Khái niệm hộ chiếu
Khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (Luật Xuất nhập cảnh) định nghĩa:
Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Hộ chiếu để làm gì?
Theo Luật Xuất nhập cảnh, hộ chiếu được sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Trong các giao dịch, thủ tục hành chính, hộ chiếu được coi là một trong ba loại giấy tờ tùy thân quan trọng bên cạnh Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân. Nếu không có Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, công dân có thể sử dụng hộ chiếu thay thế.
Trường hợp nào được miễn lệ phí làm hộ chiếu (Passport)?
Theo đó, tại Điều 5, Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định về các trường hợp được miễn phí làm hộ chiếu (Passport) như sau:
- Các trường hợp được miễn phí làm hộ chiếu bao gồm:
+ Đầu tiên, khách mời (kể cả vợ hoặc chồng, con) của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hoặc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội mời với tư cách cá nhân.
+ Viên chức, nhân viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của gia đình họ (vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi), không phân biệt loại hộ chiếu, không phải là công dân Việt Nam và không thường trú tại Việt Nam không phải nộp phí trên cơ sở có đi có lại.
+ Bên cạnh đó, trường hợp miễn phí theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
+ Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện công việc cứu trợ hoặc giúp đỡ nhân đạo cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam.
+ Miễn phí đối với trường hợp cấp thị thực, tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam vi phạm pháp luật bị xử lý nhưng không có khả năng tài chính và cơ quan đại diện của nước có công dân không chịu kinh phí hoặc không có cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Việc xác định người nước ngoài ở Việt Nam vi phạm pháp luật bị xử lý thuộc diện miễn phí trong trường hợp này do tổ chức thu phí xem xét quyết định trong từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
- Miễn lệ phí cấp hộ chiếu đối với: Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu và những trường hợp vì lý do nhân đạo.
- Những trường hợp được miễn phí, lệ phí tổ chức thu phí, lệ phí phải đóng dấu "Miễn thu phí", "Miễn thu lệ phí" (GRATIS) vào giấy tờ đã cấp.
Trường hợp nào được hoàn lại phí làm hộ chiếu (Passport)?
Khoản 3, Điều 6, Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định, trường hợp người nộp lệ phí đã nộp lệ phí nhưng không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, tem AB, tổ chức thu lệ phí hoàn trả số tiền lệ phí đã thu khi thông báo kết quả cho người nộp; trường hợp từ chối nhận kết quả xử lý hồ sơ, tổ chức thu lệ phí không hoàn trả số tiền lệ phí đã thu.
Trường hợp người nộp phí đã nộp phí nhưng không đủ điều kiện cấp thị thực và các giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú cho người nước ngoài hoặc từ chối nhận kết quả xử lý hồ sơ, tổ chức thu phí không phải hoàn trả số tiền phí đã thu.
Hộ chiếu có thời hạn bao lâu?
Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:
- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 - 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
- Hộ chiếu phổ thông có thời hạn như sau:
Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn là 10 năm và không được gia hạn;
Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn là 05 năm và không được gia hạn;
Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
- Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Như vậy hiện nay, loại hộ chiếu được sử dụng phổ biến nhất là hộ chiếu phổ thông cho người từ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, hộ chiếu phổ thông cho trẻ em chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm.