Những trò chơi đơn giản giúp bé thông minh

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đối với các bé, mọi thứ xung quanh đều là đồ chơi, mọi người xung quanh đều là bạn chơi; tuy vậy không phải cha mẹ nào cũng biết cách lựa chọn và hướng dẫn cho bé chơi những trò chơi nhỏ để phát triển trí tuệ bé.

Trong các trò chơi này, bạn là người chơi trước rồi hướng dẫn để bé làm theo nhé. Đảm bảo là cả nhà sẽ rất vui và bé có thêm cơ hội để phát triển trí thông minh đấy.

 Gọi điện thoại

Gọi điện thoại có thể giúp bé phát triển vận động ngón tay và phối hợp động tác giữa mắt và tay.

Bạn chỉ cần chuẩn bị 2 điện thoại đồ chơi cho mẹ và bé. Mẹ vừa đọc số điện thoại (khoảng 3 – 5 chữ số cho bé dễ nhớ) vừa ấn ngón tay lên bàn phím điện thoại để “gọi” cho bé, sau đó mẹ bắt chước tiếng chuông kêu “reng reng”. Bé nhấc điện thoại nói “Alo, ai đấy ạ?” và hai mẹ con bắt đầu nói chuyện qua điện thoại. Những lần chơi sau hai mẹ con đổi vai để bé nhấn số và gọi trước.

trò chơi, bé, điện thoại

Thạch sắc màu

Vừa là trò chơi, vừa là đồ ăn vặt nhiều bé rất thích, thay vì những viên thạch đơn sắc, mẹ hãy thêm chút thời gian để đổ thạch 7 sắc cầu vồng cho bé nhé! Trước khi ăn chỉ cần mẹ nhớ rửa tay bé thật sạch, vậy là hai mẹ con có thể thoải mái vừa chơi vừa học.

Bé sẽ học được bài học về màu sắc, về chất liệu mềm dẻo, rồi khi ăn mẹ có thể dạy bé tách từng lớp thạch ra ăn sẽ rất thú vị. Bạn đừng quên kể cho bé nghe câu chuyện về chiếc cầu vồng đẹp lung linh sẽ xuất hiện sau mỗi cơn mưa nhé, bé sẽ thấy hứng thú hơn mỗi khi trời mưa để được đợi cầu vồng xuất hiện.

Tuy nhiên các mẹ cũng nên lưu ý, khi cho bé ăn món này cần có sự giám sát của người lớn.

 Múc bóng

Múc bóng bé sẽ phát triển vận động ngón tay và bàn tay, giúp bé học cách cầm thìa để chuẩn bị cho bé tự xúc cơm.

Mẹ cần chuẩn bị 2 cái bát (hoặc rổ nhỏ) 1 to 1 nhỏ. Để một quả bóng vào bát to, dùng thìa múc bóng từ bát to sang bát nhỏ rồi múc ngược trở lại. Mẹ làm mẫu cho bé xem trước, khi bé đã thuần thục trò chơi này có thể cho bé cầm bát đổ bóng từ bát to sang nhỏ hoặc ngược lại.

bé, múc bóng, phát triển

Xé và dán giấy

Trò chơi này có lẽ không ít các bậc cha mẹ biết tới tuy nhiên không nhiều người tận dụng được những lợi ích mà nó mang lại trong việc chơi với con.

Không chỉ là trò chơi tốn ít chi phí, việc xé và dán giấy thành những hình khối khác nhau còn giúp bé luyện đôi tay thêm khéo léo, kết hợp màu sắc thêm hài hòa mà nó còn giúp bé luyện trí nhớ rất tốt khi bạn biết cách. Ví dụ bạn có thể cùng bé xếp hình các loại cờ của các quốc gia, xếp đến đâu gọi tên nước đến đó, bé sẽ rất nhớ cờ nào của nước nào sau khi xếp được hình cờ đấy

Vẽ tranh

Với trò chơi này bé có thể phát triển cơ bắp, phối hợp vận động tay – mắt, học cách vẽ các đường thẳng hoặc đường tròn. Bạn có thể dùng màu sáp hoặc bút chì vẽ các vạch thẳng ngắn theo chiều từ trên xuống dưới và nói với bé đó là mưa, tương tự như vậy vẽ thêm hàng rào, bóng bay, ông mặt trời. Nếu bé đã phân biệt được màu sắc thì trò chơi này càng thêm thú vị.

 Xâu chuỗi hạt

Với trò chơi xâu chuỗi hạt bạn giúp bé phối hợp các nhóm cơ tay và mắt, rèn luyện tính kiên trì, khả năng nghe hiểu ngôn từ và bắt chước động tác phức tạp.

Bạn chỉ cần chuẩn bị dây thép và các hạt nhựa (hoặc gỗ) nhiều màu sắc và có lỗ tròn ở giữa, đựng hạt trong rổ hoặc hộp. Một tay cầm hạt, một tay cầm dây thép, từ từ xâu hạt vào dây. Chú ý làm đến bước nào phải giải thích và hướng dẫn từ từ cho bé kịp hiểu. Lần lượt xâu hạt cho kín dây rồi vặn xoắn hai đầu dây giấu vào bên trong. Vậy là được một chuỗi vòng tay hoặc vòng cổ cho mẹ và bé rồi. Hai mẹ con có thể đeo vòng đôi này trong nhà để khoe với bố nhé! Các bé gái chắc sẽ rất hứng thú với trò xâu hạt này đấy.

 Vẽ bàn tay

bé, vẽ bàn tay

Với trò này bé nhà bạn có thể rèn luyện sự phối hợp các ngón tay, bước đầu cảm nhận và học cách cầm bút.

Bạn chỉ cần Xòe bàn tay trái rồi đặt lên một tờ giấy trắng, tay phải cầm bút vẽ viền theo các ngón tay và lòng bàn tay. Khi nhấc tay ra, bạn sẽ có hình vẽ bàn tay trái một cách đơn giản nhất. Sau khi bé vẽ xong, hai mẹ con cùng áp hình bàn tay của mình vào nhau và so sánh xem tay ai to hơn, đẹp hơn nhé!

Trò chơi xếp hình:

Trò này sẽ giúp con bạn rèn luyện năng lực nhận thức không gian, xử lí thông tin, giải quyết vấn đề.

Bạn có thể mua các hình khối nhiều màu, dủ hình dáng, kích cỡ bằng gỗ, hay bằng nhựa về và để trẻ chơi bằng cách xếp chồng lên, hay xếp thành các hình như trong quyển sách xếp hình hướng dẫn. Đây là một trò phổ biến nhất của con trẻ vì trẻ có thể thỏa sức sáng tạo với trò chơi này.

Vẽ tranh bằng 10 đầu ngón tay

vẽ tranh bằng đầu ngón tay, bé, phát triển

Với trò chơi này đảm bảo sẽ tạo hứng thú vẽ tranh cho bé, rèn luyện khả năng tư duy và tính thẩm mĩ.

Cách thực hiện rất đơn giản: Chuẩn bị màu nước pha đậm và giấy trắng. Lần lượt chấm ngón tay vào màu bạn muốn và quệt lên giấy thành những hình đơn giản, như: quả trứng, bóng bay, mây, bông hoa, ông mặt trời, gà con… Hướng dẫn bé chấm màu rồi vẽ theo bạn. Khi màu khô nhớ treo bức tranh của hai mẹ con lên tường để cùng thưởng thức nhé!

Mì nui sắc màu

Cũng là một cách rất thú vị để dạy trẻ về màu sắc, bạn chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản như mì nui và màu thực phẩm để bé chơi với mì. Hai mẹ con sẽ vừa học cách nhuộm màu cho mì, học tên các màu sắc, độ đậm nhạt.

Với các bé lớn, bạn có thể chỉ cho bé cách xỏ vòng từ mì. Với các bé nhỏ hơn, mẹ cùng bé xếp mì thành các hình khối như hình vuông, tròn, tam giác… hay thành hình các con thú; vừa dạy bé về hình khối lại vừa luyện sự khéo léo của đôi tay cho bé.

Trò chơi ám thị

Bằng cách đơn giản bạn đã có thể rèn luyện self-image, hứng thú và động lực làm việc, tâm hồn của con.

Đây là bài học về nuôi dưỡng tâm hồn và trái tim của trẻ nhỏ. Thay vì ta quát mắng và dùng những từ ra lệnh thì hãy dùng những từ ngữ biểu cảm rằng ta sẽ rất vui nếu trẻ làm như thế, hay vỗ tay khen khi trẻ làm việc tốt. Ví dụ như khi trẻ tự đi giày, tự mặc quần áo, tự dọn đồ chơi khi chơi xong, vẽ được bức tranh, đọc xong cuốn sách, giúp ta làm việc nhà thì ta tỏ ra vui mừng khen trẻ, ám chỉ rằng ta rất hài lòng nếu trẻ làm những việc đó.

Trò mê cung/ mê hồn trận

Trò chơi này giúp bé rèn luyện năng lực cầm bút, sự tập trung, xử lí thông tin.

Trên báo cũng hay có trò chơi là tìm đường đến kho báu trong những bức tranh chi chit đường đi. Ta cũng luyện như thế bằng cách mới đầu vẽ 2, 3 đường đến chỗ cần đến, sau đó tăng dần độ khó lên để đố trẻ tìm ra đích đến. Hoặc ban đầu để trẻ vẽ loàng ngoằng, sau đó thì vẽ mê cung theo luật do mình quy định. Trò chơi này sẽ tùy từng lứa tuổi để đưa ra độ khó. Trò chơi này giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng như có cái nhìn bao quát toàn thể, nâng cao ý chí để dẫn đến đích, muốn đến đích phải biết phân tích tình huống, xử lí thông tin.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn