Chôn sống rồi bị hàng chục người ném đá cho tới chết
Nhúng người vào thùng nước sôi, dùng tứ mã phanh thây, cho voi giẫm hay ném đá đến chết đều là những hình phạt rùng rợn dành cho tử tù thời Trung cổ. Trải qua nhiều thế kỷ, hầu hết những cách thức hành hình dã man kể trên đều đã bị nghiêm cấm hay xóa bỏ. Mặc dù vậy, ném đá cho đến chết vẫn là trường hợp ngoại lệ và được sử dụng cho đến tận ngày nay. Thậm chí, 15 nước trên thế giới, chủ yếu là các nước theo đạo Hồi và một số nước ở Châu Phi đã công nhận bằng luật pháp rằng đây mà một biện pháp tử hình hợp pháp.
Trong đó, Iran, Pakistan và Afganistan là 3 quốc gia bị dư luận thế giới lên án kịch liệt vì đã lạm dụng thái quá luật ném đá để hành quyết. Đạo luật tàn khốc này chủ yếu nhằm vào đối tượng là phụ nữ với tội danh ngoại tình. Trong Bộ luật hình sự của Iran còn quy định rõ ngoại tình trong những trường hợp nào thì bị ném đá. Thậm chí, bộ luật cũng quy định cụ thể kích thước của những viên đá dùng để ném các nạn nhân. Chúng không được quá to để khiến các nạn nhân tử vong sau khi bị ném trúng 2 viên, mà cũng không được quá nhỏ như những viên sỏi.
Một phụ nữ được quấn vải trắng và chôn sống để chờ ném đá |
Thông thường, những phụ nữ sau khi bị kết tội ngoại tình sẽ bị bắt và mang đi hành quyết. Các nạn nhân được tắm rửa sạch sẽ, quấn lên người một lớp vải trắng, rồi được đưa đên một bãi đất trống. Tại đây, những người đàn ông đào một cái hố sâu, rồi lấp đất đến cổ các nạn nhân, chỉ chừa lại phần đầu nhoi lên mặt đất. Cách đó không xa, những chiếc xe tải chở đầy ắp đá đã đứng đợi sẵn sàng. Một vị bô lão có chức sắc và uy tín trong làng sẽ là người ném viên đá đầu tiên “khai cuộc”. Sau đó, đám đông sẽ cùng nhau ném đá vào đầu nạn nhân, chứng kiến sự đáu đớn và đổ máu của họ như một sự trừng phạt. Cuối cùng, đám đông chỉ chịu dừng tay khi nạn nhận được xác định là đã tử vong.
Thực tế, mỗi năm có hàng trăm phụ nữ trên thế giới đã phải bỏ mạng bằng hình thức tử hình được cho là vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người này, trong đó, có rất nhiều cái chết đầy oan uổng. Dư luận thế giới sẽ không thể quên được cái chết của cô gái trẻ Aisha, 13 tuổi, người Somali đã bị chôn sống tại một sân vận động và bị 50 người đàn ông cầm đá ném đến chết, trước sự chứng kiến của hơn 1 ngàn người vì tội ngoại tình. Dù trước đó, cha của nạn nhân khẳng định con gái mình đã bị đổ tội oan, sau khi bị 3 người đàn ông cưỡng hiếp. Hay mới đây nhất, cô Ariga Bibi, một bà mẹ 2 con người Pakistan bị chính bác ruột, anh em họ và nhiều người dân làng ném đá đến chết, với nguyên nhân hy hữu là do cô dám sở hữu một chiếc điện thoại di động.
Sự lên án gay gắt của dư luận thế giới
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho biết, hầu hết phụ nữ tại các quốc gia trên không biết chữ và không có đủ kiến thức cũng như lý lẽ để có thể bảo vệ mình trước những lời buộc tội của dư luận. Trong khi đó, nhiều trường hợp, chính người thân của các nạn nhân lại đòi mang con gái, em gái của mình ra ném đá để bảo vệ danh dự cho gia đình. Mới đây, một cặp đôi người Afganistan đã bị bắt khi đang bỏ trốn cùng nhau trên một chiếc xe ôtô. Người dân làng đã định đem cặp đôi ra ném đá, song những người già trong làng không đồng ý. Tuy nhiên, cha của cô gái lại một mực xin được giết chết cô con gái và người tình, bởi theo ông ta, đó mới là cách để bảo vệ danh dự cho gia đình. Cuối cùng, cặp đôi đã bị bắn chết bằng súng.
Tử hình bằng việc ném đá không chỉ là nỗi ám ảnh với những người dân thế giới, mà cũng là nỗi sợ hãi của bất cứ chị em phụ nữ đang sinh sống tại những đất nước áp dụng luật này. Đến nỗi nguời ta nói vui rằng, những người bị tội không mong được thoát chết, họ chỉ mong được giảm án từ việc bị ném đá xuống thành treo cổ hoặc bắn chết bằng súng cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Một nhóm đàn ông Châu Phi đang ném đá một người phụ nữ bị kết tội |
Những năm gần đây, dư luận thế giới đã có những hành động thiết thực để phản đối cách tử hình rùng rợn này. Người dân Anh, Pháp, Mỹ đã xuống đường biểu tình và yêu cầu chính phủ các nước bãi bỏ luật ném đá. Tổ chức Ân xá quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng đã nỗ lực hoạt động và cứu sống được hàng chục phụ nữ thoát khỏi bàn tay tử thần. Trường hợp của chị Ashtiani, một phụ nữ Iran là một ví dụ. Chị bị kết tội quan hệ bất chính với đàn ông, dù việc này đã xảy ra sau khi chồng chị chết, song người phụ nữ này vẫn phải chịu hình phạt ném đá. Chính con trai của chị Ashtiani đã viết đơn gửi đi khắp nơi để xin cầu cứu cho mẹ và các tổ chức nước ngoài đã vào cuộc. Án tử hình của chị đã được hoãn thi hành hơn 5 năm và có thể bị xóa hẳn trong thời gian tới.
Trước sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng thế giới về việc bãi bỏ luật ném đá, nhiều nước đã chọn những cách hành xử đối lập nhau. Trong khi Iran cho biết, nước này sẽ điều chỉnh luật, tìm một hình phạt mới thay thế cho việc ném đá áp dụng với tội ngoại tình, thì Afganistan lại có dự định đưa lại luật này vào hệ thống luật pháp sau 12 năm bãi bỏ. Mới đây, Quốc vương Brunei cũng cho biết vương quốc của ông sẽ áp dụng luật này từ tháng 4/2014. Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, vị Quốc vương cho biết bộ luật hà khắc này sẽ chỉ mang tính đe dọa, với mục đích giữ gìn bản sắc dân tộc.