Cuối tháng 4 vừa qua, khi có dấu hiệu đau bụng, chị được gia đình đưa vào Trung tâm Sản Nhi – BV đa khoa tỉnh Phú Thọ theo dõi.
Sau thăm khám, bác sĩ yêu cầu cho nhập viện ngay bởi đã có dấu hiệu chuyển dạ, kèm theo huyết áp tăng cao. BS Nguyễn Tiến Công, Trưởng khoa Sản thường cho biết, sau khi theo dõi trong 1 giờ, thai phụ liên tục có cơn co tử cung, huyết áp tiếp tục tăng cao, với nhiều dấu hiệu nguy hiểm nên thai phụ được chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm nhập viện.
Tuy nhiên, khi vừa lên bàn mổ, thai phụ bắt đầu xuất hiện cơn sản giật, toàn thân co giật liên tục, tinh thần hoảng loạn, khó thở, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.
“Tình thế lúc đó vô cùng nguy kịch. Ngay lập tức, chúng tôi đã báo động đỏ đến toàn bệnh viện để cấp cứu mẹ và mổ lấy thai ngay lập tức”, BS Công chia sẻ.
BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Sản nhi cho biết thêm, cùng lúc nhiều chuyên khoa cùng phối hợp. Trong khi bác sĩ sản tiếp tục mổ đẻ nhanh chóng lấy em bé ra thì kíp bác sĩ hồi sức tích cực liên tục cấp cứu ngừng tuần hoàn cho mẹ gồm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản để thông khí nhân tạo, dùng các thuốc trợ tim và vận mạch.
15 phút sau, cháu bé chào đời an toàn còn người mẹ vẫn trong tình trạng nguy hiểm, xuất hiện những cơn rung thất sau ngừng tim, mạch và huyết áp chưa thể đo được.
Các bác sĩ không bỏ cuộc, tiếp tục xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện khử rung tim. Sau 45 phút cấp cứu tích cực, 2 lần sốc điện, tim của sản phụ đã đập trở lại, huyết áp lên được 90/60 mmHg, tình trạng oxy máu ổn định.
Sản phụ được đưa về khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục điều trị. Tại khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân tiếp tục được thở máy, an thần, duy trì các thuốc trợ tim mạch, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm. Hơn 1 ngày sau, sản phụ cai được máy thở và rút ống nội khí quản.
Ngày 3/5, sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của cả hai mẹ con đã ổn định và được ra viện.
BS Hưng nhấn mạnh, tiền sản giật (hay nhiễm độc thai nghén) là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp đối với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20.
Các biểu hiện của tiền sản giật có thể kể đến như: Cao huyết áp, có protein trong nước tiểu, phù hai chân, nhức đầu hoa mắt chóng mặt… Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây ra tiền sản giật vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh nở, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân. Đặc biệt, tiền sản giật có thể dẫn đến tình trạng sản giật, trong đó sản phụ bị co giật, mất ý thức, có thể hôn mê nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, tiền sản giật còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm sau sinh, bao gồm hội chứng HELLP, băng huyết sau sinh, đông máu nội quản rải rác, phù phổi cấp, tai biến mạch máu não, tổn thương thận nghiêm trọng, bệnh thận mạn tính,...
Do đó, phụ nữ mang thai, nhất là vào giai đoạn sau của thai kỳ, cần chú ý các dấu hiệu bất thường và thăm khám thai định kỳ tại bệnh viện. Thai phụ nên thường xuyên kiểm tra huyết áp ngay tại nhà để sớm phát hiện các triệu chứng.
Chuyên gia cảnh báo các dấu hiệu của tiền sản giật như sau:
Dấu hiệu nổi bật nhất của tiền sản giật là huyết áp cao, protein trong nước tiểu, sưng quá mức (phù nề) tay và mặt, tăng cân nhanh chóng
Nhức đầu dữ dội; rối loạn thị giác chẳng hạn mờ mắt, nhìn nhấp nháy; đau ở phía trên, bên phải bụng hoặc đau vai; đau hoặc cảm giác nóng bỏng sau xương ức; buồn nôn hoặc nôn; lẫn lộn hoặc lo lắng; khó thở.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh?
Không ai có thể dự đoán chắc chắn mình sẽ có thể bị tiền sản giật. Mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc triệu chứng này trong thai kỳ đầu tiên của mình, mặc dù nguy cơ lớn đối với căn bệnh này là do gia đình có tiền sử bị bệnh.
Phụ nữ thường sẽ bị tiền sản giật ở lần đầu sinh, hiếm khi bị lại ở lần sinh kế tiếp. Các bà mẹ trên 40 tuổi hoặc khoảng cách sinh là 10 năm cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Sản phụ bị cao huyết áp/béo phì (chỉ số cơ thể trên 30) hoặc bị bệnh tiểu đường.