Sản phụ F0 bệnh nặng hồi sinh sau 40 ngày, từng nhắn chồng: Nếu có mệnh hệ gì, anh hãy thay em nuôi con

( PHUNUTODAY ) - Sau khi sinh, tình hình của sản phụ có dấu hiệu chuyển biến xấu. Chị được trợ thở oxy rồi đặt nội khí quản, thậm chí có lúc phải can thiệp ECMO.

Trong đợt dịch lần này, không ít trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là phụ nữ mang thai. Covid-19 đe dọa đến tính mạng của mẹ và bé. Có những thai phụ không thể qua khỏi và cũng có không ít kỳ tích đã xảy ra.

Câu chuyện của một thai phụ nhập viện điều trị Covid-19 khi đang ở tháng cuối thai kỳ dưới đây là một ví dụ. Chị đã trải qua những ngày dài nằm trong phòng bệnh, thậm chí phải can thiệp ECMO, có lúc bác sĩ đã gọi điện báo gia đình chuẩn bị tâm lý. Cuối cùng, phép màu đã đến với chị.

Hành trình chiến đấu với Covid-19 của bà mẹ trẻ này đã được chia sẻ trên Tuổi Trẻ.

Cuộc gặp đầu tiên giữa mẹ và con chỉ kéo dài 5 phút

Chị Thu Trinh (sinh năm 1992, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) có kết quả test nhanh dương tính vào ngày 23/7 sau khi có biểu hiện ho và sốt, lúc đang ở tháng cuối thai kỳ. Chồng chị - anh Huỳnh Minh Tâm - khi đó có kết quả âm tính. Hai vợ chồng tiếp tục làm xét nghiệm PCR và phải đợi vài ngày mới có kết quả.

Trong thời gian này, anh chị được dặn ở nhà theo dõi. Nếu có dấu hiệu chuyển biến xấu thì báo ngay cho trạm y tế để đưa đi cấp cứu. Hai ngày sau, chị Trinh sốt cao, khó thở nên được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 để cách ly, điều trị. Anh Tâm có kết quả xét nghiệm PCR dương tính nhưng không có triệu chứng nên được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, do sợ vợ lo lắng nên anh giấu không cho vợ biết việc này.

Khi mới vào bệnh viện dã chiến, chị Trinh vẫn còn khỏe. Hai ngày sau, chị khó thở và được thở oxy. Tuy nhiên, nồng độ oxy trong máu SpO2 chỉ ở mức dưới 80%, mãi không lên. Khi đó, chị có dấu hiệu sắp sinh nên được chuyển tới Bệnh viện Hùng Vương.

Đến ngày 29/7, chị Trinh sinh thường một bé trai nặng 2,8kg. Bé được đặt tên là Anh Khôi. Dù sinh sớm 2-3 tuần nhưng cháu bé khỏe mạnh và may mắn không nhiễm virus.

Vì chị Trinh đang mắc Covid-19 nên bé không được da kề da với mẹ. Em bé nằm trong lồng kính, đặt kế đầu giường của người mẹ. Khi đó, bác sĩ cho chị mượn điện thoại để chụp hình con gửi về cho gia đình. Cuộc gặp giữa mẹ con chị Trinh chỉ kéo dài 5 phút. Sau đó, em bé được chuyển vào khoa nhi để chăm sóc. 10 ngày sau, do vẫn đang phải cách ly tại nhà nên anh Tâm đã nhờ em vợ và chú thím ba tới đón cháu.

Em bé chào đời sớm hơn dự kiến nhưng khỏe mạnh và không mắc Covid-19.

Em bé chào đời sớm hơn dự kiến nhưng khỏe mạnh và không mắc Covid-19.

"Nếu em có mệnh hệ gì, anh hãy thay em nuôi con"

Về phía chị Trinh, chị được chuyển lên lầu 2. Nằm trong phòng được trị, chị thấy một sản phụ khác đặt ống thở máy nhưng không qua khỏi. Khi đó, biết tình trạng của mình nặng không kém, chị Trinh cũng cảm thấy lo sợ. Chị gọi điện cho chồng và dặn dò: "Nếu em có mệnh hệ gì, anh hãy thay em nuôi con". Anh Tâm nghe thấy điều này cũng hoang mang nhưng vẫn cố trấn an vợ.

Sau cuộc gọi ấy không lâu, đến đêm 1/8, chị Trinh mệt và được trợ oxy. Chị được chuyển xuống phòng hồi sức tích cực nhưng tình hình không khả quan hơn. Đêm đó, anh Tâm cũng nhận được cuộc gọi từ bệnh viện thông báo vợ anh đang suy hô hấp nặng, chuẩn bị chuyển viện.

Sáng hôm sau, người chồng càng suy sụp khi Bệnh viện Quân y 175 gọi điện báo rằng vợ anh đang rất nặng, phải can thiệp ECMO, tiên lượng tử vong và gia đình nên chuẩn bị sẵn tâm lý. Tình trạng chính xác sức khỏe của chị Trinh như thế nào thì chưa thể nói được, các bác sĩ chỉ có thể cố gắng hết sức. Cũng trong ngày hôm đó, anh Tâm làm test lại và có kết quả âm tính. Anh tiếp tục cách ly tại nhà thêm 21 ngày.

Khi đó, trong đầu anh Tâm không thể tránh những suy nghĩ về viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra. Anh chỉ biết cầu nguyện mong phép màu đến với vợ.

Sau 9 ngày hôn mê, kỳ tích xảy ra. Chị Trỉnh tỉnh dậy. Việc đầu tiên chị làm là mượn điện thoại của điều dưỡng để gọi nhìn mặt chồng. Sức khỏe còn yếu và vẫn đặt nội khí quản, chị chỉ có thể trả lời những câu hỏi của chồng bằng cách gật và lắc đầu. Khi người chồng hỏi có muốn nhìn con hay không, chị Trinh lắc đầu. Chị sợ mình gặp con lại xúc động, không kiềm chế được.

Khi đó, việc ăn uống của chị Trinh phải nhờ đến ống truyền thức ăn vào dạ dày. Cơ thể vào nhiều thuốc, ban ngày chị mới cảm thấy tỉnh táo còn về đêm lại mê sảng. Nhìn thấy xung quanh toàn máy móc, dây dợ cắm vào người, mỗi khi lên cơn đau, chị chỉ muốn rút hết ra để được giải thoát. Nhưng nghĩ đến chồng con ở nhà và nghe lời động viên của các y bác sĩ, người mẹ trẻ đã cố gắng để vượt qua.

Sau những ngày 'thập tử nhất sinh', chị Trinh được xuất viện.

Sau những ngày 'thập tử nhất sinh', chị Trinh được xuất viện.

Trở về từ cửa tử

Ba ngày sau khi tỉnh lại, chị Trinh được cai ECMO và chuyển qua sang phòng bệnh khác để điều trị. Chị thấy sức khỏe đỡ hơn một chút khi được bớt truyền thuốc và chỉ thở oxy. Nhưng biến cố bất ngờ xảy ra. Tỉnh táo được 4 ngày, chị lại thấy mệt rồi bất tỉnh và lại được đặt nội khí quản. Phải đến 5 ngày sau, anh Tâm mới lại nhìn thấy vợ.

Sau đó, sức khỏe của chị có nhiều chuyển biến tích cực. Chị uống thuốc, tập cai oxy và bắt đầu trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đến ngày 3/9, chị Tâm được thông báo xuất viện và về nhà tiếp tục trị liệu mỗi ngày. Chỉ kể rằng mình đã mất ngủ cả đêm vì vui mừng và đếm từng giờ từng phút để được về nhà.

Sau 40 ngày nằm viện và nhiều lúc tưởng mình không qua khỏi, chị Trinh cuối cùng cũng bình an trở về. Chiếc xe cứu thương đưa chị qua nhà chú thím ba để nhìn con từ xa rồi lại đưa chị về nhà với chồng. Từ khi sinh đến giờ, chị vẫn chưa một lần được ẵm con trên tay. Những giọt nước mắt của người mẹ trẻ cứ thế tuôn rơi.

Với anh Tâm, khoảnh khắc dìu vợ trở về nhà lần này còn vui hơn cả ngày cưới.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link