Ngôi mộ nằm sâu 17m dưới lòng đất
Khi đang làm việc trên công trường dưới chân núi Tương Cương, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông thì một người công nhân đã bị sa chân vào một cái hố. Rất may là người công nhân này không bị thương và nhanh chóng được kéo lên. Anh kể lại bên dưới hố có một cái vạc đồng rất lớn. Hiểu rằng đây là một ngôi mộ cổ, đội xây dựng nhanh chóng báo cáo với Phòng Di tích văn hóa thành phố Quảng Châu.
Sau khi tiến hành khai quật người ta phát hiện ra rằng ngôi mộ nằm sâu 17m dưới lòng đất, được xây dựng bằng những phiến đá khổng lồ. Lăng mộ có tổng cộng 7 phòng, tường cao tới 12m. Trên tường có những bức bích họa vẽ thần Mặt Trời và Mặt Trăng.
Một điều may mắn là lăng mộ chưa từng bị cướp phá. Bên trong còn nguyên vẹn 10.000 di tích văn hóa như bình đồng, đồ gốm, đồ sơn mài,… Cánh cổng được làm bằng đá rất dày và nặng. Ngoài ra còn có 15 bộ xương người bị tuẫn táng theo (các thê thiếp và nô bộc) cho thấy chắc chắn đây là mộ của một vị vua.
Sau khi tìm thấy một chiếc ấn, các nhà khảo cổ xác nhận chủ nhân của lăng mộ là vị vua thứ hai của nhà Triệu là Triệu Văn Vương. Triệu Văn Vương húy Triệu Mạt là cháu đích tôn của Triệu Đà và là con trai của Triệu Trọng Thủy, lên ngôi năm 137 TCN.
Thi thể của Triệu Văn Vương nằm trong bộ áo tang ngọc y dài 1,73 mét, được làm từ 2291 miếng ngọc bích, chỉ lụa và vải lanh. Ngọc y là trang phục mai táng cao cấp nhất dưới thời nhà Hán, chỉ được dành cho những người thân phận cao quý với niềm tin mê tín rằng ngọc bích có tác dụng bảo quản xương cốt, giữ cho cơ thể người chết toàn vẹn và chờ cơ hội tái sinh.
Không chỉ vậy, bên trong lăng mộ còn có rất nhiều ngọc bích, những thanh kiếm khảm vàng, bộ chuông đồng và hàng ngàn bảo vật gây choáng ngợp.
Triệu Văn Vương có phải con của Mỵ Châu – Trọng Thủy?
Là người Việt Nam hẳn bạn biết đến mối tình đầy oan nghiệt của Mỵ Châu – Trọng Thủy. Mỵ Châu vì quá yếu và tin chồng nên trở thành kẻ bán nước. Trọng Thủy vì làm tròn chữ hiếu mà phụ tấm chân tình của Mỵ Châu. Kết cục cả 2 đều chết một cách bi thảm.
Năm 204 TCN Triệu Đà lập nên nước Nam Việt. Vốn dĩ Triệu Đà là một cựu tướng lĩnh trong quân chế của Tần Thủy Hoàng. Thế nhưng sau khi nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà dùng kế sách mềm mỏng với nhà Hán bằng cách tự xưng vương, không xưng đế.
Vì Trọng Thủy qua đời trước cha là Triệu Đà nên con trai Triệu Mạt được chọn làm vị vua kế vị Nam Việt. So với Triệu Đà, Triệu Văn Vương được đánh giá thấp hơn. Ông trị vì nước Nam Việt trong 12 năm, luôn giữ ước với nhà Hán, muốn lấy nghĩa để cảm nước láng giềng, đánh lui địch, yên biên cảnh.
Trước câu hỏi mẹ của Triệu Văn Vương có phải Mỵ Châu không, chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời chính xác. Không có nhiều tài liệu cho biết mẹ của Triệu Văn Vương là ai.
Trong cuốn "Thiên Nam ngữ lục" - tác phẩm khuyết danh viết bằng chữ Nôm ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII, lại ghi rằng Mỵ Châu có một người con trai. Cậu bé này rất được ông ngoại là An Dương Vương yêu quý, vua còn dự tính sau này sẽ truyền ngôi vị cho cháu. Tuy nhiên cậu bé này đã được Trọng Thủy đưa theo về nước khi lấy lý do thăm cha mẹ, lại tỏ ý rằng đề phòng có người nối dõi dòng họ mình lỡ xảy ra chuyện can qua.