuẩn và những người đang bị hay mới khỏi bệnh. Trường hợp hiếm hơn có thể gặp lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc tay - miệng với phân, nước tiểu, chất tiết hô hấp, chất nôn hay mủ của người nhiễm.
Nhìn chung, có khoảng 1-4% người bệnh trở thành người lành mang trực khuẩn, tỷ lệ này thay đổi theo tuổi và tình trạng sức khoẻ bệnh nhân. Tỷ lệ người mang trực khuẩn cao hơn ở phụ nữ và tăng theo tuổi bệnh nhân và tỷ lệ có bệnh túi mật kèm theo.
Salmonella typhi có thể sống vài tuần trong nước, nước đá, bụi, nước thải khô và trên đồ vải, nhưng chỉ tồn tại trong nước thải chưa đến một tuần. Trực khuẩn cũng có thể sống và nhân lên trong sữa và các sản phẩm sữa mà không làm thay đổi tính chất sữa. Đồ ăn có thể bị nhiễm trực tiếp qua nước rửa hoặc trong công đoạn chế biến do người làm mang vi khuẩn, qua bụi và có thể qua ruồi. Trong trường hợp nhiễm bệnh qua các động vật thân mềm có vỏ (như trai, hến, hàu...), tuy nồng độ trực khuẩn trong nguồn nước nơi các động vật này sống có thể không đủ cao để gây bệnh cho những người bơi lội trong nước, nhưng do các động vật này lọc qua một lượng lớn nước và tập trung mầm bệnh lại nên có thể gây nhiễm cho người ăn phải.
Ngoài ra, đã có báo cáo những trường hợp bệnh truyền qua đường tình dục đồng tính nam giới.
Nghiên cứu trên nam giới khoẻ mạnh tình nguyện thấy: khi ăn phải 100.000 trực khuẩn sẽ xuất hiện bệnh ở 25% người tình nguyện, ăn 10 triệu trực khuẩn xuất hiện bệnh ở 50% người tình nguyện, còn nếu ăn tỷ trực khuẩn thì tới 95% người tình nguyện xuất hiện bệnh.
Khi số lượng vi khuẩn tăng lên, tỷ lệ mắc tăng, thời gian ủ bệnh rút ngắn nhưng bệnh cảnh lâm sàng không thay đổi.
PH dịch vị dưới 1,5 sẽ giúp tiêu diệt hầu hết vi khuẩn. Những bệnh nhân dùng thuốc kháng axit kéo dài, đã cắt dạ dày và dạ dày vô toan do tuổi cao hoặc do các nguyên nhân khác thì chỉ cần một số lượng ít vi khuẩn cũng gây được bệnh.
Các yếu tố di truyền cũng góp phần vào tính cảm nhiễm với bệnh. Nghiên cứu về các typ kháng nguyên lympho bào người thấy có liên quan đến sự đề kháng với bệnh.