1. Có thêm tiền chi tiêu
Đừng nghĩ rằng khi có gia đình đồng nghĩa với việc có 2 nguồn thu nhập thì bạn sẽ không cần lo lắng về tài chính. Lập gia đình đồng nghĩa với việc bạn sẽ về làm dâu nhà người khác với những trọng trách và nhiệm vụ mới như: con dâu, chị dâu, em dâu, cháu dâu… Ở bất cứ cương vị nào bạn cũng phải có một số trách nhiệm nhất định.
Khi yêu, người con gái nào cũng thấy “cuộc đời màu hồng” và không hề lường trước những gì mình phải đối mặt khi đã chính thức thành vợ chồng. Bạn kết hôn không có nghĩa là bạn chỉ lấy anh chàng mà mình yêu mà bạn sẽ phải có trách gánh vác gia đình cùng anh ấy.
Tất nhiên, 2 nguồn thu nhập sẽ tốt hơn là thu nhập của mình bạn nhưng lúc này bạn cũng sẽ phải đóng góp, chi tiêu nhiều hơn, thậm chí còn phải chi cả cho những thứ không phải dành cho mình hay chồng mình. Chính vì vậy, đừng nghĩ rằng kết hôn là một cách giảm bớt áp lực tài chính mà hãy làm sao để cả hai cùng chi tiêu tốt trong cuộc sống gia đình.
2. Kết hôn là hết cô đơn
Khi yêu, ai cũng luôn thấy mong nhớ người yêu mình cho dù không gặp mặt có một ngày. Với những người này thì thời gian bên nhau không bao giờ là đủ với họ. Và họ muốn nhanh chóng kết hôn để chính thức được bên nhau, ở với nhau nhiều hơn, cả ngày lẫn đêm…
Thế nhưng, sau khi kết hôn, nhiều người đã bị “vỡ mộng” vì có ở với nhau, họ mới nhận ra là có nhiều điều cả hai không hợp nhau và hóa ra ở cùng nhau cả ngày lẫn đêm lại khó chịu đến như vậy.
Khi còn yêu, thời gian bên nhau ít ỏi nên ai cũng cố gắng làm vừa lòng người kia. Vì vậy mà những tật xấu được che giấu đi, chỉ “khoe” ra những điểm tốt đẹp. Nhưng sau khi kết hôn, mọi sự được phơi bày và không ít người nhận được sự thất vọng về bạn đời của mình. Và với nhiều bạn gái, điều này khiến cho họ cảm thấy còn cô đơn hơn cả khi đang yêu.
Nhưng kết hôn không phải là chuyện “nay thích mai thôi”, vì vậy, cho dù thất vọng hay thấy cô đơn thì cả hai nên biết cách thay đổi để mọi chuyện trở nên tốt đẹp nhất.
3. Có thể quan hệ tình dục bất kì khi nào
Trước khi kết hôn, chuyện tình dục bị coi là “vượt quá giới hạn”, chính vì vậy các cặp đôi thường giấu giếm chuyện này. Nhưng chuyện gì càng phải giấu thì càng ham muốn. Vì vậy mà không ít cặp đôi chỉ muốn mình nhanh chóng kết hôn để được hợp thức hoặc “chuyện ấy” và có thể “quan hệ” bất cứ lúc nào mà không bị rèm pha, soi mói.
Tuy nhiên, ham muốn và tần số “quan hệ” tình dục phụ thuộc vào khả năng tương thích và sự “hợp tác” từ hai phía. Có những cặp đôi trước khi kết hôn “chuyện ấy” rất hòa hợp nhưng sau khi kết hôn, do nhiều yếu tố tác động làm cho mọi chuyện không như ý nữa, thậm chí cả hai còn không muốn “gần gũi” nhau.
Nếu bạn đã kết hôn chỉ vì nghĩ hôn nhân sẽ đáp ứng mong muốn tình dục của mình nhưng điều đó đã không xảy ra thì bạn sẽ vô cùng thất vọng và mất hết niềm tin trong hôn nhân.
Vậy nên, đừng kết hôn vì bất kì lý do nào, hãy quyết định khi bạn thấy mình đã chín chắn về mọi lĩnh vực.
4. Có con là mọi chuyện sẽ được giải quyết
Nhiều chị em cũng lường trước được một điều là hôn nhân không phải màu hồng và những cãi vã, bất đồng quan điểm, thậm chí ngoại tình, muốn ly hôn… hoàn toàn có thể xảy ra.
Thế nhưng, trong số đó cũng có chị em cho rằng tất cả các rắc rối hôn nhân đó hoàn toàn có thể khắc phục nhờ… con cái. Vợ chồng dù có cãi nhau cũng sẽ phải vì con cái mà nín nhịn, vợ chồng dù không yêu nhau nữa cũng vì con cái mà cố gắng hàn gắn…
Nhưng thực tế thì sao? Cha mẹ thường vì con cái nhưng không phải là tất cả. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ đã xung khắc, căm ghét nhau thì dù có con cái cũng không cứu vãn được tình hình.
Và nếu phải cố sống với nhau thì sẽ làm khổ con cái chứ không phải sống vì con. Vì vậy, trước khi kết hôn, cả hai nên cân nhắc kĩ chứ đừng nghĩ rằng con cái là phao cứu cánh cho sai lầm của mình sau này.
5. Bố mẹ đã "chấm" rồi thì không nhầm lẫn được
Từ xa xưa, việc gả chồng cho con đã là một cơ hội để cha mẹ liên minh với những gia đình có thế lực về chính trị hay kinh tế. Ngày nay không phải không có những bậc cha mẹ lựa chọn thông gia có lợi cho mình. Rất có thể chàng trai mà cha mẹ lựa chọn cho bạn không phải là người mà bạn lựa chọn. Bạn sẽ phải sống suốt đời với một người chồng mà bạn không yêu, dù anh ta “hoàn hảo” trong con mắt cha mẹ bạn và chưa chắc anh ta đã yêu bạn. Nên nhớ, khi tình yêu không có trong hôn nhân, có thể nó sẽ có ngoài hôn nhân.
6. Lấy chồng để sớm ổn định cuộc sống
Họ lấy chồng hết cả rồi. Con họ kháu khỉnh, chồng họ thành đạt và sau khi kết hôn, địa vị xã hội của họ tăng đáng kể. Tất cả những điều đó tạo ra áp lực tâm lý với bạn. Đã thế họ còn giục: “Sao không lấy chồng đi? Già đến nơi rồi!”. Người đàn ông nào xuất hiện đúng lúc này rất dễ làm bạn xiêu lòng và anh ta nhanh chóng trở thành chồng bạn, mặc dù đó chưa phải người mà bạn cần. Vội vã kết hôn rồi lại ly hôn thành ra càng vội lại càng chậm, chưa kể còn dang dở cuộc đời.
7. Xem hôn nhân là cứu cánh thay đổi cuộc sống
Có những cô gái lấy chồng chỉ vì cảm thấy bức bối do cha mẹ kiểm soát quá chặt, muốn thoát khỏi gia đình càng sớm càng tốt. Vì thế, gặp người đàn ông nào sẵn sàng cưới và đưa bạn đến một nơi khác, bạn rất dễ nhận lời. Nếu anh ta lại có một căn hộ riêng, thì có thể bạn còn càng muốn cưới nhanh hơn, dù bạn chưa có công ăn việc làm, chưa có khả năng tự lập, tức là bạn mới trưởng thành về mặt sinh học mà chưa trưởng thành về mặt xã hội. Thông thường, đường đi tắt là con đường mạo hiểm.
Hôn nhân cũng không phải một giải pháp tình thế, khi bạn không thể sống hạnh phúc được một mình nên bạn nghĩ, bạn sẽ hạnh phúc nếu chung sống với ai đó. Do cuộc sống một mình của bạn quá tẻ nhạt, bạn tưởng là lấy ai thì người đó sẽ đem lại hạnh phúc cho mình.
Nhưng, hôn nhân đâu phải phép mầu biến cuộc đời tẻ nhạt của bạn thành đầy ắp niềm vui. Hai nửa hạnh phúc mới có khả năng làm nên một đôi hạnh phúc. Nếu hai nửa tẻ nhạt thì dễ làm thành một đôi tẻ nhạt.
Bạn hãy nhìn xem ngày nay, bao nhiêu phụ nữ đơn thân vẫn đầy ắp niềm vui và bận rộn, luôn thiếu thời gian. Những người như thế cực kỳ hấp dẫn trong con mắt đàn ông. Đó là lúc họ có cơ hội lựa chọn một người chồng sẽ đem lại hạnh phúc cho mình.