Rơi nước mắt cảnh bé trai vừa lọt lòng đã 3 lần mổ não

( PHUNUTODAY ) - Cháu Võ Quang Trường (2 tháng tuổi) từ khi sinh ra đến nay đã phải 3 lần mổ não do bị giãn não thất, áp xe não và động kinh. Gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền cứu lấy tính mạng cháu.

“Gia đình tôi không còn gì để bán nữa”

Đó là hoàn cảnh đáng thương của cháu Võ Quang Trường (2 tháng tuổi) con anh Võ Quang Huấn (37 tuổi) và chị Lê Thị Dung (32 tuổi) ở thôn Thiên Nhẫn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

be-truong-2-thang-tuoi

 Cháu Võ Quang Trường (2 tháng tuổi) đã phải trải qua 3 lần mổ não. 

Anh Huấn và chị Dung xây dựng gia đình từ năm 2003 và sinh được 4 mặt con, cháu Võ Quang Trường là con út của anh chị. Từ khi sinh ra cháu đã bị căn bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày, cần có tiền để mổ não mới có thể cứu lấy được tính mạng cháu.

PV báo Người Đưa Tin đã tìm về gia đình anh Huấn, chị Dung thì chỉ có mình anh Huấn ở nhà trông các con vì chị Dung phải đưa cháu Trường ra nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Hà Nội.

Anh Võ Quang Huấn tâm sự: “Niềm vui, hạnh phúc khi con chào đời chưa được bao lâu. Thấy cháu không khỏe mạnh bình thường gia đình đưa cháu đi khám thì nhận được hung tin cháu bị giãn não thất, áp xe não và động kinh; cần phải điều trị gấp mới có thể cứu được tính mạng. Bao nhiêu tài sản trong nhà bán hết để đưa con đi chữa bệnh nhưng vẫn không đủ. Mới hơn 2 tháng tuổi mà cháu đã phải mổ não 3 lần”.

Bác sỹ tại bệnh viện nhi Trung ương chẩn đoán, bệnh tình của cháu Trường phải điều trị dài ngày và rất tốn kém.

Dù vay mượn khắp anh em, bạn bè nhưng gia đình cũng không đủ tiền để mua thuốc cho cháu. Bởi có những loại thuốc rất đắt tiền. Do không có tiền nên chỉ có mẹ cháu ở lại chăm con ở bệnh viện.

Ngồi bên con trai bà Phạm Thị Lý (57 tuổi) bà nội cháu Trường cho biết: “Cảnh nhà quê vợ chồng nó không biết làm gì ra tiền. Nay tai họa đổ xuống gia đình, tội nghiệp cháu tôi nó còn quá nhỏ để chịu đựng những cơn đau về thể xác”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa tin, ông Nguyễn Xuân Hùng, trưởng thôn Thiên Nhẫn, xã Sơn Tiến cho biết: “Gia đình anh Huấn từ khi sinh cháu thứ 4 lại bị bệnh nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Tiền để điều trị cho cháu hết nhiều”.

Ông Hoàng Huy Hiệu, phó chủ tịch UBND xã Sơn Tiến thông tin: “Trường hợp gia đình anh Huấn thuộc diện khó khăn, vợ chồng trẻ lại đông con. Cháu Trường từ khi sinh ra lại mắc bệnh hiểm nghèo nên gia đình kiệt quệ về kinh tế. Qua đây cũng mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình anh Huấn có điều kiện để chạy chữa thuốc men cứu lấy mạng sống cho cháu Trường”.

Nỗi lòng người mẹ trẻ

Được biết, bé Trường được đưa lên viện từ ngày 26/12/2016. Trước Tết, tình hình sức khỏe của Trường rất nguy kịch. Ở viện, hôm chị Dung xin cháo từ thiện, hôm mua cái bánh mì ăn cho qua bữa.

Chị Lê Thị Dung (33 tuổi) mẹ của cháu Trường chia sẻ thêm: “Bé mổ 3 lần rồi, sắp tới mổ lần 4. Bé bị một ổ áp xe lớn trong não, dẫn đến động kinh. Đợt mổ thứ 3 vừa rồi bác sĩ bảo, não thất của cháu bị giãn quá rồi, sau này nếu có sống được thì cũng đi viện nhiều hơn ở nhà”.

“Tiền thuốc nhiều khi mua hết cả 4 triệu, bác sĩ bảo bệnh động kinh này phải uống thuốc thường xuyên. Bệnh viện cũng hỗ trợ nhưng chỉ được một phần rất nhỏ, chủ yếu gia đình phải lo”, chị Dung nói.

be-truong-1-thang-tuoi

Ảnh gia đình của cháu Trường ở quê nhà.

Vay nợ chồng chất, chị Dung đau đáu vì giờ vay ai cũng khó. “Giờ con bệnh như này chẳng biết có đi được nữa không, nhưng dù thế nào gia đình vẫn phải vay mượn cứu cháu, không thì tội thân nó lắm”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Chị: Lê Thị Dung, Thôn Thiên Nhẫn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

ĐT: 01688846714

Vấn đề liên quan mật thiết đến sự phát triển trí não của thai nhi

Tuổi tác, nghề nghiệp của bố mẹ, stress, các loại bệnh qua đường tình dục,... là những vấn đề liên quan mật thiết đến sự phát triển trí não của thai nhi.

1. Tuổi của bố mẹ

Nghiên cứu của Đại học Queensland, Australia cho thấy những người làm bố ở tuối từ 40 trở lên khiến nguy cơ em bé ra đời mắc bệnh tâm thần phân liệt, tự kỉ và các dị tật về mặt và sọ cao hơn so với thông thường, đồng thời kết quả làm bài kiểm tra IQ của những em này tại trường học cũng thấp hơn so với những bạn cùng trang lứa có bố trẻ hơn.

Tuổi của người mẹ cũng liên quan đến nguy cơ mắc tự kỉ ở trẻ. Các nhà nghiên cứu cho biết, cứ 5 năm tuổi mẹ tăng lên đồng nghĩa với nguy cơ sinh con bị bệnh tự kỉ tăng thêm 18%.

2. Nghề nghiệp của bố

Theo nghiên cứu của Đại học North Carolina, nếu người bố làm việc ở một số lĩnh vực như họa sĩ, thợ chụp ảnh, thợ làm đầu và công nhân các nhà máy, xí nghiệp hóa chất có khả năng sinh con có nguy cơ dị tật cao hơn. Nguyên nhân là do những nghề này thường đòi hỏi phải tiếp xúc với hóa chất độc hại thường xuyên.

3. Sinh non

Theo tạp chí Pediatrics, trẻ em chào đời khi được 37-38 tuần thai có điểm số về kĩ năng đọc thấp đáng kể so với những trẻ chào đời khi được 39, 40 hoặc 41 tuần thai. Một đứa trẻ sinh ra khi được 36 tuần và 6 ngày có kích cỡ bộ não chỉ bằng 2/3 não của một đứa trẻ sinh đủ tháng.

4. Mẹ ăn thiếu chất

Nếu chế độ dinh dưỡng khi mang bầu của mẹ thiếu canxi, sắt, i ốt và các vitamin cần thiết khác, trẻ sinh ra sẽ chậm phát triển khả năng về ngôn ngữ, gặp vấn đề về hành vi ứng xử và có chỉ số IQ thấp.

Thai nhi trong bụng mẹ rất cần i ốt để tạo ra hooc môn tuyến giáp, vốn cực kì quan trọng đối với sự phát triển trí não. Bổ sung i-ốt vào muối là cách hiệu quả nhất để phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra. Ngoài muối i-ốt, bạn có thể chọn các loại sữa công thức dành cho bà bầu có bổ sung sẵn lượng i-ốt, ăn thêm một số hải sản như cua, cá…

Sắt giúp các tế bào máu chuyển ô xi đến cho thai nhi, nuôi dưỡng bộ não và toàn cơ thể bé. Thịt bò, thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, các loại hạt, chuối, ngao,... là những thực phẩm rất giàu sắt.

Mẹ bầu cũng không thể để thiếu axit folic, nhân tố giúp các ống thần kinh hoạt động bình thường. Axit folic có nhiều trong rau có lá màu xanh đậm, các loại đậu, đỗ, cam, chanh và gan.

5. Mẹ dùng thuốc

Đây là nguyên tắc vô cùng cơ bản mà mẹ bầu nào cũng phải thuộc nằm lòng: không uống bất kì loại thuốc nào, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên của thai kì. Loại thuốc rất thông thường như aspirin cũng có thể gây ra hiện tượng chảy máu não ở trẻ.

6. Mẹ bị stress

Nghiên cứu cho thấy những áp lực về tâm lí của mẹ trong suốt thai kì có thể gia tăng nguy cơ bị các vấn đề bẩm sinh về não cho thai nhi. Áp lực tâm lí ở đây không phải là những lo lắng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày mà là những cú sốc tinh thần nghiêm trọng, chẳng hạn do một thành viên nào đó trong gia đình qua đời.

7. Mẹ dùng chất kích thích

Nguyên tắc là khi mang thai, mẹ bầu phải nói "không" với các loại rượu, bia, thuốc lá, chất ma túy. Mẹ bầu dùng những chất kích thích này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng và nguy hiểm như: sinh non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra trí não không phát triển bình thường, khuyết tật thần kinh, hở hàm ếch, sứt môi,...

8. Ô nhiễm môi trường

Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã chịu ảnh hưởng từ những tác động của môi trường bên ngoài. Mẹ bầu sống ở khu vực giao thông có mật độ cao, nhiều khói bụi, khí thải sẽ khiến em bé ra đời có nguy cơ mắc bệnh tự kỉ cao hơn bình thường.

9. Mẹ bị Rubella hoặc sởi

Loại bệnh này chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ ở mẹ nhưng hậu quả to lớn lại để lại ở thai nhi. Trẻ sinh ra sẽ dễ mắc vấn đề về thính giác, đục thủy tinh thể và khả năng phản xạ kém. Đặc biệt, những dị tật này sẽ càng trầm trọng hơn nếu mẹ bị nhiễm bệnh ở tháng đầu tiên của thai kì.

10. Mẹ bị bệnh đường tình dục

Mẹ bầu mắc các bệnh giang mai, lậu, chlamydia, herpes,... sẽ khiến thai nhi có nguy cơ chết lưu, sinh ra nhẹ cân, viêm màng kết (nhiễm khuẩn mắt), viêm phổi, dây thần kinh bị hủy hoại, mù hoặc điếc, viêm gan, viêm màng não, bệnh gan kinh niên, xơ gan… Vì thế, việc kiểm tra tổng thể sức khỏe của người mẹ trước khi quyết định mang thai và trong khi mang thai để kịp thời xử lí là vô cùng cần thiết.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn