Trực tiếp: Y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo, tòa vẫn tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

15h55: Về trách nhiệm dân sự, HĐXX phiên phúc thẩm tuyên buộc các bị cáo liên đới trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra trong thương vụ mua ụ nổi 83M.

15h50: Tòa phúc thẩm quyết định mức án cụ thể của các bị cáo khác:

 -Trần Hải Sơn (54 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines):  14 năm tội Tham ô tài sản; 8 năm Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt 22 năm tù cho cả hai tội danh.

-Trần Hữu Chiều (62 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines): 19 năm cho hai tội danh.

-Mai Văn Khang (56 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines): 7 năm về hành vi Cố ý làm trái.

-Lê Văn Dương (44 tuổi, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN): 7 năm tù.

-Huỳnh Hữu Đức (49 tuổi, nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù.

-Lê Văn Lừng (55 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù.

-Lê Ngọc Triện (50 tuổi, nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù.

(Ba bị cáo cựu cán bộ hải quan được chấp nhận kháng án, giảm nhẹ một phần hình phạt tù về tội Cố ý làm trái...)

15h45: Hội đồng xét xử quyết định:

-Y án Tử hình Dương Chí Dũng về tội Tham ô tài sản; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt: Tử hình.

-Y án tử hình đối với Mai Văn Phúc về hành vi Tham ô tài sản, 18 năm tù về hành vi Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Mô tả ảnh.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

15h40: Về tài sản kê biên, tòa xác định căn nhà của vợ chồng Dương Chí Dũng – Phạm Thị Mai Phương là tài sản chung vợ chồng. Việc không khấu trừ giá trị 1/2 căn nhà này cho bà Phương và khấu trừ 1/8 căn hộ tại Sky City của chị P.T.T là sai sót. Tòa cho rằng cần khấu trừ khoản tiền này để đảm bảo quyền lợi của người liên quan khi kê biên, thanh lý các tài sản.

Tòa bác quan điểm của Dương Chí Dũng và vợ cho rằng tiền mua 2 căn hộ hạng sang cho chị P.T.T là của bà Phạm Thị Mai Phương đưa cho cựu Chủ tịch Vinalines.

Tòa cũng không chấp nhận kháng cáo đề nghị hủy kê biên căn nhà ở Quảng Ninh của vợ Mai Văn Phúc.

15h30: HĐXX Tòa phúc thẩm nhận định, khi xét xử các bị cáo, phiên sơ thẩm hoàn toàn có căn cứ khi xác định Dương Chí Dũng là bị cáo chủ mưu, Mai Văn Phúc giữ vai trò cầm đầu.

HĐXX cũng cho rằng, việc áp dụng hình phạt tử hình về tội Tham ô và 18 năm tù về tội Cố ý làm trái đối với cả hai bị cáo là hoàn toàn thỏa đáng.

Về các khoản tiền bồi thường thiệt hại, HĐXX cho rằng, mức đó chỉ bằng 1/2 hoặc rất nhỏ so với những thiệt hại mà các bị cáo gây ra, do vậy, việc công tố viên đề nghị giữ mức án như phiên sơ thẩm đối với hai bị cáo là đúng đắn.

"Về trách nhiệm dân sự, đó là hậu quả do cả 10 bị cáo gây nên. Do đó, việc xác định liên đới bồi thường như phiên sơ thẩm là có căn cứ' - thẩm phán Nguyễn Văn Sơn tuyên đọc bản án.

15h20: Tòa phúc thẩm cho rằng, việc cấp sơ thẩm kết luận hai bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã thỏa thuận việc ăn chia 1,66 triệu USD từ khoản "lại quả" trong thương vụ mua ụ nổi 83M là có căn cứ.

Cũng theo Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn, cấp sơ thẩm quy kết, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, mỗi người nhận 10 tỷ đồng của Trần Hải Sơn là có căn cứ.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt lớn.

15h10: Đối với tội tham ô tài sản, HĐXX phúc thẩm nhận định, việc thỏa thuận với ông Goh về tiền lại quả không thể do Trần Hải Sơn tự quyết định mà nhất định phải thông qua Dũng, Phúc. Việc này rõ ràng phải có sự thỏa thuận ngầm của Dũng, Phúc với ông Goh vì chỉ 2 người này mới có quyền quyết định việc mua hay không mua ụ nổi 83M.

“Một mình Sơn cũng không thể chiếm hưởng khoản tiền lại quả 1,666 triệu USD, phải có sự đồng ý, thỏa thuận của Dũng hoặc Phúc sau đó ủy quyền cho Sơn thực hiện”- bản án thể hiện.

Tòa tiếp tục dẫn một loạt lời khai thể hiện sự logic trong chỉ đạo của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Khi Sơn đến báo cáo với Dũng về việc ông Goh báo chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền “kick back”, Dũng nói đồng ý và dặn về tỷ lệ chia chác. Sơn đến báo cáo lại với Mai Văn Phúc, Phúc cũng bảo: “Đồng ý, xem xúc tiến nhanh nhé”.

15h00: Tòa phúc thẩm cũng ghi nhận ý kiến một số luật sư, khi bào chữa cho Dương Chí Dũng đã cho rằng, bị cáo này chỉ đại diện cho Hội đồng quản trị khi ký kết các văn bản liên quan.

Tòa bác quan điểm của các luật sư cho là quyết định mua ụ nổi thuộc các thành viên HĐQT nên nếu quy tội Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cũng phải buộc trách nhiệm những người này. Tòa khẳng định, việc thẩm vấn những người này thể hiện, các thành viên HĐQT trong các cuộc họp chỉ được cung cấp thông tin ụ nổi đủ điều kiện để mua nên đã đồng ý ký vào quyết định phê duyệt đầu tư dự án này. Vì vậy, trách nhiệm cao nhất vẫn là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, sau đến Trần Hải Sơn rồi Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương.

Chủ tọa phiên tòa dẫn lại chứng cứ là những thời khai cho thấy sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc về việc mua bằng được ụ nổi 83M qua công ty AP đối với các cấp dưới như Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang.

14h50: Tòa cũng khẳng định, khi Vinalines vay 130 triệu USD của ngân hàng để phục vụ việc mua bán ụ nổi 83M, đã phải thế chấp tài sản của mình, Khối tài sản này thuộc sở hữu Nhà nước vì Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

14h45Trên cơ sở xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ, cũng như diễn biến tại tòa, HĐXX Tòa phúc thẩm nhận thấy:

Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nhà nước. Ngày 12/5/2006, Dương Chí Dũng ký văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và xin Bộ trình Thủ tướng phê duyệt dự án. Mặc dù dự án sau đó chưa được cập nhật vào quy hoạch để trình Thủ tướng quyết định nhưng sau đó Vinalines vẫn quyết định triển khai dự án. Các tờ trình về việc này do Mai Văn Phúc ký trình HĐQT TCty và được Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt trên cơ sở tờ trình này với số vốn hơn 3.800 tỷ đồng.

Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT và Mai Văn Phúc - Tổng GĐ Vinalines.

Việc loại trừ trách nhiệm của các bị cáo là cán bộ hải quan Vân Phong từ những phân tích ụ nổi không phải là tàu biển, tòa cho là không hợp lý. Luật Hàng hải đã quy định ụ nổi là một cấu trúc nổi di động phải quản lý theo quy phạm của tàu biển.

Thực tế ụ nổi đã được cấp chứng nhận tàu biển tạm thời, khi giám định ụ nổi đăng kiểm viên Lê Văn Dương cũng thực hiện việc khảo sát thiết bị này theo tiêu chí của tàu biển. Công ước HS các bị cáo, luật sư đưa ra, tòa cho chỉ là văn bản áp dụng trong ngành hải quan để thực hiện việc áp thuế với thiết bị. Thực tế, ụ nổi hoạt động như một tàu biển, phải đăng kiểm như tàu biển. Việc mua bán thiết bị theo đó phải thực hiện theo Nghị định 49/CP của Chính phủ.

14h40: Tại phiên phúc thẩm, về căn bản, đại diện cơ quan công tố đề nghị giữ nguyên mức án đối với bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

HĐXX Tòa Phúc thẩm cũng ghi nhận ý kiến các luật sư khi cho rằng, lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn không đảm bảo khách quan. Sơn là bị cáo có những lời khai buộc tội đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về hành vi tham ô.

HĐXX phiên phúc thẩm cũng ghi nhận các ý kiến của luật sư khi cho rằng, phiên sơ thẩm có nhiều sai sót về đánh giá chứng cứ. 

14h35: Tòa đề cập quan điểm của đại diện VKS bác kháng cáo kêu oan của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.

"Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng kêu oan ở tội Tham ô, xin giảm nhẹ tội Cố ý làm trái. Bị cáo Mai Văn Phúc xin kêu oan cả hai tội danh. Bị cáo Trần Hải Sơn xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Mai Văn Khang kêu oan, nhưng lại xin giảm án..." - chủ tọa tóm tắt diễn biến phiên phúc thẩm.

"Bị cáo Lê Văn Dương thay đổi nội dung kháng cáo, không kêu oan, mà xin giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo còn lại, về căn bản xin giảm nhẹ hình phạt" - thẩm phán Nguyễn Văn Sơn tiếp.

14h20: Vị chủ tọa tóm tắt bản án sơ thẩm, nêu rõ Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình về hành vi tham ô tài sản, 18 năm tù về hành vi cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt chung là án tử hình.

Hành vi và mức án tương tự cũng được áp dụng cho cựu Tổng GĐ Vinalines - Mai Văn Phúc.

Tòa sơ thẩm cũng tuyên phạt Trần Hữu Chiều 10 năm tù về tội tham ô tài sản, 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 19 năm tù. Trần Hải Sơn thì phải nhận 14 năm tù về tội tham ô tài sản, 8 năm về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 22 năm tù. Mai Văn Khang, Lê Văn Dương cùng bị phạt 7 năm tù về tội cố ý làm trái. 

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc các bị cáo phải trả lại hơn 28 tỷ đồng tiền tham ô và liên đới chịu trách nhiệm bồi thường khoản đã gây thiệt hại do thương vụ ụ nổi 83M. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phải nộp mỗi người 110 tỷ đồng. Trần Hữu Chiều phải nộp 39,340 tỷ đồng…

Tòa sơ thẩm cũng đã quyết định tiếp tục kê biên 2 căn hộ hạng sang Dương Chí Dũng mua cho “bồ”, kê biên căn nhà vợ chồng Dũng đang ở, kê biên căn nhà tại Quảng Ninh của vợ chồng Mai Văn Phúc.

14h15: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn đang tóm tắt lại nội dung vụ án, nội dung bản án sơ thẩm. Các bị cáo tiếp tục đứng nghe.

Lật lại từ việc Vinalines được Bộ GTVT đồng ý về nguyên tắc với việc đầu tư dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, tuy nhiên theo quy định, dự án có giá trị trên 1000 tỷ đồng, phải chờ ý kiến quyết định của Thủ tướng. Khi dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được cập nhật vào quy hoạch phát triển ngành hàng hải, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc… đã đốc thúc việc mua ụ nổi 83M (một bộ phận cấu thành của dự án).

Việc mua ụ nổi 83M đã 43 tuổi, cũ nát được cho là trách nhiệm thuộc về nhóm các bị cáo là cán bộ Vinalines, cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam. Còn hành vi giúp sức để nhập khẩu, thông quan ụ nổi được quy cho nhóm bị cáo là cán bộ Hải quan Vân Phong – Khánh Hòa.

Mô tả ảnh.
Các bị cáo tại phiên tòa.

14h10: Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn bắt đầu tuyên đọc bản án đến các bị cáo. Trước vành móng ngựa, Dương Chí Dũng và các đồng phạm đứng nghiêm nghe tuyên án.

14h07: HĐXX vào phòng xử án, tất cả các bị cáo được yêu cầu đứng nghe tòa tuyên án.

14h05: Buổi tuyên án vẫn chưa bắt đầu. Ở hàng ghế cuối cùng của phòng xử án, vợ Dương Chí Dũng - bà Phạm Thị Mai Phương đã có mặt, ngồi cạnh là vợ Mai Văn Phúc.

Mô tả ảnh.
Bị cáo Dương Chí Dũng giữ vẻ ngoài tươi tỉnh.

13h50: Các bị cáo khác bắt đầu được đưa vào phòng xử án. Các luật sư cũng lần lượt vào chỗ ngồi. Thư ký phiên tòa đang chuẩn bị các thủ tục chờ HĐXX vào khán phòng.

Bề ngoài, cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng khá tươi tắn, bình thản trước giờ tuyên án. Ngược lại, cựu Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc có vẻ khá căng thẳng.

Bị cáo Dương Chí Dũng ra tòa vẫn trong trang phục quen thuộc, chiếc áo trắng cổ cồn còn mới. Ông Dũng cũng là bị cáo duy nhất mặc áo trắng. Các bị cáo còn lại trong trang phục quần xanh, áo xanh sẫm.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn