Ông Công ông Táo là ai?
Trong quan niệm dân gian, Táo quân gồm 2 ông, 1 bà là thần Đất, thần Nhà và thần Bếp. Người dân quen gọi chung các vị Thần là Táo quân hoặc ông Táo.
Sự tích Táo quân kể rằng Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Hai người có tình cảm mặn nồng nhưng mãi không có con. Theo thời gian, Trọng Cao hay kiếm chuyện để cãi cọ, dằn vặt vợ. Một ngày nọ, Trọng Cao chuyện bé xé ra to, đánh Thị Nhi và đuổi vợ khỏi nhà. Người vợ bỏ đi lang thang và gặp được Phạm Lang. Hai người phải lòng nhau và nên nghĩa vợ chồng. Mặt khác, Trọng Cao khi nguôi giận thì vô cùng ân hận về hành động của mình. Nhớ thương vợ, Cao quyết định đi tìm.
Cao đi ngày này qua tháng khác, hết tiền hết gạo vẫn chưa tìm được vợ nên phải làm ăn xin dọc đường. Một ngày nọ, Cao tình cờ vào xin ăn đúng nhà của Thị Nhi. Lúc này, Phạm Lang đang đi vắng. Nhận ra chồng cũ, Nhi mời Cao vào nhà ăn cơm. Vừa hay Phạm Lang quay về. Sợ chồng nghi oan, Nhi giấy Cáo dưới đống rạ sau vườn.
Đêm đó, Phạm Lang châm lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy vậy, Nhi lao vào muốn cứu Cao ra. Thấy vợ lao vào đống lửa, Phạm Lang cũng chạy theo. Cuối cùng, cả ba bỏ mạng trong đám lửa.
Ngọc Hoàng thấy vậy thương tình nên phong cho ba người làm vua bếp, còn gọi là Định phúc Táo quân. Trong đó, Phạm Lang là Thổ công coi bếp, Trọng Cao làm Thổ Địa coi việc nhà, người vợ làm Thổ Kỳ coi việc chợ búa.
Dân gian tin ràng các vị Táo quân giúp ngăn chặn ma quỷ vào nhà, giữ bình yên cho con người. Vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này sẽ quay lại thiên đình để báo cáo các việc tốt xấu trong năm.
Ông Công ông Táo quay lại trần gian vào ngày nào?
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình sẽ làm lễ cúng để tiền ông Công ông Táo về thiên đình báo cáo các sự việc ở trần gian trong suốt một năm. Ngày này cũng là ngày đánh dấu Tết Nguyên đán đến rất gần. Các gia đình sau khi dọn dẹp bàn thờ cũng sẽ tiến hành dọn nhà cửa, trang trí nhà cửa để đón Tết.
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, Táo quân sẽ về trời và ở lại đó trong vòng 7 ngày, tính từ ngày 23 tháng Chạp. Do đó, đến ngày 30 tháng Chạp, các Táo sẽ quay trở lại trần gian để tiếp tục nhiệm vụ cai quản nhà bếp. Vì vậy, lễ đón ông Công ông Táo thường được thực hiện vào ngày 30 Tết (hoặc ngày 29 Tết với các năm thiếu).
Có người cho rằng nhân gian chỉ biết rõ ngày ông Công ông Táo phải lên chầu trời chứ không nắm chính xác ngày các vị thần trở lại trần gian. Ngày quay trở lại của các vị thần được cho là phụ thuộc vào công việc cụ thể mỗi năm, khi nào Ngọc Hoàng cho bãi triều thì về. Có thể đây chính là lý do các gia đình thường chỉ có lễ tiễn Táo quân về trời chứ không nhiều nhà làm lễ đón các vị thần này, thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến việc khi nào Táo quân quay lại.