Cái câu “vợ đảm con ngoan” dường như ám vào đàn ông Việt Nam khi mà đi chọn vợ ông nào cũng chăm chăm chọn vợ đảm đang. Mà cái sự đảm ấy thì nhiều lắm: phải giỏi kiếm tiền, giỏi nấu nướng, gọn gàng, ngăn nắp, biết chăm con, biết chăm sóc gia đình chồng, biết nhường nhịn chồng… Ôi, nói chung cái danh sách đó nó ngày càng dài vì nhu cầu của các ông chồng là bất tận.
Còn phụ nữ khi đã khoác lên cái tiếng đảm đang thì coi như đeo gông vào cổ khi cắm mặt mà phục vụ chồng con từ sáng đến tối không lúc nào ngơi tay. Thế mà vẫn không thể làm hài lòng chồng cũng như nhà chồng. Thói đời, bạn càng giỏi thì yêu cầu của người ta đặt ra với bạn càng cao.
Có câu chuyện như sau
Hồi còn đi học đại học, tôi có bà cô giáo từng đi học tiến sĩ ở Úc. Có lần cô kể với chúng tôi một trải nghiệm thú vị. Số là cô tôi khi ở Úc có người hướng dẫn là một bà giáo sư tính tình vui vẻ, thân thiện. Vào một ngày chủ nhật đẹp trời, bà ấy mời cô tôi đến nhà cùng nấu ăn một bữa. Món ăn hôm đó dĩ nhiên là… món phở truyền thống của Việt Nam (sao người nước ngoài họ thích phở thế nhở, mình thấy món phở cũng bình thường thôi mà, thua bún bò xa lắc!).
Lúc món ăn được dọn ra bàn, ông chồng của bà giáo sư ấy gắp một miếng thịt bò trong tô phở trước mặt lên rồi hỏi cô tôi: “Thịt này cô thái phải không?”, cô tôi bèn hỏi lại: “Đúng vậy, nhưng có gì sao?”. Ông ấy bèn cười rồi nói: “Tôi cũng đoán vậy vì vợ tôi không thái được miếng thịt mỏng thế này đâu!”. Mọi người cùng phá lên cười. Cô tôi bèn giải thích là đã học nấu ăn từ nhỏ và mẹ luôn căn dặn là thái thịt thì phải thái cho mỏng, như vậy nấu mới ngon. Phụ nữ Việt đảm đang ai cũng biết thái thịt mỏng cả, con gái mà thái miếng thịt dày quá, xào hay nấu lên dai nhách là bị la ngay, bị chê là con gái không khéo léo.
Bà giáo sư ấy nghe cô tôi nói thế liền cười: “Giờ tao hiểu phụ nữ Á Đông tụi bây sao lại khổ thế rồi, vì khéo léo quá, chứ như tao thì tao nấu sao chồng tao phải ăn vậy”.
Rồi cả hai vợ chồng lại phá lên cười. Cô tôi thì thấy lời đó chí lí lắm. Nhìn bà giáo sư của mình thái có củ hành thôi cũng miếng dày miếng mỏng rồi quay lại thấy ông chồng vẫn vui vẻ ngồi ăn, lại ngẫm lại chuyện thái thịt của phụ nữ Việt, cô bèn đúc kết rằng phụ nữ xứ mình khổ chỉ vì khéo léo quá!
Người ta có câu: "Nhân vô thập toàn", tức con người không có ai mười phân vẹn mười cả, bạn càng đảm đang, bạn càng bị kỳ vọng... như thế, áp lực gia đình đối bạn càng nhiều.
Có một thực tế ở không ít phụ nữ là, khi yêu thì mọi điều khác đối với họ không còn quan trọng nữa, kể cả bản thân mình. Họ luôn nghĩ tới người yêu, luôn nghĩ đến chồng và làm tất cả mọi việc chỉ là để chồng hài lòng.
Khi quá yêu, người phụ nữ sẽ làm tất cả mọi thứ chỉ là vì… “chồng em thích thế”. Họ sẽ nấu những món ăn chồng thích, mặc dù mình và con không thể nhá nổi. Họ sẽ mặc những bộ đồ theo gu thẩm mỹ của chồng, để kiểu tóc mà chồng thích... cho dù mặc những bộ đồ đó, để kiểu tóc đó khiến họ già đi cả chục tuổi.
Cũng vì yêu chồng mà sáng ngủ dậy, lúc chồng vẫn còn nằm ườn trên giường, họ đã bật dậy lách cách hầm xương, nấu phở, chần trứng bê cả bát tô to tướng leo ba tầng nhà lên cho chồng ăn. Chiều tối đi làm về, họ tất bật chợ búa cơm nước, nấu món ăn chồng thích. Hôm nào được chồng khen một câu thì sung sướng như ở trên chốn bồng lai. Còn hôm nào chồng về muộn thì bỏ hết cả ti vi, cả những quyển sách hấp dẫn còn đọc dang dở. Thậm chí, từ chối cả những cuộc gọi của bố mẹ, anh em bạn bè…chỉ vì mong ngóng chồng về. Họ ngồi bên mâm cơm, đói lả chờ chồng. Để rồi sau đó là giận dỗi, khóc lóc, hờn trách, nghi kỵ, đau khổ…
Vì quá yêu chồng nên lúc nào họ cũng canh cánh một nỗi lo… mất chồng. Một ngày gọi điện cho chồng hàng chục cuộc chỉ để hỏi “anh đang làm gì đấy?”; “Anh có nhớ em không?”… Trong khi người chồng đang ức chế vì nhiều thứ như áp lực công việc, bị sếp mắng, bị người khác lên mặt, bị mất hợp đồng làm ăn…
Họ lục túi quần, túi áo, điện thoại, Facebook, Zalo. Họ soi từng sợi tóc, ngửi quần áo, dò từng dòng tin nhắn và đặt nghi vấn vào những số điện thoại mà chồng thường xuyên liên lạc. Những cuộc họp lớp, họp đồng hương, đồng niên hay những cuộc tụ tập bạn bè của chồng, vốn rất cần một khoảng trời riêng nhưng người vợ cũng nhằng nhẵng bám theo…
Vẫn có câu thế này
Người càng bao dung dễ tính, càng dễ bị trêu chọc, thậm chí bị đùa ác.
Người càng không để bụng, càng dễ bị người khác khinh lờn, có làm gì quá đáng cũng chẳng cần xin lỗi một tiếng, vì đằng nào bạn cũng sẽ bỏ qua và thứ tha?
Người càng giỏi, càng hay bị nhờ vả, nhờ làm hộ cái này cái kia.
Người càng xuất sắc, càng có nguy cơ bị chỉ trích từ những kẻ chưa từng gặp bạn lấy một lần.
Người càng chu đáo, càng hay bị giao thêm việc?”
Thế cho nên, phụ nữ muốn sướng thì đừng quá đảm đang. Nếu bạn có thể làm được 10 phần thì chỉ nên làm 8 phần, để lại 2 phần cho chồng con họ làm.
Đàn ông chỉ coi tình yêu là một phần của cuộc sống. Vì theo họ, bên cạnh tình yêu là sự nghiệp, những đam mê lành mạnh hoặc không lành mạnh tùy thuộc vào văn hóa của từng người. Khi yêu, phụ nữ chỉ muốn ngày ngày được ở bên cạnh người mình yêu. Đi đâu, làm gì, trái tim và khối óc của phụ nữ cũng nhớ đến người đàn ông của họ. Họ muốn ở bên anh ấy mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, người phụ nữ khôn ngoan hãy biết giữ lại những khoảng cách và giá trị của chính mình. Đừng vì quá yêu mà đánh mất chúng và đánh mất cả tình yêu của mình.