Kết hôn với đu quay
Linda Ducharme, đến từ bang Florida Mỹ vừa có đám cưới đặc biệt với một chiếc đu quay khổng lồ mà cô đặt tên là Bruce.
Cô tâm sự: “Tôi có cảm giác rất lạ và rất khó giải thích. Mỗi lần bước lên chiếc đu quay, tim tôi đập rất nhanh, như thể bị nó chi phối. Bruce là cả thế giới của tôi, tôi thường xuyên nghĩ về 'anh ấy'”.
Tại đám cưới, Ducharme đội một chiếc mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, tay nắm cọc dầm, rồi tuyên bố: “Tôi, Linda Ducharme, xin hứa sẽ xem đu quay Bruce là chồng mình, cho tới khi Bruce bị ăn mòn khiến chúng tôi phải chia cắt”.
Kết hôn với cây
Đám cưới giữa diễn viên kiêm nhà hoạt động vì môi trường người Peru, Richard Torres, và cái cây có tên Aliehuen Nehuen diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina.
Tại đám cưới, Torres, người có ngoại hình đặc biệt giống với diễn viên nổi tiếng Jonny Deep, diện một bộ vest màu trắng, trong khi "cô dâu" Nehuen được đeo một chiếc cà vạt.
Sau khi tuyên thệ và trao các món đồ mang tính biểu tượng, Torres trao cho cái cây một nụ hôn để kết thúc hôn lễ. Đám cưới do nghệ sĩ Argentina José María Muscari chủ trì và có rất nhiều người đến chứng kiến.
Mục đích chính của Torres là tuyên truyền nhận thức về môi trường ở khu vực châu Mỹ La tinh. Tại quê hương Peru, anh được truyền thông chú ý khi dành nhiều sự quan tâm và chăm sóc nhiệt tình cho hệ thực vật. Người đàn ông này từng bị bắt vào năm 2012 khi khỏa thân biểu tình việc cắt bỏ các cây xanh trong một công viên.
Anh chia sẻ: "Cuộc hôn nhân này sẽ là mãi mãi và tôi sẽ dành tình yêu cho tất cả các loài cây".
Kết hôn với ngôi nhà hoang
Babylonia Aivaz, đến từ thành phố Seattle, bang Washington, đã quyết đinh tổ chức đám cưới với ngôi nhà hoang cổ hơn 100 tuổi để cứu nó không bị phá hủy. Cô cho biết tình yêu của cô với căn nhà kho bắt đầu từ khi cô và các cộng sự hoạt động xã hội tiến hành biểu tình trong một sự kiện tại đây. Hiện ngôi nhà cũ 107 tuổi này sẽ được tạm dừng phá hủy, vì vậy Aivaz quyết định tiến hành hôn lễ để bày tỏ tình yêu của mình. Cô hy vọng với việc này, cô có thể giữ lại căn nhà.
Nhiều người cho rằng hành động của Babylonia Aivaz thật điên rồ, nhưng trên thực tế hành động của cô là một biểu hiện phản đối việc "thay đổi bộ mặt" nơi cô sinh sống. "Tôi làm vậy để chứng tỏ rằng tôi rất yêu ngôi nhà này, tôi yêu những không gian cộng đồng và cả khu vực nơi tôi sống. Tất cả những gì tôi muốn là ngừng phá hủy các tòa nhà cổ". Cô chia sẻ: "Nếu như các công ty cũng có quyền như con người, thì những tòa nhà cũng vậy".