Chiếc áo phông in nội dung bức thư tuyệt mệnh của rocker người Mỹ Kurt Cobain vào năm 1994, khi được bán trên trang eBay và Etsy đã nhanh chóng gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người hâm mộ. Chúng bị cáo buộc trục lợi từ bi kịch cá nhân. Một người dùng Twitter đã bình luận rằng những chiếc áo phông này thể hiện “tư duy nghèo nàn và ý đồ trục lợi” của nhà sản xuất.
Mẫu áo sweatshirt của hãng Urban Outfitters với thiết kế trông như vấy máu và dòng chữ “Kent State University” khiến mọi người nhớ đến cuộc thảm sát tại ngôi trường này vào năm 1970. Do đó, thiết kế nhanh chóng bị tẩy chay.
Thương hiệu Urban Outfitters một lần nữa bị chỉ trích với mẫu áo phông nữ in dòng chữ “Eat Less” (Ăn ít lại). Thiết kế bị cho là cổ vũ thói quen nhịn ăn quá mức, dẫn đến chứng biếng ăn và rối loạn chuyển hóa ở các cô gái trẻ.
Hãng thời trang này tiếp tục gây scandal với mẫu áo thun dạng crop-top với dòng chữ “Depression” (Trầm cảm) lặp đi lặp lại dày đặc. Dù được nhà sản xuất giải thích tên dòng sản phẩm là "Depression", nó vẫn mang tính chất tiêu cực cho một sản phẩm bình thường.
Thương hiệu thời trang bình dân Zara cũng gây tranh cãi khi trình làng mẫu pyjama em bé có thiết kế sọc ngang trắng xanh và ngôi sao vàng ở ngực trái. Hình ảnh này tuy được giới thiệu là ngôi sao cài trên áo cảnh sát trưởng vùng miền Tây hoang dã, nhưng lại gợi nhớ về đồng phục của tù nhân Do Thái trong các trại tập trung của Phát xít Đức.
Một thiết kế khác của Zara in dòng chữ “White is the New Black” gây phản ứng gay gắt khi bị cho là có tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Dù mang ý nghĩ đùa cợt, áo thun in dòng chữ “# more boyfriends than t.s” của Abercrombie & Fitch khiến các fan của Taylor Swift nổi giận vì bóng gió xúc phạm thần tượng của họ.