Những hoàng đế bủn xỉn nhất thế giới

19:00, Chủ nhật 22/12/2013

( PHUNUTODAY ) - Có một số đấng quân vương cực kỳ tiết kiệm, đến mức bủn xỉn, trong số họ có cả những bậc minh quân.

Trong khi nói về chuyện chi tiêu, các vị hoàng đế vốn thường bị kêu ca, lên án, thậm chí nguyền rủa vì thói xa hoa, phung phí.

Thiên tử mặc áo thô

Hán Văn đế Lưu Hằng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc về tính tiết kiệm, sự tiết kiệm này được ca ngợi là vì dân. Đường đường là thiên tử nhưng thường ngày ông chỉ mặc quần áo may bằng loại vải thô, dày, rẻ tiền màu đen. Lẽ dĩ nhiên hoàng đế ăn mặc giản dị như vậy thì gia đình ông cũng không thể diêm dúa được. Ngay cả một sủng phi của Hán Văn đế là Thận phu nhân cũng thường xuyên bị nhắc nhở là phải ăn mặc giản dị, không được diện những bộ y phục thướt tha dài quét đất.

Long sàng của Văn đế là chiếc giường rất đơn sơ, chăn nệm đều giản dị. Tất cả các loại rèm, màn trướng trong cung đều là loại vải bình thường, không được thêu thùa cầu kỳ gì cả. Suốt 23 năm trị vì, ông vua tiết kiệm này cũng hề tăng số người hầu, xe, ngựa, chó săn… Cung điện, lâu đài, hoa viên cũng khôngđược tu sửa vì ông cho rằng ở thế là tốt lắm rồi.

Có lần, Hán Văn đế định xây một tòa tòa lộ đài (đài hứng sương), bèn sai thợ đến đo đạc, tính toán chi phí. Tính toán xong, đám thợ cho biết công trình sẽ tốn khoảng 100 lạng vàng. Đây là khoản tiền rất nhỏ so với chi tiêu của một bậc quân vương, nhất là vào thời Văn đế quốc thái dân an, không có thiên tai địch họa gì. Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Văn đế vẫn quyết định thôi xây lộ đài, lý do là: “100 lạng vàng đã bằng sản nghiệp của 10 hộ trung lưu. Tiên đế đã để lại cho ta nhiều cung điện, đình đài rồi, ta còn lo không đủ công đức để hưởng, làm ô danh tiên đế, nay sao có thể nghĩ đến chuyện chi nhiều tiền để xây lộ đài này được”.

Văn đế muốn rằng cả cái chết của mình cũng không được gây tốn kém. Nhà vua hạ chiếu rằng, lăng mộ của ông chỉ được trang trí bằng gốm chứ không dùng bạc, vàng, thậm chí không dùng cả đồng, thiếc. Lăng cũng không được xây cao, không được để việc xây lăng ảnh hưởng đến chuyện canh tác của dân.

Mở sâm banh cũng phải có chỉ dụ của hoàng đế

Friedrich đại đế (Friedrich đệ nhị) là ông vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước Đức, một  người văn võ toàn tài, là nhà chính trị và thống lĩnh quân đội kiệt xuất của châu Âu thế kỷ 18. Dưới thời của ông, bờ cõi nước Đức được mở mang và vị thế của nước này tại châu Âu được nâng lên mức chưa từng có.

Làm chủ một cường quốc, Friedrich Đại đế vẫn vô cùng tằn tiện.

Không chỉ giỏi chinh phạt, ông còn biến nước Đức thành một vương quốc phát triển về kinh tế, khoa học, triết học. Friedrich đại đế còn đam mê nghệ thuật và bản thân ông cũng là một nghệ sĩ đa tài: nhà vua giỏi đánh cờ, từng viết rất nhiều thơ và mấy chục cuốn sách, là tác giả của 4 bản giao hưởng và hàng trăm bản xô-nát để thổi sáo – nhạc cụ mà ông chơi rất hay. Friedrich đại đế còn rất am hiểu về kiến trúc và bản thân ông từng thiết kế một pháo đài mang tên Silesia.

Ấy thế nhưng người đứng đầu nước Đức hùng mạnh, giàu có này lại vô cùng tiết kiệm, đến mức có thể nói là keo kiệt, một “đức tính” ông được thừa kế từ người cha, vua Friedrich Wilhelm I. Vị hoàng đế vĩ đại này sống kham khổ, giản tiện tới mức khi ông băng hà, người ta phải lấy chiếc áo sơ mi của một anh lính hầu trong cung để mặc cho ông. Bởi hoàng đế chẳng có bộ đồ nào đẹp, xứng đáng cho một đấng quân vương diện để đi sang thế giới bên kia.

