Sang tên Sổ đỏ là gì?
Sang tên Sổ đỏ là cách gọi của người dân để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (có đất và nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất).
Kết quả sang tên Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) được thể hiện qua một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho nhà đất được cấp Giấy chứng nhận mới đứng tên mình.
Trường hợp 2: Người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho nhà đất không được cấp Giấy chứng nhận mới.
Nếu không được cấp Giấy chứng nhận mới, thông tin chuyển nhượng, tặng cho nhà đất được thể hiện tại trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận. Khi đó người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho nhà đất vẫn có đầy đủ quyền.
Sang tên Sổ đỏ là thủ tục bắt buộc
Sang tên là thủ tục bắt buộc để nhà nước quản lý. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.”.
Ngoài ra, quy định bắt buộc còn thể hiện bằng quy định xử phạt vi phạm hành chính nếu không thực hiện (được trình bày ở phần sau).
3 loại giấy tờ cần có khi thực hiện sang tên sổ đỏ năm 2023
Thứ nhất, giấy tờ khi công chứng, chứng thực
Theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng nhà đất cho nhau được phép lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.
Giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng
Theo khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng 2014, các bên cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
Ngoài các giấy tờ trên, các bên có thể soạn trước hợp đồng nhưng trên thực tế thường sẽ yêu cầu tổ chức công chứng soạn thảo và phải trả thù lao.
Giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực
Tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu chứng thực nộp các giấy tờ sau:
Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
Bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng (mang bản chính để đối chiếu).
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận).
Thứ hai, giấy tờ khi khai thuế TNCN, lệ phí trước bạ
Thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ khoản 4 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, hồ sơ khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm:
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu số 03/BĐS-TNCN.
Bản chụp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà hoặc quyền sở hữu các công trình trên đất và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản chụp đó.
Hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất.
Giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế.
Lệ phí trước bạ
Điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định 140/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP quy định hồ sơ khai lệ phí trước bạ gồm các giấy tờ sau:
Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 01.
Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp theo quy định (thường là Giấy chứng nhận).
Bản sao hợp đồng chuyển nhượng.
Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có), trừ trường hợp nộp bản chính.
Đối với trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ thì vẫn phải kê khai thuế, lệ phí.
Thứ ba, giấy tờ khi đăng ký biến động
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, khi đăng ký biến động đất đai phải nộp những giấy tờ sau:
Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng hoặc chứng thực.
Bản gốc Giấy chứng nhận.
Nếu khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ cùng với thời điểm thực hiện đăng ký biến động thì có thể nộp hồ sơ cùng nhau.
Các bên phải đăng ký sang tên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.