Quên không mang thẻ BHYT khi khám chữa bệnh, có 3 cách thay thế mà vẫn hưởng trọn quyền lợi

( PHUNUTODAY ) - Trong trường hợp không mang thẻ BHYT giấy, người bệnh có thể dùng những cách dưới đây để thay thế.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng BHXH và BHYT. Theo đó, người tham gia BHYT có thể sử sử dụng 3 cách thức dưới đây thay cho thẻ BHYT giấy trong quá trình khám chữa bệnh.

Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID

Công văn 1493/BHXH-CSYT có quy định:

- Từ 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy;

- Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc).

Như vậy, người dân có thể dùng hình ảnh thẻ BHYT trong ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.

Để sử dụng hình ảnh trên thẻ BHYT trên VssID, người dùng có thể làm theo các bước sau:

- Đăng nhập vào ứng dụng VssID bằng mã số BHXH và mật khẩu.

- Chọn mục Thẻ BHYT.

- Chọn "Sử dụng thẻ" hoặc "Hình ảnh thẻ".

quen-the-bhyt-co-3-cach-thay-the-02

Nếu chọn Sử dụng thẻ, ứng dụng sẽ hiện ra một mã QR. Người dân sử dụng mã QR này trong quá trình khám chữa bệnh.

Nếu chọn Hình ảnh thẻ, ứng dụng sẽ hiển thị hình ảnh của thẻ BHYT. Người dân dùng hình ảnh này trong quá trình khám chữa bệnh.

Sử dụng CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT giấy

Công văn 931/BYT-BH năm 2022 của Bộ Y tế cho phép người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT giấy trong quá trình khám chữa bệnh.

Bằng cách quét mã QR, cơ sở khám chữa bệnh có thể biết được người bệnh có thông tin hợp lệ hay không hợp lệ về tham gia BHYT.

Trong trường hợp kiểm tra CCCD gắn chip đã có thông tin hợp lệ về BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng có trách nhiệm thông tin cho người bệnh biết về việc đi khám chữa bệnh BHYT có thể dùng CCCD gắn chip từ những lần khám sau.

Trường hợp kiểm tra nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD gắn chíp chưa thể thực hiện được. Trong trường hợp này, nhân viên y tế tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện bằng bằng hình thức xuất trình thẻ BHYT cùng các giấy tờ tùy thân có ảnh.

Sử dụng tài khoản VNeID mức 2

Công văn 1101/BCA-QLHC của Bộ Công an về sử dụng thông tin giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID có hướng dẫn về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử thay cho thẻ BHYT giấy.

Lưu ý, người dân cần có tài khoản định danh điện tử mức 2 mới có thể sử dụng được tính năng này.

Theo đó, người dân cần đăng nhập vào ứng dụng định danh điện tử VNeID bằng tài khoản định danh điện tử mức 2. Tiếp đó, vào mục Cá nhân và bật chức năng "Xác minh ứng dụng bằng QR code".

Sau đó, quay lại "Trang chủ" để tạo QR code định danh điện tử.

quen-the-bhyt-co-3-cach-thay-the-03

Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính sẽ đăng nhập vào ứng dụng bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 và thực hiện quét mã QR của công dân đã tạo ở trên để xác định ứng dụng VNeID là thật hay giả.

Sau khi đã xác định được ứng dụng VNeID thật, người dân có thể sử dụng tính năng hiện thẻ BHYT đã tích hợp trong mục "Ví, giấy tờ". Trong quá trình khám chữa bệnh, người dân chỉ cần mở mục "Ví, giấy tờ", chọn mục Bảo hiểm y tế để hưởng đúng quyền lợi như khi sử dụng thẻ BHYT giấy.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link