Người phụ nữ giỏi giang bị trầm cảm sau sinh
Liên quan đến vụ việc mẹ nhốt con gái 11 tuổi trong nhà nhiều năm không cho đi học, không tiếp xúc bên ngoài ở khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), ngày 20/12, trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết, suốt hơn 3 năm kể từ khi biết thông tin chị Trần Thị Hồng N. (SN 1973) không cho con gái đi học, chính quyền địa phương đã hàng chục lần đến động viên nhưng đều nhận được lời khước từ của chị N.
Theo ông Hải, năm 2013, nhận được tin báo của tổ dân phố và cảnh sát khu vực về việc cháu Võ Thu H. (SN 2005) ở tầng 7, tòa nhà chung cư No1A, khu đô thị Linh Đàm, đã 8 tuổi nhưng không được mẹ cho đi học nên UBND phường cùng nhiều ban ngành xuống tận nơi để nói chuyện.
"Chúng tôi đã trực tiếp xuống tận nơi nói chuyện với chị N., động viên chị cho con gái đi học nhưng chị ấy sợ người khác hại con mình nên nhất quyết không đồng ý", ông Hải cho biết.
Thời điểm đó, cháu H. rất xinh xắn, hoạt ngôn và nhanh nhạy. Cháu cũng được mẹ dạy chữ, tính toán nhưng không cho tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, cháu trở nên trầm tính, không nói chuyện với ai, có nhiều biểu hiện chậm chạp. Khi được hỏi "Cháu muốn đi học không?" thì H. đáp lại "Cháu muốn ở nhà với mẹ".
Từng có một tương lai tốt đẹp
Ngày 20/12, PV đã tìm đến căn nhà của hai mẹ con. Qua tìm hiểu, được biết bà mẹ kỳ lạ đó là Trần T. N. (SN 973), con gái 11 tuổi là V.T.H. (11 tuổi)
Vào buổi sáng, chị N và cô con gái ở nhà, tuy nhiên, khi biết có người lạ có ý định vào nhà mình chị xua tay, tỏ vẻ không đồng ý. Mặc dù có sự căn thiệp, hỗ trợ của cảnh sát khu vực nhưng người phụ nữ này vẫn đóng kín cửa.
Kỳ lạ hơn, cả mẹ và con đều để chung một kiểu tóc, đầu trọc lốc như đàn ông. Người mẹ mặt mũi bơ phờ, kém nhanh nhẹn, nói nhảm, liên tục chửi bới. Còn cô con gái nhỏ luôn tỏ vẻ sợ sệt người ngoài, chỉ núp sau lưng mẹ.
Chị Hoài Anh, nhân viên bảo vệ lâu năm của tòa nhà cho hay: “Cả gia đình chị N chính thức về sinh sống ở đây từ năm 2008. Thời gian đầu, chúng tôi chị nói chuyện như người bình thường nhưng dần dần mọi người thấy chị có những biểu hiện lạ, thể hiện thần kinh không bình thường”.
Chị cho biết thêm, gia đình chị N có cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Chồng chị là người Hà Tĩnh, không có công ăn việc làm ổn định. Nhiều lần người dân sống ở đây đã chứng kiến cảnh vợ chồng chị cãi vã.
Trước đây, chị N là nhân viên phiên dịch Tiếng Anh cho đại sứ quán, kinh tế khá. Chị có nhiều năm học tập và công tác ở nước ngoài. Chị lấy chồng năm 2005 nhưng bố mẹ chị không chấp nhận con rể.
Bà Nguyễn Thị Thu H, người dân sống cùng tầng với chị N cho biết: “Trước, con bé quý tôi lắm, hay sang nhà tôi nói chuyện. Tôi nghĩ, cuộc sống gia đình không hạnh phúc là nguyên nhân khiến nó như vậy. Bây giờ, mỗi khi lên cơn, khó chịu trong người thì nó lại la um lên, nhiều khi cả tầng mất ngủ. Khi chúng tôi nói thì cô ấy chửi lại, thậm chí sang tận nhà chửi”.
Hồi còn tỉnh táo, chị kể về quá khứ của mình với bà con làng xóm. Được biết, thời gian chị mang bầu, sinh con đều bị stress nặng do mâu thuẫn vợ chồng.
Sinh con xong, sau 3 năm chung sống, vợ chồng chị chia lìa đôi ngả. Từ đó, hàng xóm thấy chị liên tục chửi bới, gào thét trong nhà. Nhiều lúc chị đánh con để hả giận. Từ ngày bệnh, chị N không còn dám đi xe máy vì sợ ra đường gặp tai nạn.
Hàng xóm cảm thông
Theo những người dân sống tại tòa nhà phản ánh, chị N thường tự lảm nhảm nói nhiều ngoại ngữ khác nhau, có cả những câu chuyện chính trị các nước trên thế giới. Nhưng, nhiều hơn là những câu chửi văng tục, nguyền rủa, chửi đàn ông.
Với những gia đình hay tụ tập ăn uống, chỉ nghe phụ nữ ra vào, nói chuyện cười đùa thì chị N qua tận nhà chửi rủa. Cũng chính vì lý do này mà tại tầng chị sống đã có 2 nhà chuyển đi. Đặc biệt hơn, đàn ông ăn nhậu chị lại không mảy may quấy rầy.
Cả hai mẹ con chị N hiện tại không làm công việc gì, mọi chi tiêu đều nhờ khoản tiền gửi ngân hàng trước đó. Hằng ngày, nước uống, cơm đều gọi người ta đưa đến chứ không tự nấu.
Thỉnh thoảng mẹ con chị lại gói gém quần áo, đi lang thang vài ngày mới về nhà. Không ai biết họ đi đâu. Chị N vốn xuất thân từ tỉnh lẻ, tình cảm giữa chị và bố mẹ đẻ không được tốt từ ngày lấy chồng nên ít về quê.
Chứng kiến hoàn cảnh của chị, bà con hàng xóm ai cũng thông cảm. Mọi người đều chung suy nghĩ, chị N đáng thương hơn là đáng trách. Họ thương con gái chị không được học hành, không có bố mẹ minh mẫn để dạy tử tế.
Cách đây 4 năm, cháu H khỏe mạnh, xinh xắn, nói chuyện lễ phép, hoạt động nhanh nhẹn. Tuy nhiên, hiện tại cháu ngơ ngác, trầm tính, người lớn hỏi cũng không trả lời.
Nói về trường hợp của mẹ con chị H, ông Tạ Văn Hải, Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết cũng nắm được thông tin hoàn cảnh đặc biệt này. Ông cho hay, phía phường đã có nhiều lần góp ý để cháu H được đi học nhưng không được sự đồng ý của bố mẹ.
Ông cho biết thêm, từng có lần chị N nói đồng ý cho con đi học nhưng lại sau đó lại thôi. Lúc tỉnh, chị N luôn nói với hàng xóm có người có ý định hãm hại, bắt cóc con mình. Đó cũng là lý do chị không cho con đi học, tiếp xúc với bên ngoài.
“Trường hợp chị N. có bệnh thì đưa chị đi khám sức khỏe và quan trọng nhất là cho cháu bé đi học. Tuy nhiên, gia đình mẹ đẻ và cả chồng chị N. không hợp tác.” - ông Hải lắc đầu.
Theo ông Hải, chính quyền địa phương chưa có cơ sở pháp lý để cưỡng chế, bắt buộc chị N. đưa con đến trường. Tới đây, phường có kế hoạch cho nhóm học sinh tiểu học đến sinh hoạt ngoại khóa trước cửa nhà chị N. hy vọng có thể tác động đến hai mẹ con chị này.