Sinh thời, Friedrich đại đế thường mặc bộ quân phục màu xanh cũ rích có cổ áo màu đỏ, đội chiếc mũ ba sừng cũng cũ kỹ. Đây là một hình ảnh quá sức quen thuộc vì nhà vua có rất ít quần áo thay đổi. Chuyện ăn uống cũng vậy, hoàng đế không muốn chi tiêu nhiều. Chính vì thế mà những người xung quanh cũng không dám xa hoa. Những người trong hoàng gia thậm chí không dám mở một chai sâm banh nếu không có chỉ dụ của hoàng đế. Các vị đại sứ nước ngoài cũng khổ lây vì tính keo kiệt của vua nước Đức bởi mức lương quá thấp.

Hoàng đế nhịn ăn cho đỡ tốn tiền

Vô địch về khoản “vắt cổ chày ra nước” phải kể đến Đạo Quang hoàng đế (nhà Thanh, Trung Quốc). Vị vua này ki bo đến mức bệnh hoạn. Mặc dù ngân khố trở nên dồi dào kể từ khi vua cha tịch thu gia sản của gian thần Hòa Khôn nhưng Đạo Quang luôn miệng kêu khánh kiệt để bắt quần thần tiết kiệm. Bản thân nhà vua toàn mặc quần áo cũ rách, khiến bá quan cũng chẳng dám mặc lành, áo đang mới cũng phải cố đắp thêm vài mụn vá. Vì thế, đứng trên điện nhìn xuống sân chầu, thấy triều thần văn võ chẳng khác gì hai hàng ăn mày đứng chực xin cháo thí, mà hoàng đế chính là bang chủ cái bang. Có điều Đạo Quang không biết, là những ông quan rách rưới kia khi về phủ lại diện gấm vóc, sống xa hoa vô độ bằng tiền bóp nặn của nhân dân.

Trong triều có đại học sĩ Tào Chấn Dung, do bản tính bủn xỉn vô song nên cùng với hoàng đế tạo thành một đôi tri kỷ, hằng ngày nói chuyện vô cùng tương đắc. Một hôm, nhìn hai miếng vá bự tổ chảng trên cái quần rách của Tào học sĩ, Đạo Quang hỏi tiền vá hết bao nhiêu. Họ Tào bảo ba đồng, khiến hoàng đế giật nảy mình: “Trời ơi, cũng hai miếng vá y như vậy, sao phủ nội vụ tính của trẫm những năm lạng bạc?”. Xót quá, hoàng đế liền hạ lệnh cho từ hoàng hậu đến cung nhân đều phải học may vá, để mỗi khi áo ngài bị rách thì có thể xử lý mà không mất tiền.

Ngày ngày vắt óc nghĩ cách giảm chi phí cho hậu cung, cuối cùng Đạo Quang cũng nghĩ ra một giải pháp: bắt cả cung nữ lẫn thái giám ra ngoài kiếm tiền tự nuôi thân, khiến tam cung lục viện vắng như chùa bà đanh. Hoàng đế cũng chả buồn vui chơi giải trí, suốt ngày quanh quẩn ở nhà cho đỡ tốn.

Cắt hết các khoản vẫn cảm thấy chưa đủ tiết kiệm, Đạo Quang cắt xén luôn cả bữa ăn của mình. Nhà bếp khốn khổ vì làm cho hoàng đế món gì, ngài cũng nhờ Tào học sĩ hỏi giá ở hàng quán bên ngoài rồi ỏng eo chê sao trong cung nấu đắt thế. Theo lệ thường, mỗi bữa ăn của hoàng đế chi hết 800 lạng bạc, Đạo Quang thấy như thế quá tốn nên bắt giảm hết trân tu mỹ vị, chỉ còn rau dưa. Mặc dù vậy, mỗi bữa ăn của ngài vẫn hết 140 lạng. Đây là điều khiến hoàng đế đau lòng nhưng không làm gì được. Ngài phải chấp nhận một sự thật là, cùng một thứ đồ ăn, nhưng ở trong cung giá “chát” hơn bên ngoài rất nhiều, nên ngài chẳng dám ăn gì cả vì tiếc tiền. Thậm chí thèm một quả trứng gà, ngài cũng phải kiềm chế vì mỗi quả giá đến 5 lạng bạc.

Có lần thèm quá, Đạo Quang hỏi Tào học sĩ có thích trứng gà không, họ Tào hồ hởi nói ngay: “Dạ có, trứng gà bổ lắm, sáng nào thần cũng phải ăn 4 quả trứng chần”. Hoàng đế kinh ngạc: “Mỗi ngày khanh ăn đến hai chục lạng bạc tiền trứng sao?”. Họ Tào giải thích là không tốn đến thế, vì trứng do gà nhà ông ta đẻ, không phải mua. Đạo Quang nghe vậy mừng quá, bèn sai nội thị ra ngoài mua gà mái đem về nuôi để chúng đẻ trứng cho ngài ăn. Nhưng khi nghe nói mỗi con gà giá 24 lạng bạc, ngài đành chịu nhịn vậy.

Bởi Đạo Quang chi li như vậy nên những người phục vụ ông mất bao nhiêu tiền của mới chạy được chân hầu cận bên hoàng đế, tưởng có thể kiếm chác để bù lại, ai ngờ lỗ chỏng gọng, chẳng xơ múi được gì.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: