Cha mẹ nghèo đừng cố nuôi con kiểu giàu
Là cha mẹ, hầu hết ai cũng thương con, muốn yêu chiều con dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Không ai muốn con chịu khổ, chịu ủy khuất. Tâm lý cha mẹ nhiều khi chịu khổ thay con muốn gánh hết thay con. Có một thế hệ cha mẹ từng lớn lên trong khó khăn và thành công từ khó khăn nhưng khi có con thì lại tìm mọi cách để con sướng, không muốn con phải khổ như mình từng trải qua. Nhiều người đã dành mọi thứ tốt nhất cho con nhưng đến nửa đời sau lại thất vọng khi thấy con đã lớn mà mãi dựa vào mình, không bằng con nhà khác, không tự lập còn oán trách cha mẹ.
Chính vì tâm lý thương con quá nhiều, bảo bọc, dọn đường cho con nên nhiều cha mẹ thay vì dạy con hiểu thực tế và nhìn nhận vào điều cốt lõi thì lại cố gắng trang bị cho con bằng bạn bằng bè mà con không biết rằng thực lực gia đình mình và sự chịu đựng của bố mẹ như thế nào.
![Cha mẹ nghèo đừng giả giàu để nuôi con](https://media.phunutoday.vn/files/content/2025/02/14/day-con-ve-tien-nha-minh-ngheo-1444.jpg)
Cha mẹ nghèo đừng giả giàu để nuôi con
Việc thương con không đúng cách, tạo dựng dọn đường cho con đi đôi khi là sai lầm đẩy con vào ngõ cụt, tự chặn mất cơ hội tự lập của con. Đôi khi cha mẹ cố gồng lên cho con bằng bạn bè, vượt qua khả năng thực tế khiến con trở nên phù hoa và không biết thương lại cha mẹ. Sự hy sinh và tình yêu đó của cha mẹ đôi khi đổi lại là những đứa con lớn lên không hiểu chuyện, luôn lấy bề ngoài để so sánh với bạn bè, không tự tin từ thực chất bên trong, không mạnh mẽ về nội lực, phải dùng sự hào nhoáng bên ngoài để che lấp sự tự ti bên trong. Những đứa trẻ như thế không đủ nội lực..
Có những gia đình điều kiện kinh tế không bằng ai nhưng lại sẵn sàng vay mượn mua những thứ tốt nhất cho con để cạnh tranh với bạn bè trong khi đó thực sự có phương án phù hợp hơn và bớt áp lực hơn.
Cha mẹ làm việc vì mình một phần nhưng vì con cái là nhiều. Nhưng nếu dồn hết cho con sẽ vô tình khiến trẻ chỉ biết tận hưởng và khi rơi vào hoàn cảnh thực sự khó khăn, không thể đáp ứng nữa thì quay sang oán trách cha mẹ, oán rằng vì cha mẹ không có những thứ đó nên con không bằng bạn bằng bè, không thể ngẩng mặt để cố gắng.
Cha mẹ vay mượn cho con bằng bạn bè còn khiến con ảo tưởng về gia đình mình. Sự tự tin là quan trọng nhưng tự tin không dựa trên thực lực và thực tế thì sẽ mong manh. Những đứa trẻ nhà giàu mà có nền tảng, chúng được chu cấp rất nhiều nhưng chúng không quá cần thiết điều đó và chúng không dễ dàng được cho mọi thứ. Và chúng được nhìn thấy cha mẹ vất vả lao tâm khổ tứ như thế nào chứ không chỉ tận hưởng. Còn những gia đình trọc phú thì mới chu cấp cho con vô điều kiện và dễ dàng cho con.
Không giàu thì hãy nuôi con kiểu không giàu?
Một đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó kinh tế nhưng được dạy về nền tảng yêu thương, thấy cha mẹ yêu thương, cố gắng, trân trọng lao động thì chúng cũng sẽ thấm dần điều đó. Cha mẹ đừng nói với con kiểu "không" một cách bất lực vô trách nhiệm, lạm dụng từ chối để con phải thất vọng chán nản.
Nhưng cha mẹ hãy thành thật với con "điều này nằm ngoài khả năng của chúng ta". Và quan trọng nhất không phải không có hướng, cha mẹ nghèo nhưng vẫn cố gắng tìm hướng ra cho con đó là quan trọng. Hãy cho con biết tiền rất quan trọng, tiền rất đáng quý nhưng không phải mọi thứ đều đo bằng trị giá đồng tiền. Không phải cứ chạy theo cứ đắt tiền là tốt. Quan trọng của cha mẹ là có cho con giải pháp không hay chỉ biết từ chối con, chỉ biết nói "bố mẹ không có tiền".
![Nghèo tiền không sợ bằng nghèo phương pháp](https://media.phunutoday.vn/files/content/2025/02/14/cha-me-con-cai-mo-uoc-1444.jpg)
Nghèo tiền không sợ bằng nghèo phương pháp
Cha mẹ tốt là hãy cho con thấy có những việc không nhất thiết phải bỏ ra nhiều tiền mà vẫn vui vẻ hạnh phúc. Làm được điều đó bạn phải là bậc cha mẹ tự tin và có quan niệm đúng về tiền, bạn trân quý tiền nhưng không đổi mọi thứ để có tiền, bạn vượt qua nghịch cảnh với số tiền nhỏ bé của mình.
Ví dụ đêm trung thu họ đi chơi xa xỉ, thì bạn có thể dắt con đi ngoại ô nơi mà con được ngắm trăng thật, trăng không lẫn với ánh đèn phố phường, bạn không mua đèn đắt tiền cho con, thì hãy cùng con làm một chiếc đèn giấy. Khi con không có bộ đồ mới đắt tiền, bạn hãy làm cho bộ đồ của con đặc biệt bằng một kỹ năng đơn giản như tạo thêm một điểm mới lạ trên đó...
Còn trong những thứ thuộc chừng mực nhất định, đừng để con thiếu, đừng quá "kẹt" với con, đừng bắt trẻ con quá tiết kiệm và cũng đừng mang cái nghèo của mình ra bắt con ghi nhớ, bắt con phải "lớn sớm". Cha mẹ đừng khiến con tự ti vì những lời than vãn về sự nghèo của mình nhưng cũng đừng khiến con trở nên phù phiếm. Cha mẹ tốt làm được điều đó thì sẽ khiến con bạn vừa hạnh phúc vừa không chạy theo tiền, nhưng vẫn rất trân quý tiền và đầy tự tin.
Trong nuôi dạy trẻ, cha mẹ cũng cần tránh sự so sánh mình nghèo với gia đình khác sẽ khiến con cảm thấy bất lực và không xứng đáng. Hãy nỗ lực từng ngày và tạo ra niềm vui trong khả năng của mình để con hiểu rằng có tiền sẽ "mua" được còn không có tiền thì chúng ta hoàn toàn có thể làm ra bằng nỗ lực hơn nữa của bản thân.
Đặc biệt khi gia đình không có kinh tế nhưng chúng ta lại bỏ mặc con chỉ để đi lo kinh tế thì con sẽ dễ bị mất định hướng cảm thấy cuộc đời quá mệt mỏi và không còn tình cảm gắn kết. Hãy dành một phần thời gian cho con để phát phát hiện những ưu điểm của con và khen ngợi con nhiều hơn. Nếu trẻ gặp khó khăn khi làm việc gì đó, cha mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ con, bằng cách này trẻ sẽ trở nên tự tin hơn.
Giúp trẻ phân biệt những thứ cần thiết và những thứ nâng cấp sự cần thiết khi con đòi hỏi những món quà trị giá. Đặc biệt bạn cần ghi nhớ nguyên tắc "không cho con những thứ vượt quá khả năng của bản thân ".
Có những cha mẹ nghèo vẫn có con thành công. Có những cha mẹ nghèo, con trở nên hư hỏng. Nên nền tảng nhất không phải từ sự nghèo mà tự nhận thức và ứng xử với chính cái nghèo đó. Kể cả những gia đình giàu có cũng vậy, có những gia đình giàu con cái thành công nhưng có những gia đình giàu một đời còn đời sau lụi, không phải do ai nhiều tiền hơn ai mà do nền tảng giáo dục trong các gia đình đó khác nhau.