Chàng trai người Đức tìm được cha Việt nhờ Facebook
15 năm trời, Michel tìm cha nhưng vô vọng. Sau khi thông tin được đăng tải trên Facebook hơn hai tiếng, chàng trai người Đức đã có manh mối và tìm được cha người Việt sau gần 30 năm mất liên lạc.
Bức ảnh Michel hiện nay (bên trái) và hình ảnh ông Lê Đại Phong thời trẻ (bên phải) cùng thông tin anh tìm cha được đăng tải. Ảnh: Facebook Thanh Hóa.
Năm 1980, Lê Đại Phong (quê Thanh Hóa) được cử sang Đức học nghề tại Dresden. Chỉ vài tháng làm việc trong nhà máy gặt đập liên hoàn, chàng trai người Việt yêu cô gái ở cùng cư xá tên Anke Weiland, đến từ thị trấn Anklam. Đôi trẻ đã làm lễ đính hôn trong nhà thờ. Kết thúc khóa học, Phong được lệnh về nước làm việc. Dù biết người yêu đã mang giọt máu của mình nhưng cuối năm 1983, Phong đành rời nước Đức. Đầu năm 1984, Anke sinh con trai, lấy họ mẹ, tên là Michel Weiland. Cậu con trai lớn lên, dù chưa gặp mặt bố nhưng lúc nào cậu cũng mang theo tấm ảnh của bố và có tâm nguyện được gặp lại bố.
Anh lục tìm thông tin từ những bạn bè cũ của cha mẹ nhưng không ai còn liên lạc với ông Phong. Michel từng đăng tin trên Đài truyền hình RTL của Đức nhưng không có kết quả. Mang nỗi niềm kể cho bạn bè người Việt sinh sống tại Đức, Michel được họ giúp đỡ bằng cách truyền tin cho nhau. Bà Ngọc Điệp, Việt kiều sống ở Halle, đã quyết tâm giúp chàng trai đoàn tụ với gia đình.
Lần theo nhiều đầu mối để tìm ông Phong nhưng cuộc tìm kiếm của bà Điệp rơi vào ngõ cụt. Cuối cùng, nữ Việt kiều nhờ con gái nuôi ở Việt Nam giúp đăng tin lên Fanpage Thanh Hóa. Hơn 2 tiếng sau, bà nhận được thông tin cho biết ông Phong đang sống ở quê nhà và được giúp liên hệ với ông. Hai bố con ông Phong nới chuyện với nhau qua điện thoại không dấu nổi niềm vui mừng. Ngày 17/4 này Michel sẽ về Việt Nam gặp bố sau hơn 30 năm xã cách.
Gặp mẹ trong mơ
Trước đó cũng có những trường hợp con lai tìm kiếm cha, mẹ gây nhiều xúc động cho độc giả. Những ngày đầu tháng 4/1975, giữa một miền Nam xôn xao về những giải pháp chấm dứt cuộc chiến, hàng nghìn trẻ em mồ côi được Chính phủ Mỹ tìm cách đưa chúng rời khỏi đất nước theo chiến dịch nhân đạo mang tên Babylift. Trong số đó, có đứa còn chưa biết nói, có đứa đã có chút trí khôn và trí nhớ để biết mình là ai và hiểu được thân phận lạc loài của mình.
Lee Stefin, được biết dưới cái tên Việt là Đặng Thị Hiệp khi còn ở Việt Nam, là con nuôi của một gia đình người Mỹ. Cô thực chất là con đẻ của một quân nhân Mỹ và người mẹ Việt Nam. Hiệp, lúc đó mới 9 tuổi, cùng với hai đứa em trai ở trong số trẻ em được chiến dịch nhân đạo Babylift ngày ấy cứu vớt.
“Mẹ tôi nói rằng có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ được gặp lại bà nữa, rằng tôi có bổn phận phải cố gắng hết sức giữ cho ba chị em chúng tôi luôn ở bên nhau. Đó là lần cuối cùng tôi gặp mẹ. Rồi máy bay cất cánh. Tôi nhìn ra cửa sổ và tự hứa với mình rằng rồi sẽ có ngày tôi trở lại mảnh đất này để tìm người mẹ thân yêu”, Hiệp có lần chia sẻ.
Trong bao năm trời, Lee, tức Hiệp, luôn nghĩ đến nguồn gốc của mình, và nhất là hình ảnh người mẹ khốn khổ trên một đất nước cũng khốn khổ không kém.
Mới đây, cùng với hai người bạn có cùng thân phận lạc lòai như mình, cùng rời đất nước trong chiến dịch Babylift tháng 4/1975, Hiệp quay trở về Việt Nam để tìm lại người mẹ tội nghiệp năm xưa, để tìm lại gốc rễ của mình. Tuy nhiên, bà không gặp lại được mẹ.
Bà về lại đúng nơi chia tay mẹ năm xưa, với trí nhớ của một đứa trẻ 9 tuổi. “Khi mà mình sống ở một nơi thật xa và không một ai có những kỷ niệm như mình, đôi lúc, mình có cảm tưởng giống như đang ở trong một giấc mơ do chính mình tưởng tượng ra. Giờ đây, đứng trước khung cảnh bấy lâu nay chỉ ở trong trí tưởng, mình mới tin đó là có thật”, người con lai với nỗi khao khát tìm mẹ chia sẻ. Tuy nhiên, người mẹ mà bà khao khát muốn gặp lại vẫn chỉ ở đâu đó trong những giấc mơ…
Nỗi trăn trở của người con lai Việt - Hàn
“Ai cũng có mẹ cha hôm sớm. Sao riêng tôi chỉ có nỗi buồn”, đó là tâm sự của nhà văn Trần Đại Nhật (tên thật là Trần Văn Ty, tên Hàn là Kim Sang Il), một đứa con lai Hàn.
Trần Đại Nhật sinh ra tại Tuy Hoà, Phú Yên vào năm 1970. Vùng đất này vốn là nơi đóng quân của Sư đoàn Mãnh Hổ, lính Đại Hàn. Những cuộc mua bán trao đổi giữa cư dân quanh khu căn cứ với lính Hàn, những cuộc vui chơi của lính Hàn và cả những trận càn… đã sinh ra những đứa con lai Hàn như Trần Đại Nhật.
Khi chiến tranh kết thúc, bắt đầu hiểu biết thì Trần Đại Nhật đã tự cảm nhận được thân phận của mình: “Nép bên mẹ tôi như người có tội. Tội sinh ra đời mang dòng máu con lai”.
Năm 1989, nghe tin có Hiệp hội Hảo tâm Hàn Quốc sang Việt Nam tìm con lai, Trần Đại Nhật khăn gói vào TP HCM hy vọng nhờ họ tìm giúp cha mình. Hiệp hội này thành lập Trung tâm Nhân đạo để dạy nghề cho những đứa con lai trong khi chờ đợi tìm kiếm người thân cho họ. Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm rất yếu vì thiếu kinh phí, mức hỗ trợ học nghề cho những đứa trẻ lai Hàn rất thấp.
Những đứa trẻ lai Hàn từ các tỉnh tập trung về đây phải bỏ ra ngoài làm đủ thứ nghề để sinh sống, trong đó có Trần Đại Nhật. Anh lặn lộn với đủ thứ nghề như đạp xích lô, phụ hồ, chạy bàn, tiếp tân… để mưu sinh và tiếp tục chờ đợi.
Trong thời gian chờ đợi Hiệp hội Nhân đạo Hàn Quốc giúp tìm kiếm cha mình, Trần Đại Nhật học tiếng Hàn. Năm 1993, anh thi vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Anh quen được nhiều người Hàn đang học tập ở đây. Nhờ họ giúp đỡ, anh được nhận công việc phát báo tiếng Hàn cho những doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn ở TP HCM.
Từ việc phát báo, anh tìm được việc làm ổn định cho một công ty Hàn có văn phòng tại TP HCM. Năm 1998, Trần Đại Nhật được công ty cử sang Hàn Quốc làm việc tại bộ phận phụ trách khu vực Đông Nam Á của công ty mẹ. Anh cũng được học thêm nghiệp vụ kinh doanh và tiếng Hàn ở trường ĐH Yonsei.
Trong thời gian này, tranh thủ những ngày nghỉ, anh đi tìm những người Hàn từng tham chiến tại Việt Nam, mong gặp lại cha mình. Anh vào tận Quốc hội Hàn Quốc để nhờ họ tìm tung tích của cha.
Cuối cùng, các bạn bè của anh ở Hàn Quốc cũng tìm được cha cho anh. Anh bất ngờ được gặp lại cha tại chính công ty của mình. Tuy nhiên, anh kiên quyết không nhận ông là cha mình, mà chỉ là người góp phần sinh ra mình. Lúc ấy anh nói: “Tôi chỉ nhận ông là cha khi ông trở về Việt Nam để mẹ tôi nhận ông là chồng”. Anh kiên quyết như thế dù rất đau lòng, vì anh nghĩ vậy mới công bằng. Tuy nhiên, kết cục không như ý mong muốn…
“Người con lai Phi châu”
Đó là tên một cuốn sách nổi tiếng và cũng là một câu chuyện có thật chan chứa bao nỗi lòng của người con lai Việt Nam - Bờ Biển Ngà.
Jansen Morati, người con lai đó, từng gây xôn xao dư luận về cuộc tìm kiếm mẹ xúc động của mình và cũng đã tự tay viết lại hành trình gian nan này.
Người con lai sinh năm 1952, có cha là lính châu Phi đánh thuê cho thực dân Pháp, mẹ là nữ quân báo. Từ khi biết mình có một nửa dòng máu Việt, lúc nào người con trai Bờ Biển Ngà cũng đau đáu một nỗi đi tìm mẹ. Nhưng biết tìm như thế nào khi mà tất cả những gì anh biết về người mẹ Việt Nam của mình chỉ là dòng chữ ngắn ngủi: “Nguyễn Thị Tám, làng Phương Liệt”.
Sinh ra tại Việt Nam trong chiến tranh, Jansen Morati được đưa về Bờ Biển Ngà từ tuổi lên ba. Suốt 6 năm đầu đời, cậu bé sống trong cảnh sung sướng đầy đủ. Kể từ năm lên 9 tuổi, cuộc sống của cậu biến thành một cơn ác mộng. Cậu bị giam kín bỏ đói, bị đánh đập tàn bạo. Cậu trốn khỏi nhà, trở thành trẻ lang thang.
Trong môi trường luôn phải miệt mài đấu tranh để sinh tồn đó, cậu tuyệt vọng níu lấy chiếc phao cứu sinh tưởng tượng, một điểm tựa: người mẹ, người mà cậu không còn nhớ mặt.
Quyết tâm tìm bằng được người mẹ Việt Nam sinh ra mình dần nảy sinh và được hun đúc trong tâm hồn người con lai. Kiên trì nhẫn lại và bền bỉ, giấc mơ lúc cùng quẫn thời thơ ấu trở thành dự định trong tầm tay của một người trưởng thành.
Jansen Morati đã phải vượt qua 150.000 cây số chia thành 24 chuyến bay theo những hướng tìm kiếm khác nhau. Trong suốt cuộc hành trình qua rất nhiều nơi đầy sóng gió, ông trải qua những thời điểm đau buồn, thể lực và trí lực đều suy kiệt. Tiếng lòng thốt lên từ đây: “Mẹ ơi, hẹn gặp lại Việt Nam”.
Bất chấp những thất bại liên tiếp, Jansen Morati vẫn kiên trì mục tiêu của mình. Phép màu đã xảy ra. Ông tìm lại mẹ mình tại Việt Nam vào ngày 7/5/2002 sau 50 năm xa cách.
Chàng trai người Mỹ lang thang tìm mẹ
Từ đầu năm 2012, nhiều người thấy bóng một chàng trai Mỹ đen có giọng ca buồn ảo não thấp thoáng khắp các đường phố Hà Nội, Quảng Nam, TP HCM để tìm người mẹ ruột và cội nguồn bí ẩn của mình.
Từ khi bắt đầu nhận biết mình tồn tại trên cõi đời này, anh đã thấy mình mang tên Trần Quốc Tuấn và đang sống trong một cô nhi viện của nhà thờ. Như bao đứa trẻ mồ côi khác, anh sống những ngày ấu thơ vô ưu trong vòng tay thương yêu của những dì sơ. Mặc dù có cái tên Việt chính thức trong khai sinh là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1971 nhưng anh vẫn lờ mờ nhận ra gốc gác hai dòng máu Mỹ - Việt của mình qua lời nói của những người xung quanh: "Đó là thằng nhóc lai Mỹ đen".
Cuộc gặp gỡ vui vẻ và cảm động giữa ca sĩ Randy và bà Hai.
Theo chính sách của Viện mồ côi, các dì sơ tìm cho anh một gia đình nhận làm con nuôi. Cuối năm 1975, một gia đình nông dân ở thôn 3, Cẩm Hà (nay là Thanh Hà), Hội An đã nhận nuôi anh. Người mẹ nuôi tên Nguyễn Thị Nữ và cha nuôi tên Nguyễn Húy. Họ có tất cả 7 người con gồm 5 trai 2 gái nhưng không hiểu sao, tất cả những người con trai trong gia đình này đều chết non. Họ xin nhận anh làm con nuôi để khỏa lấp nỗi đau mất con. Dù mang tiếng là con nuôi nhưng anh chỉ được phép gọi mẹ nuôi bằng "thím" và cha nuôi bằng "chú". Nhưng anh luôn tự hỏi mẹ mình là ai và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm mẹ ruột của mình.
Năm 2007, sau nhiều lần thu xếp, anh quyết định về Việt Nam tìm về cội nguồn thật của mình. Nơi đầu tiên anh tìm đến là nhà mẹ nuôi đã hơn 80 tuổi để hỏi thăm một số thông tin về gốc gác của mình.
Mới đây, chàng ca sĩ con lai đã đến Đồng Nai tìm gặp bà cụ tự nhận nhiều khả năng là mẹ đẻ của Randy. Mặc dù còn một số thông tin về ngày tháng năm sinh hoặc cảnh ngộ khi đưa con vào viện mồ côi không khớp nhau, nhưng sau buổi trò chuyện cuối tuần qua, cả hai vẫn quyết định lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN.