Trước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng loại tội phạm bắt cóc trẻ em, gần đây nhất là vụ bắt cóc bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình bị bắt cóc và sát hại, các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang, phẫn nộ.
Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này chủ yếu là lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ nhỏ và sơ hở của người lớn để thực hiện hành vi phạm tội của chúng.
Trước tình hình đó, phụ huynh cần ghi nhớ những quy tắc sau để bảo vệ con khỏi nguy cơ bắt cóc trẻ em:
1. Cảnh giác đối với người lạ
- Khi bế con đi bộ, phụ huynh cần chú ý xung quanh có ai đáng ngờ hay không. Nếu cảm thấy có người cố tình bám theo hay va chạm cơ thể với mình, cầm ôm chặt con hơn và tìm nơi an toàn.
- Không để người già và trẻ nhỏ đi riêng với nhau vì đây là thời cơ dễ dàng hành động nhất đối với bọn bắt cóc.
- Đẩy xe nôi đưa trẻ ra ngoài càng cần phải để mắt hơn vì chỉ cần bố mẹ quay đầu đi, có thể con đã biến mất rồi.
- Trừ người nhà, không nên tin tưởng bất kỳ người nào khi họ cố tiếp cận con mình.
- Dù chỉ 1 vài phút cũng không nên nhờ người lạ trông con hộ.
- Không để mặc con chơi đùa, chạy nhảy còn mình làm việc khác hay đọc báo, chơi điện thoại…
- Hạn chế đưa con đến những nơi đông người, hỗn loạn để tránh con bị lạc hoặc có người lợi dụng đám đông dắt trẻ đi.
- Khi thuê bảo mẫu hay người giúp việc, cần tìm hiểu và nắm rõ thông tin cá nhân của người đó.
2. Bảo mật thông tin cá nhân
- Thông tin cá nhân con trẻ cần được bảo vệ, tuyệt đối không chia sẻ, để lộ thông tin cá nhân như: tên, tuổi, hình ảnh của trẻ, địa chỉ nhà, trường học, những nơi trẻ hay đến… trên mạng xã hội.
- Những thông tin cá nhân của bố, mẹ cũng không nên chia sẻ rộng rãi vì những đối tượng xấu có thể khai thác những thông tin cá nhân của bố mẹ để lừa, dụ dỗ trẻ.
3. Đảm bảo an toàn cho trẻ
- Khi ra đường luôn nắm tay mẹ.
- Ở trường, không ra cổng hay chơi gần hàng rào.
- Không nói chuyện hay cầm bất cứ quà bánh gì từ người lạ.
- Nếu ai nói mẹ nhờ đón con, phải nói người đó gặp cô giáo để cô gọi cho mẹ xác nhận.
- Nếu có cảm giác ai đó theo dõi mình, hãy ghi nhớ mặt mũi, hình dáng kẻ đó. Nếu kẻ đó đi xe, hãy nhớ biển số xe.
- Không để người lạ chụp ảnh.
4. Khi trẻ bị lạc
- Dặn trẻ nếu bị lạc, cứ đứng tại chỗ, không được di chuyển, chạy tìm mẹ. Có thể khóc to để người lớn chú ý. Nếu được người lớn giúp đỡ, lễ phép nhờ họ gọi điện thoại cho con gặp mẹ, phải nghe được tiếng mẹ và theo chỉ dẫn của mẹ.
- Không để ai dắt đi tìm mẹ, đặc biệt là dắt khỏi siêu thị, công viên.
- Con có thể tìm tới gặp các cô chú mặc đồng phục bảo vệ để nhờ họ thông báo tìm mẹ. Giải thích với bé bắt cóc khá đơn giản: nếu không nghe lời mẹ, con sẽ gặp nguy hiểm, sẽ bị kẻ xấu bắt nhốt vào nơi tối. Nếu con sợ bóng tối có thể sẽ không vi phạm.
5. Nếu có điều kiện hãy tập dượt cho trẻ những kỹ năng sau
- Dạy trẻ cách phòng tránh và xử lý khi bị bắt cóc
- Dạy cho trẻ biết “con luôn có thể trở thành đối tượng của kẻ bắt cóc”
- Dạy trẻ nói “không” với người lạ
- Dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của bố/mẹ (người thân nhất) và địa chỉ nhà
- Cùng con xem những phóng sự, video clip mô phỏng về bắt cóc trẻ em
- Dạy trẻ thực hiện nghiêm túc một số nguyên tắc trong gia đình
- Dạy trẻ hét to và phản ứng mãnh liệt
- Dạy trẻ biết cách nhớ thông tin và để lại dấu vết
- Dạy trẻ biết tìm đến những nơi có thể giúp mình