Những trò chơi dân gian mẹ nên dạy con yêu

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Các trò chơi dân gian thường đơn giản, dễ chơi mọi lúc, mọi nơi… và mang lại hiệu quả giáo dục cũng như rèn thể chất và trí tuệ tuyệt vời cho trẻ. Vậy mẹ đã biết những trò chơi nào để dạy cho con yêu rồi?

1. Chi chi chành chành

Trò chơi này giúp trẻ rèn phản xạ nhanh vô cùng từ khi trẻ mới 1 tuổi. 

Cách chơi:

Không cần một sân chơi rộng hay quá nhiều người mà chỉ cần cha/mẹ với con chơi trò này là đủ. Con xòe bàn tay và mẹ giơ ngón trỏ ra, chỉ vào lòng bàn tay con. Lúc này con đọc thật thật nhanh (nếu con chưa đọc được lời mẹ có thể đọc giúp): “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế/ Bắt dế đi tìm/ Ù à ù ập/ Đóng sập cửa vào”. Đọc đến chữ “ập” con nắm tay lại, mẹ rút tay ra thật nhanh. Nếu rút tay không kịp thì mẹ sẽ bị phạt.

2. Dung dăng dung dẻ

Đây là một trò thể dục nhẹ cho các bé từ 3 đến 6 tuổi.

Cách chơi:

Trẻ cao hơn đứng giữa, các trẻ còn lại đứng hai bên, tất cả nắm tay nhau vừa đi vừa đung đưa ra phía trước rồi ra sau theo nhịp bài đồng dao: "Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cửa nhà trời/ Lạy cậu lạy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà  bới bếp/ Ù à ù ập/ Ngồi xập xuống đây". Đến câu “Ngồi xập xuống đây” thì tất cả cùng ngồi xổm một lát, rồi đứng dậy vừa đi vừa hát tiếp bài đồng dao.

3. Oẳn tù tì

Trò chơi rèn tính phán đoán và phản xạ nhanh cho trẻ.

Cách chơi:

Trò chơi có thể tiến hành khi có 2 người trở lên, giơ tay ra và đung đưa theo nhịp câu hát: "Oẳn tù tì, ra cái gì? Ra cái này". Sau đó tất cả người chơi cùng xòe tay theo các hình: chĩa ngón trỏ là dùi, nắm tay là búa, xòe cả bàn tay là lá, chĩa ngón trỏ và ngón giữa là kéo. Người thắng cuộc được tìm ra theo quy tắc sau:  dùi đâm thủng lá; dùi khoan được kéo;  kéo cắt được lá; búa nện được kéo, dùi nhưng bị lá bọc.

4. Thả đỉa ba ba

Đây cũng là một trò thể dục, rèn cho trẻ sự nhanh nhẹn. Trò chơi thể hiện việc qua sông, qua bưng, ruộng... ngập nước. Ở dưới nước có đỉa. Cả nhóm làm sao xuống nước mà đỉa không bắt chước.

Cách chơi:

Trò chơi cần ít nhất 3 người. Trước hết vẽ hai đường song song cách nhau độ 2m (hay qui định khoảng trống nào đó) giả định là sông nước. Một người ra giữa vừa hát vừa lấy tay ra đập nhịp vào vai mọi người: "Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt đàn bà/ Phải tội đàn ông/ Cơm trắng như bông/ Gạo mềm như nước/ Đổ mắm, đổ muối/ Đổ chuối hạt tiêu/ Đổ niêu nước chè. Đổ phải nhà nào/ Nhà ấy phải chịu". Tiếng cuối cùng của bài rơi và người nào thì phải xuống sông làm ‘đỉa’.

5. Rồng rắn lên mây

Đây là trò rèn tính phán đoán cho trẻ.

Cách chơi:
 
Số trẻ chơi có thể từ 8 - 10 trẻ. Một trẻ làm "thầy thuốc" đứng đối diện với những người làm "rồng rắn". Các trẻ khác túm đuôi áo nhau thành " rồng rắn". Trẻ đứng đầu chọn em lớn nhất, khoẻ nhất trong nhóm, "rồng rắn" đi lượn vòng vèo, vừa đi vừa đọc đồng dao: "Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nắc/ Có nhà hiển binh/ Thầy thuốc có nhà hay không?" Sau đó dừng lại trước mặt thầy thuốc".

