Tự Đức là một trong những vị vua hay chữ bậc nhất sử Việt, có nhiều giai thoại thú vị. Do bị bệnh từ nhỏ, cơ thể ốm yếu, ông là vua duy nhất của triều Nguyễn không có con nối dõi, dù ông có tới hơn 300 vợ.
Tự Đức (1829-1883) là vị vua thứ tư của triều Nguyễn, là con trai vua Thiệu Trị. Trị vì đất nước trong 36 năm (1847-1883), ông là vị vua ngồi trên ngai vàng lâu nhất trong số 13 đời vua của triều Nguyễn.
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, Tự Đức là người chăm chỉ, cần mẫn, nhân từ, luôn hết lòng vì nước, vì dân.
Sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn kể rằng, một hôm rảnh việc nước, vua Tự Đức đi săn tại rừng Thuận Trực (Kim Long), gặp nước lụt không về được, trong khi chỉ còn hai ngày nữa có kỵ vua Thiệu Trị. Thấy vua chưa về, Đức Từ Dũ nóng ruột, phải sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước.
Biết làm thái hậu lo lắng nên sau khi về đến cung lúc nửa đêm, nhà vua vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng.
Vua Tự Đức bèn lấy cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ”.
Sau khi rời cung, ngay trong đêm ấy, vua đã thức rất khuya tại điện Cần Thành để thực hiện những điều mẹ dạy.
Sinh thời, vua Tự Đức rất coi trọng những lời khuyên bảo của thái hậu Từ Dũ. Những lời mẹ dạy đều được vua ghi vào sách Từ huấn lục. Suốt 36 năm làm vua, ngày lẻ thì vua nghị triều bàn bạc việc nước với quần thần, còn ngày chẵn vào chầu thái hậu.
Với tình cảm đặc biệt dành cho mẹ mình, Tự Đức được xem là ông vua hiếu thảo bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Tự Đức là vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn. Theo một số tài liệu, sinh thời, vua sáng tác tới hơn 4.000 bài thơ. Giỏi văn chương, làm việc siêng năng nhưng trái với giai đoạn trước, triều Nguyễn dưới thời Tự Đức ngày càng suy yếu. Chính trong thời kỳ trị vì của mình, Tự Đức đã để đất nước ta rơi vào tay thực dân Pháp.
Mất nước và không có người nối dõi được xem là những tội lớn của vua Tự Đức. Chính ông đã thừa nhận điều này trong tấm bia do chính vua dựng trước lăng của mình.