Trưa 18/5, bác sĩ Trương Văn Huy (trưởng khoa Đông y, bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết bệnh viện vừa lấy ra một con sán xơ mít dài hơn 10m từ cơ thể của một nam bệnh nhân 35 tuổi.
Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng bụng bị đau dữ dội. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã phát hiện trong người bệnh nhân có sán xơ mít ký sinh.
Trong vòng hơn tháng trở lại đây, bệnh viện này đã xổ thành công 3 ca bệnh liên quan đến sán xơ mít kí sinh. Trước anh L. là một trường hợp bệnh nhân ở Đà Nẵng nhập viện và được xổ lấy ra con sán dài hơn 8m, và trường hợp một cụ bà bị sán xơ mít dài 5m ký sinh trong cơ thể.
Tương tự, ngày 29/4, Bác sĩ Trương Văn Huy, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, bệnh viện vừa xử lí thành công con sán xơ mít có chiều dài lên tới hơn 8 mét kí sinh trong người bệnh nhân gần 2 năm nay.
Trước đó, ngày 28/4, anh Đinh Văn Ph. (30 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, mặt mày tái nhợt.
Qua xét nghiệm, các bác sĩ kết luận anh Ph. bị nhiễm sán xơ mít và ngay lập tức cho uống thuốc xổ. Đến 11h30 trưa 29/4 thì bệnh nhân đi ngoài ra một con sán xơ mít còn sống và chiều dài đo được hơn 8 mét.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Phòng khám Quốc tế Ánh Nga, chuyên khoa Ký sinh trùng cho hay, bệnh giun sán hiện có rất nhiều loại, trong đó có các loại hay gặp ở Việt Nam là sán lá gan lớn, giun đầu gai, giun lươn, giun đũa chó/mèo (sán chó), amíp, sán máng, sán gạo heo và sán lá phổi (Paragonimus).
Khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng không phát triển ngay thành những con giun nhỏ, mà tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, hình thành những khối u di chuyển được trong da và mô mềm, thường xuất hiện ở mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng…
Khối u này dần chuyển thành một nốt nhỏ hoặc một khối phù nề, gây ra những tổn thương đối với hệ thần kinh trung ương như làm rối loạn tri giác, liệt nửa người, hôn mê.