Petrolimex hờn dỗi bỏ độc quyền, người dân cảm tạ

06:50, Thứ ba 17/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sự hờn dỗi của Petrolimex lúc này chẳng khác nào câu chuyện của VNPT hơn 10 năm trước. Kết quả là người dân Việt Nam hiện nay đang sử dụng dịch vụ viễn thông với mức giá rất cạnh tranh so với mặt bằng thế giới.

Từ trước đến nay,  người dân thường xuyên phải bức xúc với giá xăng dầu. Ai đời Petrolimex cứ một mình một sân, giá xăng dầu thế giới có tăng hay giảm, giảm ít hay giảm nhiều nhưng mỗi khi thấy lỗ là Petrolimex lại viện cớ nọ cớ kia xin tăng giá xăng dầu để bù lỗ.

Ấy thế mà tiền hoa hồng cho cửa hàng vẫn đủ không thiếu đồng nào, có khi lại tăng lên giữa những khốn khó của người dân hàng ngày chạy vài chục cây số đi làm kiếm đồng lương còm cõi. Rồi quỹ bình ổn sắp hết, phải bù vào không thì sau này giá xăng dầu thế giới lỡ hắt hơi thì người dân Việt hãy coi chừng. Mà phải nói thêm rằng, quỹ bình ổn là gì, chẳng phải thuốc thần hay ma thuật bình ổn giá, chẳng qua là người dân ta gửi trước tiền vào, nếu Petrolimex có muốn tăng giá mà chưa thấy tiện thì rút tiền ở đó ra bù vào.

Suốt ngày than lỗ, ấy vậy mà trong báo cáo 6 tháng đầu năm Petrolimex lại lãi khủng tới mức khiến nhiều người phải sợ. Gần 900  tỷ đồng tiền lãi trong đó tiền lãi từ kinh doanh xăng dầu ước tính đạt gần 400 tỷ. Dư luận lại đặt câu hỏi vì sao Petrolimex lãi lớn thế trong khi người dân quằn quại với khủng hoảng mọi thứ đều leo thang?

Trước áp lực từ dư luận, Petrolimex đã hờn dỗi, sự hờn dỗi của một cô gái đẹp mười tám, đôi mươi. Trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimnex cho biết ông cảm thấy quá mệt mỏi. Ông nói rằng: "Thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng là như thế. Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích".

Đấy, Petrolimex mệt mỏi lắm rồi. Theo cái suy nghĩ của doanh nghiệp này, với thị phần của Petrolimex trên thị trường lên đến 50%,  nếu Petrolimex mệt mỏi thì người dân tha hồ mà dắt bộ bao nhiêu km nếu không may hết xăng giữa đường. Đừng tưởng ai cũng có thể kinh doanh ở cái đất người dân suốt ngày ca thán này nhé. Mà người dân nghèo đi đâu phải lỗi của Petrolimex, doanh nghiệp này chỉ tăng giá xăng chứ có điều hành chung cho các mặt hàng đầu mà cái gì tăng giá cũng đổ lỗi cho xăng dầu.

Xin Petrolimex cứ hờn dỗi

Ngẫm lại việc Petrolimex hờn dỗi, chúng tôi lại nhớ đến câu chuyện của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) năm nào. Những năm đầu 2000 VNPT như một đế chế về công nghệ viễn thông ở Việt Nam. Với hệ thống hạ tầng hùng hậu nguồn vốn dồi dào, VNPT cũng làm mình làm mẩy với người tiêu dùng. Còn nhớ ở thời điểm Vinaphone con đẻ của VNPT lên sóng những năm đầu tiên, VNPT coi khách hàng của mình chỉ là một số thuê bao và thích đòi tiền trước, đòi tiền sau thì tùy thích. Nếu không VNPT cũng dọa đóng cửa thuê bao. Lúc đó người tiêu dùng phải chiều theo VNPT. Họ đòi tiền trước trả trước, họ thích thu cước bao nhiêu thì người dân phải trả bấy nhiêu. Không có tiền nộp thì cắt dùng. Số phận người tiêu dùng chẳng khác nào người đi mua xăng bây giờ. Thích thì mua không thích thì đi  bộ. 

Rồi một ngày VNPT dỗi. Thế độc quyền viễn thông được xóa bỏ. Biết bao nhà mạng mới ra đời như Viettel, EVN, Sphone. Dù hai mạng EVN và Sphone đã bị loại khỏi thị trường nhưng thế độc quyền viễn thông cũng không còn. Người ta bắt đầu thấy sự đi xuống của VNPT thay vào đó là sự phát triển vượt bậc của Viettel.

Sự ra đời thêm của nhiều nhà mạng, người tiêu dùng từ một số thuê bao không tên tuổi đã trở thành một khách hàng thực sự, giá cước viễn thông đã giảm hơn trước. Người tiêu dùng thoải mái sử dụng dịch vụ của mình. Sáu tháng đầu năm 2013, doanh thu của Viettel đạt 72.638 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu của VNPT chỉ đạt 54.255 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ nhiều khả năng năm nay VNPT lại tiếp tục thua xa người em sinh sau đẻ muộn của mình.

Sự hờn dỗi của Petrolimex lúc này chẳng khác nào câu chuyện của VNPT hơn 10 năm trước. Nếu Petrolimex thực sự mệt mỏi muốn mang tiền đi kinh doanh mặt hàng khác thì người dân chúng ta cũng đừng ép uổng. Rồi sẽ có những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gánh vác cùng công việc Petrolimex như Viettel, Vietnam Mobile đang gánh thị trường viễn thông cùng VNPT bây giờ. Kết quả là người dân Việt Nam hiện nay đang sử dụng dịch vụ viễn thông với mức giá rất cạnh tranh so với mặt bằng thế giới. Người tiêu dùng cúi xin Petrolimex cứ hờn dỗi mà rút vốn khỏi kinh doanh xăng dầu. Được vậy, chúng tôi xin chân thành cảm tạ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: