Tờ Dân Việt đưa tin, ông Nguyễn Tài Thiệp ở làng Liễu Nội (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) năm nay đã 79 tuổi nhưng vẫn giữ tình yêu “xanh mướt” với người vợ đã mất từ 9 năm trước. Người dân khâm phục tình yêu của ông Thiệp, họ cho rằng đó là một tình yêu hiếm có.
Clip: Cận cảnh khu vườn tình yêu của ông lão "soái ca" (Nguồn: Dân Việt).
Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, ông vẫn đều đặn ra mộ phần người vợ quá cố 3 lần một ngày, thắp hương, chăm sóc vườn cây và trò chuyện với người vợ đã ở thế giới bên kia.
“Tôi thương vợ tôi lắm, cả đời vì chồng vì con. Người phụ nữ bỏ tiền để cưới tôi vì ngày đó nhà tôi nghèo, bà dám chi tiền ra để lấy chồng, nay bà mất đi, ngày nào tôi cũng thắp hương với ý nghĩa sẽ trọn đời vì người vợ này, kể cả lúc sống hay lúc chết”, ông Thiệp chia sẻ.
Ông Thiệp kể về lý do dựng khu vườn tình yêu: "Khi sống, bà ấy rất thích cây cối, hoa quả và mơ ước có một khu vườn nhưng do đất chặt hẹp, mơ ước đó không thành. Chính vì vậy tôi dựng lên cả một khu vườn đầy hoa thơm, trái ngọt xung quanh nơi yên nghỉ của vợ để thỏa ước mơ của bà ấy, hằng ngày tôi ra trò chuyện với bà ấy như những ngày còn sống".
Sau bốn năm cần mẫn gieo trồng, "khu vườn tình yêu” mà ông tặng bà tứ bề xanh ngắt. Cây nào khi sống bà đặc biệt thích thì ông cắm biển rồi nắn nót ghi rõ là tặng vợ, tặng em nhân ngày nọ, ngày kia. “Cây nào cũng gợi cho tôi những kỷ niệm với bà ấy”, ông Thiệp thổ lộ.
“Dân trong làng thích nhất là vườn thuốc của tôi đấy. Nhiều thứ cần mà không biết tìm đâu, cứ ra đây là có hết, tôi đặt tên là “vườn làm phúc cứu người” mà”, ông Thiệp nói.
Điều khiến nhiều người cảm động hơn đó là trên phần mộ của bà Bùi có có tấm bảng gỗ ghi 4 câu thơ ông tặng vợ trước khi mất: “Chữ tình cùng với chữ duyên/ Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền/ Bây giờ cách trở âm dương/ Sau này sum họp lại chung một mồ”.
Ngày vui qua mau
Từ nông trường Mộc Châu về quê nhà nghỉ hưu năm 1987, ông cố gắng bù đắp cho bà những thiệt thòi bởi bao năm xa vắng.
Người ta bảo bát đĩa còn có lúc xô, vợ chồng khó tránh khỏi những lần to tiếng nhưng vợ chồng ông thì khác. Những người sống xung quanh nhà ông chẳng bao giờ thấy vợ chồng ông to tiếng dù chỉ một lời.
Sau này có tuổi, con cháu đầy nhà nhưng ông bà vẫn “gọi anh, xưng em” ngọt ngào, tình tứ.
Về hưu nhưng ông vẫn cố gắng lao động để giúp vợ con cải thiện kinh tế gia đình. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, trời chưa tỏ thì ông đã kẽo kẹt xe đạp thồ bao đinh nặng mấy chục cân đi bán khắp Bắc Ninh, Thái Nguyên.
“Sáng sớm đi thì tối mịt tôi mới về. Cứ về đến ngõ là tôi đã thấy bà ấy ra đón rồi”, ông Thiệp nhớ lại “những ngày xưa thân ái”.
Mặn nồng với nhau được ngót hai chục năm thì bà vướng vào trọng bệnh. Khi ấy, ông chẳng rời bà nửa bước. Suốt ngày quanh quẩn bên vợ, chăm cho bà từng li từng tí.
Các con ông khá giả muốn thuê người chăm sóc mẹ nhưng ông gạt phăng. Ông bảo, chỉ tự tay mình làm ông mới thấy an tâm.
Thu năm 2008, ông thấy có những dự cảm chẳng lành. Ba ngày trước khi mất, bà bảo bà muốn ở bên ông muôn kiếp. Nghe bà nói vậy, nước mắt giàn giụa, ông bảo, ông cũng muốn mãi mãi bên bà.
“Tôi nói với bà ấy rằng nếu bà không may mắn mà đi trước thì tôi cũng sẽ làm mộ đôi để được sống chết có nhau”, xúc động ông nhớ lại.
Đêm ấy, có lẽ bởi sợ cảnh chia lìa mà những đầy nước mắt đã tự hiện về trong tâm trí ông. “Chữ tình cùng với chữ duyên; Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền; Bây giờ cách trở âm dương; Sau này sum họp lại chung một mồ” .
Đọc cho bà nghe những lời trái tim ấy, ông thấy bà cười dù mắt ngân ngấn nước.
Bà mất, ông thấy tim mình héo hắt. Ông vốn vui tính, dí dỏm nhưng từ ngày bà không còn thì chẳng ai thấy ông cười, ông nói.
Bà được an táng ở đồng xa nhưng cứ hễ khi rảnh là ông lại lụi cụi lên thăm. Mồ bà ông chăm không có lấy một cọng cỏ. “Mãi đến năm 2013, khi bà ấy được đưa về đây thì vợ chồng tôi mới được ở bên nhau đấy”, ông chia sẻ.