Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022: Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH

( PHUNUTODAY ) - Trong tháng 2/2022, có nhiều chính sách liên quan đến lao động, chính sách xã hội, giáo dục... sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH

Thông tư 36 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hiệu lực từ 20/2.

Hệ số này còn được gọi là hệ số trượt giá BHXH, được điều chỉnh mỗi năm nhằm bù đắp sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau.

Từ cuối tháng 2, hệ số trượt giá BHXH tăng nhẹ với mức tăng 0,09 lần áp dụng cho giai đoạn đóng BHXH trước 1995.

Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 tăng nhẹ so với năm 2021 sẽ giúp mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động tăng theo, bao gồm cả tiền BHXH một lần, tiền lương hưu hàng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần…

chinh-sach-co-hieu-luc-tu-thang-2-2022

Tăng giờ làm thêm của người lao động thời vụ lên 40 giờ/tháng

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội  ban hành có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015. Nội dung thông tư quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Theo đó, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng (trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng).

Ngoài ra, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 giờ/tuần (trước đây, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần là 60 giờ/tuần).

Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 33/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo đó, thông tư quy định tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

chinh-sach-co-hieu-luc-tu-thang-2-2022-02

Người có công được hưởng chính sách hỗ trợ nhà

Theo Nghị định 131 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/2, người có công với cách mạng như thương binh, bệnh binh… được hỗ trợ về nhà ở bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, người có công với cách mạng có thể được hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước hay được hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất).

Nhóm đối tượng này được hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng. Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Bốn trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ

Thông tư 21 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/2 quy định chi tiết về khoản tiền dịch vụ mà người đi xuất khẩu lao động phải nộp khi sang làm việc tại một số thị trường.

Thông tư nêu rõ bốn trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:

- Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

- Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

- Sang Malaysia làm giúp việc gia đình.

- Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link