Nữ đại gia bỏ gia sản trăm tỷ lên núi sống với thú rừng

08:00, Thứ tư 04/11/2015

( PHUNUTODAY ) - Nhiều năm trước, bà từng là một doanh nhân thành đạt, sở hữu một công ty lớn và hàng loạt cây xăng. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng, bà đã từ bỏ tất cả.

Hơn 20 năm trôi qua, “nữ động chủ” ngày ngày tụng kinh niệm Phật, sống hòa vào muông thú, cỏ cây. Cùng thời gian này, bà còn dồn công, dồn của xây dựng, tu sửa hang động hoang vu thành một nơi kỳ thú.

Ám ảnh bởi cảnh đẹp

Mới chỉ nghe qua câu chuyện về "Nữ động chủ" sống cùng bầy khỉ và con trăn khổng lồ nặng cả tạ trên núi Cóc, chúng tôi đã tò mò muốn tận mắt mục sở thị cuộc sống của người phụ nữ đặc biệt này. Đến xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) - địa danh giáp với huyện Lương Sơn, hỏi đường về núi Cóc, ai cũng biết.

Nữ đại gia bỏ gia sản trăm tỷ lên núi sống với thú rừng 11

Cửa hang động trên núi Cóc (Ảnh: PV)

Mọi người chỉ rằng, cứ thấy giữa thung lũng mọc lên quả núi lớn hình con cóc ngồi quay mặt về phía Đông, ấy là núi Cóc. Biết chúng tôi đến thăm, “nữ động chủ” ân cần xuống gần dưới chân núi tiếp đón. Dẫn chúng tôi trèo lên đỉnh núi theo con đường bậc đá dài tít tắp, bà Minh chỉ tay ra bốn hướng mô tả cảnh đẹp chốn thần tiên nơi đây và nhiều giai thoại kỳ bí.

Trước khi chính thức tu hành tại núi Cóc, bà Minh là chủ một doanh nghiệp lớn với nhiều công ty con và hàng loạt cây xăng trên địa phận tỉnh Hòa Bình. Bà có chồng và hai người con, một trai, một gái đều thành đạt. Khi chúng tôi thắc mắc duyên cớ nào khiến bà bỏ lại tất cả để đến núi Cóc dựng chùa, tự nguyện làm người trông nom động thì bà cười giải thích: “Đến đây tôi biết, đây mới chính là nhà của mình".

Bà Minh kể lại cho chúng tôi nghe, chuyện người em họ bên nhà chồng của bà vô tình khám phá ra hang động tuyệt đẹp này sau một lần đi lạc trong rừng suốt 2 ngày đêm. Sau khi thoát hiểm, em chồng bà Minh đã trở về và kể cho nhiều người nghe về một hang động đẹp trên núi Cóc.

Nữ đại gia bỏ gia sản trăm tỷ lên núi sống với thú rừng 7

Cửa miếu- nơi “ông” rắn thường xuống ăn trứng (Ảnh: PV)

Hồi đó, có nhiều người tò mò nên đã kéo nhau về núi Cóc xem. Bà Minh cũng nằm trong số ấy. Chuyện rằng, vào cuối năm 1989, anh Trịnh Viết Bảy người xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), vào rừng kiếm sống chẳng may lạc vào một hang động trên núi Cóc. Những hình thù nhũ đá đã cuốn hút tâm trí người đàn ông này như thể bị thôi miên.

Anh cứ thế khám phá, lần mò trong hang đến khi đèn hết pin. Theo lời anh kể, sau 2 ngày 1 đêm lạc trong động, đói khát, tuyệt vọng, anh ngồi chờ chết. Đúng lúc ấy, anh nghe thấy tiếng cóc kêu và quyết định đi theo hướng phát ra tiếng cóc, thì bất ngờ thấy tia sáng chiếu xuyên qua kẽ rễ cây. Anh phát hiện ra cửa động và thoát chết. Đó chính là cửa động Tiên ở chân núi Cóc ngày nay.

Nữ đại gia bỏ gia sản trăm tỷ lên núi sống với thú rừng 3

“Nữ động chủ” Trần Thị Minh (Ảnh: PV)

Sự việc anh Trịnh Viết Bảy bị lạc, rồi phát hiện ra hang động tuyệt đẹp đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Nhiều người dân ở xã Quảng Bị đã vượt rừng, tìm vào núi Cóc để chiêm ngưỡng những hình thù nhũ đá kỳ ảo. Trong số những người đó có thiếu nữ Trần Thị Minh. Năm 1990, bà Minh cùng mấy cô bạn đạp xe đến xã Liên Sơn, rồi mò vào trong núi.

Mỗi cô mang một chiếc lốp xe, rồi đốt cháy đùng đùng. Vừa vào cửa động Tiên, bà Minh đã nghe thấy tiếng cóc kêu rất lạ. Cứ theo tiếng cóc lần tìm, nhưng tuyệt nhiên không thấy bất kỳ một con nào, chỉ thấy những hốc đá, những hang nhỏ và những vũng nước im ắng. Trong khi mấy cô bạn chỉ coi chuyến đi ấy như cuộc dạo chơi, khám phá bình thường thì Bà Minh lại bị ám ảnh tới mất ăn mất ngủ, không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi tiếng cóc kêu.

Nữ đại gia bỏ gia sản trăm tỷ lên núi sống với thú rừng 2

Bà Minh đang thuyết minh động Cóc cho du khách (Ảnh: PV)

Trong giấc ngủ, bà cũng mơ thấy tiếng cóc vang lên như thể bị mê hoặc, rất nhiều lần bà Minh trở lại, nhưng không đốt lốp xe vì sợ muội ám làm hỏng nhũ đá, mà đốt bằng đèn dầu. Bà kể: “Tôi đã tiêu tốn cả can dầu 20 lít cho niềm đam mê khám phá động Tiên này”.

Nữ động chủ bí ẩn

Cuộc mưu sinh bận rộn sau đó khiến bà có lúc phải gạt đi những ký ức về hang động kỳ bí trên núi Cóc. Để kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình, bà Minh phải đi bán rau, đi buôn bánh mì, mò cua, bắt ốc. “Có lần, tôi mơ thấy bị một con hổ trong hang động đuổi cắn. Tôi sợ quá hét lên kêu cứu thì có một tiếng nói vọng ra từ vách trấn an tôi, bảo tôi rằng con hổ đó sẽ giúp tôi, chứ không làm hại tôi.

Và đúng năm đó, khi họ hàng làm lễ giỗ tổ ở nhà tôi, có một người trong họ đi nước ngoài về, tự nhiên hỏi tôi là có muốn kinh doanh không? Tôi trả lời “có”. Sau đó, ông ấy bảo tôi tìm đất rồi sẽ cấp vốn cho tôi mở cây xăng, đó là vào năm 1994", bà Minh nhớ lại. Cây xăng đầu tiên mở ra rất đông khách, công việc làm ăn thuận lợi.

Sau đó, bà Minh tiếp tục mở cây xăng thứ 2, rồi thứ ba. Bà Minh chia sẻ: "Tôi đang từ người phải đạp xe đạp đi mua từng mớ rau rồi bán lại, giờ đã có thể mua xe kích, rồi xe cúp. Sau đó, tôi mua 1 ôtô, 2 ôtô, rồi 3 ôtô, còn nhà và đất thì nhiều không đếm xuể. Có lẽ thời gian đó, sản nghiệp của tôi phải lên đến hàng trăm tỷ”.

Thế nhưng càng thành công, người phụ nữ này càng nghĩ nhiều về giấc mơ xa xưa. Điều kỳ lạ là, cũng vì tiếng cóc ấy mà bà Minh như được giác ngộ. Trong suốt một thời gian dài, người phụ nữ hiền lành, đôn hậu ấy cứ mải miết đi xây chùa. Bà đã xây, đóng góp tiền bạc, sức lực xây dựng hàng chục ngôi chùa trong vùng và ở nhiều nơi khác.

Nhưng theo bà thì: "Tôi đến đâu dù là xây, hay tu sửa chùa xong thì cũng đi luôn, gần như không bao giờ quay lại nữa. Duy nhất chỉ có ở núi Cóc là tôi bị ám ảnh nhiều nhất. Không hiểu sao, mỗi lần đặt chân đến nơi này, tôi đều có cảm giác đây mới chính là nhà của mình. Đến năm 2000, tôi quyết định bàn giao lại mọi công việc kinh doanh cho chồng con, nguyện đến nơi này thành tâm tu hành".

Đang ngồi tâm sự với chúng tôi, bỗng từ trong hang núi có vài ba con rắn bò ra ăn trứng được bà cúng ở trong miếu. Theo lời cô Hoa - người thường xuyên lên động cho biết: “Đấy là “ông” rắn đấy, tháng nào cũng có vài ngày “ông” ra ngoài ăn trứng, có khi ăn không hết “ông” rắn còn biết lăn quả trứng về tổ làm của để dành”.

Tiếp mạch câu chuyện, “Nữ động chủ” kể: “Vào năm 1990, khu vực này là rừng rậm, với những thân cây to vài người ôm, chẳng có bóng người. Trăn, rắn thì nhiều vô kể, đến giờ tôi vẫn thường xuyên gặp. Có một con trăn rất to, thân bằng cây cau, dài dễ đến 10m, nặng đến cả tạ. Tôi gọi là “ông” trăn.

Tôi gặp “ông” nhiều lần, nhưng chưa bao giờ bị “ông” cắn. Ngày xưa khỉ cũng nhiều nhưng giờ chỉ còn một đàn 7 con. Thi thoảng chúng vẫn về cửa động nô đùa với tôi. Chiều xuống, chúng thường về đền Mẫu. Giờ đông người ra vào nên chúng ở hẳn trên núi, ít xuất hiện hơn”.

Nói về con trăn khổng lồ đó, bà Liên - người dân trong vùng thi thoảng vẫn vào núi thắp hương khẳng định, chính bà cách đây 1 tháng đã giáp mặt “ông” trăn khổng lồ đó. Bà nhìn thấy “ông” trăn phơi nắng trên tảng đá khi bà đang leo lên đền Mẫu. Có thể qua lời kể có sự phóng đại về sự to lớn nhưng chuyện con trăn khổng lồ sống mấy chục năm trên núi Cóc là có thật, nhiều người dân trong vùng đều khẳng định đã nhìn thấy.

Việc bà Minh từ một người bán rau kiếm vài đồng tiền lẻ, trở thành một doanh nhân thành đạt là một hiện tượng lạ của giới kinh doanh thời ấy, thì ngày người phụ nữ này bỏ sự nghiệp đang thời kì đỉnh cao để vào chốn hoang vu tu hành, càng khiến người dân nơi đây thấy kì lạ gấp nhiều lần.

“Gia đình tôi ban đầu cũng ngạc nhiên và mong tôi suy nghĩ lại. Nhưng sau, thấy quyết tâm của tôi cao quá, lại thấy tôi đi xây chùa làm phúc khắp gần xa ai cũng quý nên không ai còn ý kiến gì nữa. Hơn nữa, con cái tôi giờ đã ổn định, trưởng thành. Vì vậy, tôi sẽ dành tâm nguyện thực hiện ý nguyện của mình”, bà Minh nói.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link