"Rồng rắn" và "thầy thuốc" đối thoại nhau:

- Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?

- Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con

- Thầy thuốc: Con lên mấy?

- Rồng rắn: Con lên một

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên hai

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên ba

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên bốn

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên năm

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên sáu

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên bảy

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên tám

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên chín

- Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

- Rồng rắn: Con lên mười

- Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu

- Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu.

- Thầy thuốc: Xin khúc giữa.

- Rồng rắn: Cùng máu cùng me.

- Thầy thuốc: Xin khúc đuôi

- Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi.

"Thầy thuốc" đuổi bắt "rồng rắn", người đứng đầu dang tay cản "thầy thuốc", " Thầy thuốc" tìm mọi cách để bắt được "khúc đuôi" (trẻ cuối cùng). Nếu bị bắt thì bạn khúc đuôi bị loại khỏi cuộc chơi. Trò chơi lại bắt đầu từ đầu nhưng giảm đi 1 bạn chơi, cứ chơi như thế đến khi rồng rắn ngắn dần vì mất bạn chơi. Nếu " rồng rắn" bị đứt khúc hoặc bị ngã thì cũng bị thua.

Lưu ý: Khi đối thoại với "thầy thuốc", trẻ có thể không nhất thiết phải trả lời tuần tự từ 1 đến 10 mà có thể trả lời ngắt quãng tuổ cho ngắn thời gian đối thoại. Hoặc lần đầu nghe " rồng rắn" hỏi, " thầy thuốc" có thể trả lời không có nhà, mẹ con rồng rắn lại phải đi tiếp cho đến lúc nào thầy thuốc có nhà thì thôi.

6. Bịt mắt bắt dê

Trò Bịt mắt bắt dê rèn luyện thể chất và tính phán đoán, định hướng cho trẻ.

Cách chơi:

Càng nhiều người tham gia thì trò chơi càng vui. Chia nhóm thành hai đội chơi. Mỗi đội chơi Oẳn tù tì để loại ra 2 người. Hai người đó sẽ chơi Oẳn tù tì tiếp, người thua sẽ bị bịt mắt đi tìm dê, người thắng làm dê. Những người còn lại đứng thành vòng tròn. Người làm dê phải luôn miệng kêu “be, be” và né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt dê. Người làm dê không được chạy ra ngoài vòng tròn, nếu phạm luật sẽ bị bịt mắt. Khi nào người bịt mắt bắt được dê thì thay đổi người khác.

6. Kéo cưa

Trò chơi thích hợp với trẻ độ tuổi từ mẫu giáo trở lên.

Cách chơi:

Hai người ngồi đối diện nhau, cầm chặt tay nhau. Vừa hát vừa kéo tay và đẩy qua đẩy lại trông như đang cưa một khúc gỗ: Lời bài hát là: "Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Ông thợ nào thua/ Về bú tí mẹ". Hoặc "Kéo cưa kéo kíp/ Làm ít ngủ nhiều/ Nằm đâu ngủ đấy/ Người ta lấy mất cưaa/ Lấy gì mà kéo"

7. Mèo đuổi chuột

Trò này cũng giống như một bài thể dục, rèn thể chất cho trẻ.

Cách chơi:

Trò chơi gồm từ 7 đến 10 trẻ. Một trẻ được chọn làm mèo và một trẻ được chọn làm chuột. Tất cả đứng thành vòng tròn, mèo và chuột đứng vào giữa, quay lưng vào nhau. Mọi người quanh vòng tròn tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu rồi hát: "Mèo đuổi chuột/ Mời bạn ra đây/Tay nắm chặt tay/ Đứng thành vòng rộng/ Chuột luồn lỗ hổng/ Mèo chạy đằng sau/ Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo/ Co cẳng chạy theo, bắt mèo hóa chuột".

Khi những trẻ khác hát thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Nhưng mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo thắng khi mèo bắt được chuột, rồi trẻ đổi vai trò mèo chuột cho nhau để chơi tiếp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn