Theo kết quả mới được công bố, một trojan đặc biệt nguy hiểm có tên gọi Cloudsota đã được cài đặt sẵn trên ít nhất 30 loại thương hiệu máy tính bảng Trung Quốc từ các nhà sản xuất ít tên tuổi.
Phát hiện mã độc trong 17.000 máy tính bảng giá rẻ Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu cho hay, Cloudsota có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc và được cài đặt đi kèm phần mềm quảng cáo, phần mềm độc hại và sau đó lặng lẽ gỡ bỏ bất kỳ ứng dụng chống virus nào mà người dùng cài đặt trên máy tính bảng. Một trong những cách thức hoạt động của trojan này là tự bật các quảng cáo dạng pop-up xuất hiện trên màn hình gây khó chịu.
Nó cũng có thể thay thế hình ảnh khi khởi động, ảnh nền, thay đổi trang chủ trình duyệt để chuyển hướng kết quả tìm kiếm phục vụ cho việc quảng cáo. Nguy hiểm hơn khi các máy tính bảng đi kèm phần mềm độc hại có thể khóa thiết bị ở chế độ "demo" và dòng chữ Demo màu đỏ cỡ lớn hiển thị ở giữa màn hình.
Đặc biệt, khi loại trojan này được nhúng thẳng vào hệ điều hành nên rất khó để xóa bỏ triệt để. Chỉ cần reset lại máy, mã độc hại lại có thể xuất hiện trở lại. Nhiều người dùng đã phàn nàn vấn đề này trên các diễn đàn hỗ trợ Android.
Phần lớn các loại máy tính bảng giá rẻ có mã độc này đều được bán trên hệ thống của Amazon tại một số quốc gia như Anh, Mỹ, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Cheetah Mobile Security Lab ước tính có khoảng 17.233 máy tính bảng nhiễm trojan Cloudsota đã được bán. Con số này có thể tăng lên khi sắp tới mùa mua sắm dịp Giáng sinh.
Dựa trên các số liệu nghiên cứu được công bố, International Business Times đưa ra danh sách một số nhãn hiệu cần tránh mua, đặc biệt là trên Amazon bao gồm Fusion5, Tagital, Rockchip, Yuntab, WonderMedia, Allwinner, SoftWinners, JYJ, JEJA và NATPC.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các thiết bị di động có xuất xứ Trung Quốc bị “tố” cài đặt sẵn mã độc và các phần mềm gián điệp trước khi xuất xưởng. Hồi tháng 3/2014, một nhà nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky cũng phát hiện ra một công ty sản xuất điện thoại tại Trung Quốc có tên gọi Goohi cũng cho ra mắt smartphone được cài đặt sẵn nhiều ứng dụng, trong đó có ứng dụng với chức năng hoạt động tương tự như mã độc Uupay.D. Nó có khả năng thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Đến tháng 6/2014, chuyên gia của hãng bảo mật G Data tiếp tục phát hiện thấy mã độc cài đặt sẵn trên chiếc smartphone Star N9500, một “phiên bản nhái” của Galaxy S4 được một hãng điện thoại tại Trung Quốc sản xuất.
Gần đây nhất, hồi tháng 3/2015, Xiaomi, một tên tuổi lớn của thị trường smartphone Trung Quốc cũng bị phát hiện thấy cài đặt sẵn phần mềm gián điệp trên chiếc smartphone Xiaomi Mi 4 rất phổ biến của hãng này.
Cuộc trò chuyện cảm động của cha con gốc Việt về khủng bố Paris (Xã hội) - (Phunutoday) - Đoạn video ghi lại cuộc trò chuyện cảm động của 2 cha con người Pháp gốc Việt về vụ khủng bố Paris đang được lan truyền chóng mặt. |