Theo Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, ngày 2-4 trung tâm tiếp nhận một sản phụ mang thai lần thứ 3 và đã uống hết 2/3 lọ thuốc trừ sâu Bassa, được gia đình đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, mất ý thức, mạch chậm.
Để kịp thời cứu sống sản phụ, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày và mổ lấy thai cấp cứu. Sau hơn một tiếng đồng hồ tích cực cấp cứu, các bác sĩ đã cứu sống được cả 2 mẹ con.
Bé trai chào đời nặng 3kg, khỏe mạnh, hồng hào và bú tốt. Hiện sản phụ cũng đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu.
Đây được đánh giá là một ca cấp cứu có tính chất phức tạp, buộc phải xử lý khẩn cấp bởi chất độc từ thuốc trừ sâu Bassa có khả năng gây ngộ độc cho hệ thần kinh và các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Hải Hà cũng đưa ra cảnh báo trong thời gian mang thai, sản phụ thường có tâm sinh lý nhạy cảm hơn so với bình thường bởi những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể nên có thể dẫn đến trầm cảm trước, trong và sau sinh.
Do vậy, người thân trong gia đình cần hết sức để ý để kịp thời nắm bắt những dấu hiệu bất thường.
Những vụ việc này đã và vẫn xảy ra thường xuyên khi người ta chưa nhận thức hết được các biểu hiện trầm cảm của người phụ nữ trước và sau sinh. Thật lạ là chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, cả nước cùng tiến vào kỷ nguyên 4.0, 5.0 nhưng vẫn còn có những suy nghĩ khác biệt giữa các thế hệ. Người phụ nữ trong xã hội hiện đại phải chịu nhiều áp lực hơn nhưng không được thông cảm.
Và những con người khắc nghiệt chỉ trích họ là ai, thật lạ là ít khi đàn ông phụ nữ mang thai, sinh con mà chính là những người phụ nữ xung quanh họ: bạn bè, hành xóm, đồng nghiệp, những người phụ nữ bên họ nhà chồng. Phụ nữ Việt khổ bởi chính họ đang tự làm khổ nhau, bằng hàng loạt các dẫn chứng phóng tới tấp về phía người phụ nữ đáng thương khiến họ không thể nào chống trả được: ngày xưa thế này thế nọ có ai trầm cảm đâu, sướng quá hóa rồ thì có, chị đây 1 nách 3 con nuôi chồng, ngày làm quần quật, đêm về ngủ khì, trầm cảm như cô có mà con đói rã họng; em cũng sinh con, chăm con mà có bị như chị đâu...
Và chắc chắn 1 điều, còn rất nhiều những lời lẽ ấy trong cuộc đời này. Dường như những con người vô tư, vô tâm ấy dù đọc rất nhiều, hiểu rất nhiều nhưng chưa biết tác hại của trầm cảm đối với người phụ nữ đang mang thai và sau sinh là như thế nào, dù chính họ cũng đã từng trải qua.
Nếu mẹ có những biểu hiện trầm cảm sắp sinh, thì những người trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ trầm cảm trước sinh và sau sinh cho mẹ, đặc biệt là ông bố trong gia đình. Người cha cần kiên trì dành thời gian lắng nghe những tâm sự của mẹ, an ủi và động viên mẹ kịp thời.
Ngoài ra, hãy giúp vợ mình trang bị kiến thức sinh sản cho đúng, không bị ảnh hưởng bởi những thông tin không đúng, không khoa học. Bố cũng hãy giúp mẹ hướng tới những hoạt động có lợi cho sức khỏe như nghe nhạc, đan lát, đi bộ, đi gặp gỡ bạn bè,… không nên đóng cửa ở nhà cả ngày, chỉ nằm và nghĩ linh tinh. Càng đến gần thời gian sinh nở, càng cần dành nhiều thời gian cho mẹ để làm chỗ dựa tinh thần cho cả hai mẹ con.