Chữa bệnh với chè xanh:
Ăn không tiêu, đầy bụng: Lá chè, bột sơn trà (sao), đường đỏ, mỗi thứ 10g, đổ nước sôi vào hãm, khoảng 15 phút sau là uống được. Uống thay trà hàng ngày. Dùng 3 - 5 ngày.
Chữa cảm sốt: Lá chè 3g, muối ăn 1g, hãm nước sôi uống 4-6 lần trong một ngày, dùng trong trường hợp cảm sốt, ho có đờm vàng, đau họng. Nếu cảm sợ lạnh, ho có đờm trắng thì dùng 3g lá chè, 3 miếng gừng đem hãm với nước sôi uống.
Hỗ trợ điều trị viêm lợi: Lá chè 30g, rau rệu phơi khô 50g, rau má 30g, lá đinh lăng 30g. Sắc nước uống trong ngày. Dùng 3 - 5 ngày, có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, thanh nhiệt.
Chữa bỏng nhẹ: Lấy một nắm lá chè sắc nước đặc, để nguội ngâm vết bỏng hoặc dùng vải mỏng nhúng vào nước chè nguội rồi đắp vào chỗ bỏng, mỗi lần 10 - 15 phút, ngày làm 2-3 lần sẽ làm dịu đau, tránh phồng da, chóng lên da non.
Nước ăn chân: Lá chè già 400g, phèn chua 60g, sắc lấy nước đặc, để nguội bôi vào vùng da bị nước ăn chân, ngày 2 - 3 lần, bôi đến khi khỏi.
Da bị nẻ: Trước khi đi ngủ lấy một nhúm chè, nhai nát, nhuyễn thì đắp vào chỗ nẻ, rồi lấy băng buộc vào, sáng hôm sau thì bỏ ra.
Nhiệt miệng: Lá chè có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm nên thường xuyên dùng nước chè súc miệng có tác dụng chữa nhiệt miệng hiệu quả.
Làm sạch và ngăn ngừa viêm nhiễm vùng kín ở chị em phụ nữ: Lá chè một nắm, rửa sạch, đun nước để rửa vệ sinh vùng kín hàng ngày.
Lưu ý khi uống chè:
- Người bị táo bón, phụ nữ có thai nên hạn chế sử dụng.
- Nồng độ nước chè phải phù hợp: Nếu pha ít chè quá nước sẽ nhạt, vô vị, nhưng cũng không nên thường xuyên uống nước chè quá đặc có hại cho sức khỏe. Trong nước chè đặc hàm lượng cafein quá cao, nếu thường xuyên uống nước chè đặc sẽ làm cho lượng triglyxerin trong máu cao, làm cho động mạch bị xơ vữa, tim bị đau nhói. Một số axit trong nước chè đặc sẽ làm lắng đọng protein và vitamin, cản trở việc bài tiết dịch vị, kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, gây nên hiện tượng mất thăng bằng chức năng của dạ dày và ruột, gây tiêu hóa kém, đại tiện táo, không có lợi đối với những người bị hư nhược chức năng dạ dày, ruột.
Ngoài ra một số axit trong nước chè đặc có thể cùng với một số chất trong thức ăn hình thành chất cặn lắng đọng không hòa tan, ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt của cơ thể, lâu dài có thể gây thiếu máu thiếu sắt.
- Không nên dùng chè đặc để giải rượu: Sau khi uống rượu say thì tim đập nhanh, loạn nhịp, đau đầu, chóng mặt, chân tay rã rời, gây hưng phấn tinh thần, mà nước chè đặc cũng có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, nếu dùng chè đặc để giải rượu thì khác nào “lửa đổ thêm dầu”. Đồng thời chất kiềm chứa trong nước trà đặc sẽ khống chế khả năng tái hấp thu của thận, mà có tác dụng lợi tiểu nhanh. Sau khi uống rượu nếu uống nước trà đặc ngay sẽ làm cho chất độc trong rượu chưa được phân giải ngấm vào thận quá sớm,gây tổn hại chức năng thận.
-Người đại tiện táo không nên uống nhiều chè: Trong nước chè có chứa nhiều axit không những làm giảm sự co bóp của ruột mà còn làm lắng đọng protein, các peptit, chất sắt, ion kim loại, làm cho phân khô gây chứng táo bón hoặc khiến cho người vốn bị táo bón lại bị nặng thêm. Cần chú ý rằng, lá chè đun hãm càng lâu thì tanin tách ra càng nhiều, càng bất lợi cho người bị táo bón.
- Dụng cụ hãm và uống chè cần làm sạch cặn chè: Uống chè có lợi cho sức khỏe nhưng cáu chè bám ở thành ấm và đáy cốc thì hại cho sức khỏe. Cặn chè là do chất polyphenol trong chè bị ôxy hóa trong nước mà thành, có màu lá cọ, do đó còn gọi là rỉ chè. Trong cáu chè có chứa nhiều kim loại như chì, sắt, thạch tín... cùng với nước chè những chất này thâm nhập vào cơ thể kết hợp với những chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin, hình thành chất lắng cặn khó hòa tan làm ảnh hưởng đến sự tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể, ngoài ra chất lắng cặn này một khi đã được cơ thể hấp thu dẫn đến sự rối loạn chức năng của một số cơ quan như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa...
Vì vậy người uống chè phải thường xuyên rửa ấm chén, kịp thời cọ rửa cáu chè bám ở thành trong của ấm. Quan điểm “cáu chè càng dày hãm chè càng thơm, càng giàu dinh dưỡng” là không khoa học.